Xót xa học sinh thành tội đồ vì dám tố cô giáo: Các con phá hết thành tích của nhà trường rồi!

Hành vi giáo viên lên lớp không nói gì có thể xem là bạo lực học đường về mặt tinh thần. Nói như chị Phạm Lan Phương trên một status gần đây “Nó vô tình trùng với điều khoản “ngược đãi, hành hạ người học” trong Chương VIII của Luật Giáo Dục”.

Hôm qua, hàng nghìn phụ huynh phẫn nộ trước vụ việc cô giáo ép học sinh uống nước giẻ lau bảng đậm đặc. Người mong muốn vụ việc nhanh chóng lắng xuống chỉ có cô giáo và gia đình. Còn luồng dư luận vẫn âm ỉ nỗi đau mang tên giáo dục. Hôm nay lên mạng lại rần rần thêm quyết định xử phạt cô giáo 4 tháng lên bục giảng chỉ im lặng khiến học sinh phải bật khóc. Thử hỏi môi trường học tập của con hiện nay không làm bố mẹ lo lắng sao được!

Học sinh lên tiếng tố cô giáo bị cho là hành động phá trường, đạp đổ thành tích

Sáng ngày 23/3, tại chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM với học sinh tiêu biểu năm 2018, em Phạm Song Toàn (học lớp 11A1 trường THPT Long Thới, Nhà Bè) đã bật khóc kể trong lớp có cô giáo bộ môn khi lên bục giảng chỉ im lặng không nói gì: “Đối với các bạn, giáo viên đến lớp giảng bài là điều vô cùng nhàm chán. Nhưng con mong muốn được một lần như vậy. Tại vì giáo viên của con không nói gì cả. Con không hiểu vì sao cô đến lớp chỉ viết bài và giao bài tập cho chúng con làm mà không nói gì cả”.

Suốt 1 học kỳ của năm, lớp của em phải tự học, tự làm bài. Mặc dù giáo viên chủ nhiệm cố gắng giải quyết hết nước hết cái nhưng không lay chuyển được tình hình. Sự việc gây xôn xao dư luận một thời gian nhưng đổi lại những giọt nước mắt bật trào của học sinh, bất chấp những điều khoản rành rành đã ghi trong luật và kết quả điều tra, cô giáo chỉ bị kỷ luật. Xót xa hơn nữa “lại có người nói em phá trường, công sức hình ảnh của nhà trường bao nhiêu năm nay bị đạp đổ” (Trích lời bà bà Nguyễn Thị Thu Hoài, trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM).

Việc cô giáo đứng lớp mà im lặng không nói gì, chỉ ghi bài giảng lên bảng như vậy theo em thì không thể chấp nhận được. Cô giáo đi dạy thì phải nói, phải giảng bài rõ ràng cụ thể cho các con hiểu bài, như vậy mới học giỏi, mới nhanh tiến bộ được chứ. Có biết bao lời ca tiếng hát, bài văn bài thơ viết về cô giáo thật đẹp: cô giáo em như mẹ hiền, tiếng cô thánh thót, lời giảng của cô dịu dàng… vậy mà hiện thực thì sao quá phũ phàng. Cho dù cô Châu ấy có am hiểu tri thức rộng lớn đến đâu, dạy giỏi đến đâu mà không biết tôn trọng học sinh, không dùng cái tâm của mình ra để giảng dạy, cứ cố chấp đề cao “cái tôi” của bản thân mình, làm trái quy định thì không đáng được tiếp tục đứng trên bục giảng.

Sự việc chưa lắng xuống thì mới đây là vụ việc bé P.A bị cô giáo bắt uống nước vắt từ giẻ lau bảng với nồng độ đậm đặc lại một lần nữa khiến phụ huynh phẫn nộ. “Ban đầu cháu không uống, nhưng cô giáo đếm 1,2,3 rồi nói: Không uống thì cô đổ vào miệng. Lúc đấy cháu mới ngậm vào miệng rồi nước trôi xuống cổ họng…mỗi khi nghĩ đến giây phút cô ép uống cốc nước bẩn đó, cháu lại cảm thấy ghê cổ, buồn nôn.”, Phương A. kể lại vụ việc. Nhưng điều lạ lùng là trong khi em là nạn nhân, đáng nhận được sự quan tâm thì giờ đây lại trở thành tội đồ bị các bạn cô lập “Tất cả việc này là lỗi tại cậu hết đấy”.

