Nữ sinh “tố” cô giáo không giảng bài chuyển trường: Từ “anh hùng” trở thành kẻ bị “tẩy chay”

Sau khi phản ánh về giáo viên bộ môn, Song Toàn gặp nhiều áp lực, thậm chí nữ sinh này còn vấp phải làn sóng tẩy chay ngay ngay trong lớp học của mình.

Chưa kể, việc gia đình em Toàn muốn cho em chuyển trường chỉ sau chưa đầy một tháng xảy ra sự việc, đã phần nào phản ánh được áp lực tâm lý từ chính bạn bè, thầy cô trong trường mà em Song Toàn đang phải trải qua.​

Chưa đầy một tháng, câu chuyện về người giáo viên im lặng khi lên lớp và nữ sinh dũng cảm dám đứng lên vạch trần sự thật vẫn chưa thôi yên lặng trong dư luận. Nếu trước kia là sự phản đối của mọi người dành cho cô giáo Trần Thị Minh Châu thì nay lại là cái nhìn đáng tiếc dành cho em Song Toàn khi phải chịu quá nhiều áp lực từ truyền thông, xã hội và bạo lực tinh thần ở trường học.

Vậy, nếu để em Phạm Song Toàn buộc phải chuyển trường vì không chịu nổi áp lực dư luận, thì đó có phải là thất bại từ nhà trường, các giáo viên, các bậc phụ huynh đến ngành Giáo dục thành phố, chính quyền huyện và thành phố hay không? Đây cũng chính là câu hỏi được đặt ra cho Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc của không chỉ phóng viên báo Lao Động mà còn của toàn xã hội.

Tuy nhiên theo thông tin mới nhất, sáng 6-4, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về sự việc, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết trường hợp của em Song Toàn Sở đã nắm tình hình. Em sẽ được chuyển trường ngay thứ Hai tuần sau.

Nữ sinh tố cô giáo không giảng bài suốt 3 tháng phải chuyển trường!?

Trước đó, vào ngày 23/3, trong buổi gặp gỡ đối thoại với ngành Giáo dục TP.HCM diễn ra định kỳ hàng năm, câu chuyện của nữ sinh Phạm Song Toàn về cô giáo của mình đã khiến cả nước bàng hoàng và sửng sốt. Suốt thời gian gần một học kỳ lên lớp, cô giáo dạy Toán đã không hề nói chuyện, chỉ chép bài giảng rồi kệ học sinh tự học.

Không khí trong lớp căng thẳng, học sinh sợ hãi, dù đã báo cáo sự việc với cô giáo chủ nhiệm nhưng kết quả không hề thay đổi. Và chỉ đến khi một nữ sinh dũng cảm lên tiếng, thì tình trạng giáo dục học đường này mới được phát giác.

Dư luận quan tâm, xã hội bức xúc, cô giáo Trần Thị Minh Châu ngay lập tức bị nhà trường và lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM xem xét kỷ luật theo trình tự xử lý viên chức vi phạm.

Nữ sinh tố cô giáo không giảng bài sẽ chuyển trường: Từ anh hùng trở thành kẻ bị tẩy chay

Ngoài ra, vào cuối tháng 3, cô Trần Thị Minh Châu cũng đã gặp gỡ, đối thoại với học sinh lớp 11A1, gặp gỡ riêng với em Toàn để khép lại những chuyện đã qua cũng như hứa hẹn việc thay đổi thái độ giảng dạy trong thời gian tới.

Cô Châu và em Toàn cũng ôm nhau thể hiện sự hòa giải, thông cảm ngay trên lớp.

Những tưởng mọi chuyện sẽ được kết thúc theo chiều hướng tích cực. Song, nữ sinh Phạm Song Toàn lại vướng vào làn sóng tẩy chay ở ngay chính lớp học của mình. Đến mức, gia đình của em muốn Song Toàn chuyển trường.