Số phận của những học sinh dũng cảm lên tiếng

Bạo lực học đường về mặt tinh thần gây ra những hậu quả to lớn cho học sinh

Ngày hôm qua, trước vụ cô giáo ép học sinh uống nước giẻ lau bảng, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hải Phòng cho biết: “Đối với giáo viên, mắc sai phạm đến đâu thì kỷ luật đến đó, sẽ xử lý nghiêm minh để rút kinh nghiệm cho ngành, cho người lao động, không nương nhẹ, phải rõ ràng, xem xét xử lý công khai”. Vâng, nếu ở đâu cũng thực hiện nghiêm chỉnh quan điểm đó thì quá tốt. Đằng này đến hôm nay, sau khi nghe kết cục của vụ “cô giáo đi dạy không nói”, em thật quá thất vọng.

Cụ thể là sáng nay bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP. HCM cho hay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chấp nhận nguyện vọng chuyển trường của gia đình em Phạm Song Toàn. Nguyên nhân là sau vụ bạo lực học đường nổi tiếng về mặt tinh thần do cô giáo bộ môn gây ra, nữ sinh đang phải chịu áp lực rất lớn tại trường trong hai tuần qua.

Quan điểm của bà Thu là nếu để em Toàn tiếp tục học tại trường, e rằng sẽ có chuyện xấu xảy ra: “Có thể nhiều bạn trong lớp sẽ cô lập em, bởi cho là nguyên nhân gây ra sự xáo trộn. Chưa kể trường Long Thới năm nay không thể có thành tích thi đua tốt, khi đó nhiều thầy cô lại không thiện cảm với Toàn. Điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý của em”. Sở Giáo dục cho rằng hiện tại học sinh đang ôn tập chuẩn bị thi cuối năm, nếu chuyển trường sẽ ảnh hưởng đến việc học. Tuy nhiên, bà Thu nói dù khó khăn cũng sẽ tạo điều kiện cho Toàn chuyển trường sớm nhất. Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục TP. HCM khẳng định: “Tuần sau, em Toàn sẽ được chuyển trường”, đồng thời nhấn mạnh Hiệu trưởng trường Long Thới và cô Trần Thị Minh Châu sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Việc xử lý Hiệu trưởng và cô Trần Thị Minh Châu là đương nhiên rồi đúng không các mẹ? Vậy nhưng sao lại có vụ em Toàn phải chuyển trường. Cho dù đó là nguyện vọng của gia đình em đi nữa thì cũng không thể chấp nhận được. Gia đình em có nguyện vọng đó là do đâu? Do chính sự kỳ thị, ác cảm của thầy cô và bạn bè dành cho em Toàn chăng?Trong một môi trường học tập mà em học sinh nữ thấp cổ bé họng, yếu đuối mỏng manh này phải chịu ngần ấy áp lực thì làm sao có thể học nổi? Thay vì cho em chuyển trường, sao họ lại không nghĩ cách bảo vệ em trước những con người ích kỷ kia? Và phải chăng vì họ không được thi đua, thành tích, khen thưởng gì trong năm nay, bị mất tiền thưởng, học sinh trong lớp bị liên lụy, gặp phiền toái… nên mới tìm cách “tống khứ”? Và ngày di tản của em Song đã hiện hiển phía trước.

Nhìn lại vụ bé gái bị cô giáo ép uống nước giặt giẻ lau bảng thật buồn là dường như cũng đang diễn ra đúng chung một kịch bản. Nếu muốn yên thân trong trường chỉ có im lặng mà thôi. Đó là sự câm lặng của những học sinh thấp cổ bé họng luôn phải sống trong sợ hãi. Một khi có ai đó lên tiếng tìm công lý thì chỉ có kết cục duy nhất là rời khỏi trường mới thật sự được yên ổn. Em Toàn phải chuyển trường để tránh thị phi do thầy cô và bạn bè áp đặt lên mình. Còn bé gái bị ép uống nước giẻ lau thì sau đó đi học bị bạn bè trong lớp đổ lỗi: “Tất cả việc này là lỗi tại cậu hết đấy”. Tại sao các bạn biết bé bị hại mà vẫn một mực đổ hết lỗi cho em? Liệu chăng chính là vì cái bóng che nào đó làm các con mất hết can đảm???

Nỗi lo của bố mẹ trong vụ cô giáo ngược đãi học sinh cho uống nước bẩn và của bố mẹ em Toàn đều là nỗi lo chung của phần lớn phụ huynh có con đến trường. Đồng ý đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng đó cũng chỉ là bề nổi. Còn đó những trường hợp thầy cô vi phạm nhưng người lớn, người có trách nhiệm liên quan không hề hay biết vì học sinh chẳng dám hé nửa. Mà sao các em dám nói vì chỉ hở nửa lời thôi là sẽ bị đì, bị chặt điểm, không thể học hành nổi phải chuyển trường khác. Và đó, cái kết cục của những em dám nói, dám đưa cái không đúng ra ngoài ánh sáng cũng có sung sướng gì đâu mà cố.

Xót xa khi chính nghĩa bị thất bại tại chính nơi mà đáng lẽ ra nó phải được đề cao

Thế là cuối cùng, em học sinh nữ lớp 11 buộc phải “tự nguyện” chuyển trường vào thứ hai tuần sau. Em phải rời khỏi nơi mình theo học vì… cô giáo sai phạm. Những giọt nước mắt cùng lời bộc bạch nghẹn ngào của em vẫn còn ám ảnh mọi người: “Con mong muốn được một lần nghe giảng bài” nhưng sự thật thì sao? Cô giáo em là người công chức đang ăn lương nhà nước và học phí của cha mẹ em lại có quyền “không thèm giảng bài”. Rõ ràng, cô giáo này đã sai quá đỗi, đã phạm phải quy định của ngành. Thử hỏi có cơ quan nào chấp nhận cho nhân viên đến ngồi, không hoàn thành trọn vẹn công việc được giao mà cuối tháng vẫn nhận lương như bình thường trong suốt 3 tháng trời? Chắc chỉ có trường THPT Long Thới, Nhà Bè mới cho phép xảy ra điều đó.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân Dân TP. HCM xác nhận: “Hành vi lên lớp không nói gì là bạo hành về tinh thần. Nó vô tình trùng với điều khoản “ngược đãi, hành hạ người học” trong Chương VIII của Luật Giáo Dục. Một người lao động không làm đúng trách nhiệm. Một nhà giáo bạo hành tinh thần học sinh thì phải bị trừng trị đích đáng. Ngược lại, người bị hại phải được bù đắp, an ủi, động viên. Đáng lẽ phải tìm ra những cách phòng chống bạo lực học đường để chấm dứt triệt để tình trạng này. Nhưng cuối cùng thì sao?”

Thiết nghĩ, trường lớp và gia đình là hai giáo đường quan trọng. Khi con cái nói dối, bố mẹ sẽ mắng. Khi học trò nói chuyện trong lớp, cô giáo sẽ phạt… Những điều này quá bình thường chỉ cần làm đúng mực. Còn việc học hành mà không được nghe giảng đến mức bật khóc xin xỏ vì yếu thế thì liệu học sinh có làm sai hay không? Có đáng bị xử phạt phải “tự nguyện” chuyển trường không? Cô Trần Thị Minh Châu không giảng bài là phạm luật nên phải bị kỉ luật. Giám thị, giáo viên, hiệu trưởng biết mà không xử lý vụ việc đến nơi đến chốn hoặc cho dù không biết cũng phạm luật nốt (vì không hoàn thành trách nhiệm quản lý, để vụ việc ấy diễn ra trong thời gian dài). Nếu vụ việc không được phát giác thì có lẽ giáo viên vẫn được thưởng, học trò vẫn được tiếng thơm, hiệu trưởng vẫn đảm bảo thi đua, giám thị, giáo viên chủ nhiệm chẳng ai bị kỉ luật… Thật sự thì em thấy chính nghĩa sao quá mông lung!!!

Bạo lực học đường dù là về mặt tinh thần hay thể chất cũng đều để lại những di chứng to lớn và dai dẳng cho con trẻ. Hơn nữa, bạo lực này lại không phải do các em bồng bột gây ra mà lại là do chính thầy cô – những người dẫn bước đưa đường cho thế hệ trẻ. Biết đến bao giờ vết thương tâm hồn trong em học sinh ấy mới có thể nguôi ngoai hay mãi trở thành vết sẹo xấu? Chỉ biết ngậm ngùi chốt lại một câu: Đã đứng trên bục giảng thì nên có lương tâm của nghề giáo và những người có liên quan thì nên bớt chút cái tôi và lợi ích cá nhân lại để chăm dưỡng cho những mầm non tương lai phát triển bình thường và tốt nhất có thể.

Theo các phụ huynh liệu những sự việc như thế này trôi đi, chúng ta sẽ dạy con cái điều gì về chính nghĩa, về chuyện đòi công bằng và sự thật đây???

Theo WTT