Tối 4/4, trao đổi với Zing.vn, ông Trần Minh Bình – hiệu trưởng trường THPT Long Thới cho hay, ông đã được nghe phụ huynh đặt vấn đề về việc này nhưng tới giờ chưa nhận được đơn chuyển trường từ gia đình Song Toàn. Bên cạnh đó, việc chuyển trường hay không căn cứ vào nguyện vọng của Song Toàn và gia đình. Chỉ Sở GD&ĐT TP.HCM mới có thẩm quyển chuyển trường cho em Toàn.

Phạm Song Toàn và nỗi áp lực khi trở thành một người “dám lên tiếng vì sự thật”

Sau khi phản ánh về giáo viên bộ môn, Song Toàn gặp nhiều áp lực, thậm chí nữ sinh này còn vấp phải làn sóng tẩy chay ngay trong lớp học của mình. Chưa kể, việc gia đình em Toàn muốn được cho em chuyển trường chỉ sau chưa đầy một tháng xảy ra sự việc đã phần nào phản ánh được áp lực tâm lý từ chính bạn bè, thầy cô trong trường mà em Song Toàn đã trải qua.

Xét về thực tế, em Phạm Song Toàn đang là nạn nhân của tình trạng bạo lực tinh thần – một trong những hình thức bạo lực học đường đáng sợ nhất mà bất cứ lứa tuổi học sinh nào cũng không muốn mình gặp phải.

Nếu như dư luận gọi Toàn là người dũng cảm, dám nói ra sự thật, bảo vệ lẽ phải hay nói chính xác hơn là chính Toàn đang bảo vệ bản thân và các bạn với quyền lợi được học và cần được thầy cô giảng dạy, chỉ bảo thì chính các em học sinh – những người vốn phải ủng hộ, kề vai sát cánh với Toàn trong những lúc như thế này lại xem Toàn là người cố tình “chơi trội”. Và theo lẽ thông thường, những cá nhân “thích” được nổi bật giữa đám đông sẽ bị ghét và cô lập.

Đối với trường hợp của Toàn, em đang là tâm điểm của mọi sự chú ý. Ở trường là bạn bè, thầy cô, ra ngoài xã hội thì là công chúng, dư luận. Đây hoàn toàn là một điều cực kỳ bất lợi với một nữ sinh đang ở độ tuổi vị thành niên.

Có lẽ, chính Song Toàn cũng không thể ngờ được, chỉ vì một lời phát biểu của mình trong buổi gặp gỡ ban lãnh đạo Sở giáo dục TP.HCM, vài giờ sau, trên khắp các mặt báo đều có hình ảnh của em và câu chuyện “nữ sinh tố giáo viên dạy Toán im lặng suốt 3 tháng” được đặt ở ngay trang nhất.

Thậm chí, bản thân Song Toàn cũng chưa từng nghĩ, vì lời nói của mình mà ảnh hưởng đến nhiều người như vậy, ít nhất là đối với bản thân cô Trần Thị Minh Châu, giáo viên chủ nhiệm của em và cả thầy Trần Minh Bình hiệu trưởng. Chính những suy nghĩ này là một trong những tác nhân khiến Song Toàn trở nên mặc cảm, day dứt, lạc lõng giữa đám đông. Và rất có thể, còn là thấy có lỗi với giáo viên của mình.

Như đã nói ở trên, sau buổi gặp gỡ với ngành Giáo dục, cô Trần Thị Minh Châu, học sinh lớp 11a1 và em Song Toàn đã có buổi nói chuyện, chia sẻ thẳng thắn với nhau để giải quyết mọi mâu thuẫn trước đó. Tại buổi nói chuyện, cô Châu bày tỏ sự tiếc nuối về thời gian qua đã xa cách học trò, làm tổn thương chính mình, học sinh cũng như ảnh hưởng đến cả những danh hiệu, uy tín của nhà trường. “Tôi đã sai và không có gì để bàn cãi. Tôi cũng nói với học sinh là cô sai trước. “Tại sao cô làm vậy?”, các em cũng hỏi nhưng tôi chỉ nói “cô không giải thích với em”.- Cô Minh Châu trả lời trên báo chí.

Còn về phía Song Toàn, em cũng khẳng định, những vấn đề mình đã nói với Sở hay giữa lớp, nói với cô giáo thì em cũng không thay đổi ý kiến, em vẫn sẽ nói, vẫn giữ đúng quan điểm như vậy. Song Toàn cho rằng, nếu như em im lặng thì: “Tình trạng này sẽ diễn ra với ai, diễn ra như thế nào!?” Bởi học sinh lớp dưới, các em cũng sẽ không nói và các bạn khác cũng không nói. Vậy thì phải làm gì để ngăn chặn?

Kết thúc những khúc mắc giữa cô, trò là giọt nước mắt từ cô Châu, em Toàn, cái ôm thật chặt từ hai phía và sự giảng bài trở lại của người giáo viên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Song Toàn mới chính là người phải chịu áp lực hơn cả vì ở ngay giữa môi trường Sư phạm, chưa một ai đứng về phía em, em vẫn đang đơn độc chiến đấu một mình.

Phạm Song Toàn và sự thất bại trong việc bình ổn tâm lý học sinh từ phía nhà trường

Cũng chẳng thể lý giải cụ thể nguyên nhân khiến em Phạm Song Toàn bị tẩy chay ở lớp học, giữa những cá nhân nhờ có Song Toàn mà được nghe lời giáo viên giảng bài trở lại. Nhưng chắc chắn, trường hợp của Toàn là biểu hiện cho sự thất bại trong việc bình ổn tâm lý học sinh từ phía nhà trường.

Chia sẻ trên báo Lao Động ngày hôm qua, theo ông Dương Trung Quốc, khi học sinh có ý kiến, phản ánh tiêu cực giáo dục, nhà trường cần thể hiện sự ủng hộ bằng cách tán thưởng, biểu dương. Trong vụ việc này, vì lo sợ một điều gì đó, phụ huynh mới quyết định cho em Phạm Song Toàn chuyển trường.

“Khiến phụ huynh phải hành xử như thế, chính nhà trường đã không chuẩn mực, tạo tiền lệ cực xấu. Nhà trường, ngành Giáo dục địa phương cần vào cuộc giúp em Toàn ổn định tâm lý, thậm chí nhà trường có cam kết đảm bảo sự công bình, giúp em yên tâm học tập”, ông Dương Trung Quốc cho hay.

Thiết nghĩ, ở thời điểm hiện tại, việc em Song Toàn phải chuyển trường từ sau những ồn ào về cô giáo dạy Toán của em đã không còn là phương pháp giải quyết tối ưu nhất.

Bởi chẳng ai có thể chắc chắn rằng, ở một ngôi trường mới em sẽ không bị cô độc, không phải chịu những ánh nhìn dò xét. Hơn nữa, điều này còn thể hiện sự lỏng lẻo trong quản lý giáo dục từ phía nhà trường trong việc quản lý giáo viên, điều phối học sinh, thúc đẩy sự đoàn kết trong lớp, tăng cường sự gắn kết giữa giáo viên với học sinh. Chưa kể, chuyển trường trong giai đoạn này còn là sự bất lợi cho em Toàn khi kỳ thi học kỳ đang đến gần.

Quyết định để em Phạm Song Toàn được chuyển trường đã được đưa ra, nhưng rồi dư luận có chịu yên lặng hay lại dấy lên một hồi chuông dữ dội tiếp theo về tình trạng bạo lực tinh thần học đường ở Việt Nam?

Mặt khác, một người dám đứng lên nói ra sự thật, mang lại tiếng giảng bài cho biết bao nhiêu con người lại phải chuyển trường, liệu có phải quá “oan ức” cho em rồi hay không?

Theo Yan