Mẹ tức nghẹn trước sự cao ngạo của cô giáo: “Nước giẻ lau phải đậm đặc, loãng không chịu”
Vụ cô giáo ngược đãi học sinh bằng cách cho uống nước giẻ lau bảng đậm đặc được phanh phui khiến nhiều bố mẹ đứng ngồi không yên về thực trạng đến lớp hiện nay của con cái mình.
Cả ngày nay, cứ lên mạng là em lại thấy mọi người xôn xao bàn tán về vụ cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương mới về trường mà đã cả gan phạt học sinh bằng một cách động trời là bắt uống nước giẻ lau bảng. Nói thật với các mẹ chứ em ngồi đọc tin, nghĩ nát óc cũng chẳng thể hiểu nổi tại sao cô giáo đó lại dám hành xử một cách bẩn thỉu và thiếu đạo đức như vậy luôn. Nhưng có đôi điều em ngẫm thế này ạ:
Thứ nhất:
Bé gái ấy chỉ mới học lớp 3 thôi, bằng tuổi với con em, mà con em cũng có cái tật xấu hay nói chuyện trong lớp. Trường hợp bé ấy là con em thì không biết em có chịu nổi cú sốc này không đây. Tìm hiểu kĩ em mới phát hiện ra lý do vì sao cô giáo ấy dám làm việc kinh khủng đó.
Các mẹ nghĩ xem, trong thời buổi khó xin việc, nghề giáo viên bị bão hòa phải dạy hợp đồng là chính thì thử hỏi một cô gái sau khi tốt nghiệp một trường đại học kinh tế, học thêm văn bằng của trường sư phạm làm sao xin vào dạy trong một ngôi trường lớn của huyện với phong thái cao ngạo, đường đường chính chính như thế? Trong khi đó theo thông tin mới nhất, cô giáo trẻ tên Nguyễn Thị Minh Hương không ai khác chính là con gái ruột của bà Tạ Thị Ng. (bà Ng. lại là Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện An Dương, TP Hải Phòng).
Phải chăng chính vì một giáo viên không có nghiệp vụ, không đủ tâm và không đủ tầm được cho đi dạy nên mới gây ra vụ việc tày đình này chăng? Hy vọng việc xử phạt cô giáo ngược đãi học sinh này là điều sẽ phải làm cho ra lẽ chứ không thể “một con sâu làm rầu nồi canh” được.
Thứ hai:
Nếu đơn thuần chỉ là bắt uống nước bẩn thôi thì vẫn còn có thể dung thứ. Đằng này, cô Hương thấy ly nước còn trong nên vắt giẻ lau bảng thêm cho nước thật bẩn, thật đậm đặc rồi bắt học sinh của mình uống cho hả lòng hả dạ. Đây không còn là hình phạt răn đe đơn thuần nữa mà là cách đối xử nhẫn tâm, coi rẻ nhân phẩm con người và nghèo nàn tình thương yêu của người làm nghề giáo. Mặt khác, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
Theo ông nội bé kể thì sự việc không chỉ xảy ra 1 lần, mới đây mà nó đã có tiền lệ và được lặp lại nhiều lần như một hình phạt chung cho tất cả học sinh trong lớp. Và nếu nó là thứ nước đậm đặc được vắt từ giẻ lau bảng bám đầy bụi phấn thì không biết theo thời gian, nếu sự việc không bại lộ thì sức khỏe các bé còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức nào.
Điều đáng nói, khi đến xin lỗi gia đình, cô Hương chỉ xin lỗi bằng lời. Cô bảo với ông nội bé P.A. là đã xử sự không đúng mực và một phần hành động là do bức xúc chuyện cá nhân gia đình. Đến khi ông nội bé yêu cầu viết giấy xin lỗi thì cô kiên quyết từ chối, không chịu làm theo. Thái độ này liệu có được xem là lời xin lỗi chân thành không đây???
Các thầy các cô vẫn thường dạy học sinh của mình câu: “Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó, còn có tài mà không có đức thì chỉ là người vô dụng”. Thiết nghĩ, cô giáo Hương đã đứng trên bục giảng, tuy không có bằng nhưng ít nhiều sẽ hiểu được câu nói này. Nghiệp vụ có thể trau dồi qua thời gian nhưng đạo đức mà không có gốc như thế thì liệu có xứng đáng đứng tiếp trên bục giảng? Các thế hệ học sinh sẽ ra sao khi được một người cô như thế dạy bảo mỗi ngày? Chỉ nghĩ tới thôi đã thấy rùng mình lo sợ. Cho dù có bị đình chỉ giảng dạy ở ngôi trường này đi nữa thì ai chắc rằng sau khi vụ việc nguội dần đi, cô Hương không đứng lớp ở một ngôi trường khác nữa với gia thế “không phải dạng vừa” như vậy?
Thứ 3:
Theo bà Hiệu trưởng trường, mẹ bé Phạm P.A. đi làm ăn xa, cháu ở với ông bà từ lúc 3 tháng tuổi đến nay. Sau khi vụ việc được phát giác. Ông nội cháu bé còn tiết lộ thêm một thông tin kinh khủng nữa là cháu P.A. có kể với ông rằng mình bị cô phạt từ đầu năm học đến giờ. Nghĩa là bé ấy bị cô Hương cho uống nước giẻ lau bảng từ đầu năm đến giờ. Điều này được chính cô Hương thừa nhận với ông vào ngày 3/4 tại nhà ông khi đến trực tiếp xin lỗi gia đình về vụ cô giáo ngược đãi học sinh này. Ông ngậm ngùi nói: “Cháu tôi quá sợ nên không dám nói với ai. Cho đến khi nghe bạn của cháu kể lại, tôi mới biết cháu mình bị phạt uống nước giặt giẻ từ lâu, ngay từ đầu năm học cho đến bây giờ. Khi đến xin lỗi tôi, cô Hương cũng nói với tôi đã phạt cháu tôi nhiều lần theo hình thức này”.
Bé P.A. còn kể đây là hình phạt được áp dụng cho học sinh trong lớp, nếu ai nói chuyện riêng, lớp trưởng sẽ ghi lại danh sách để đưa cho cô giáo phạt súc miệng bằng nước giặt giẻ lau. Các bạn trong lớp có ai bị chưa thì không rõ chứ chắc chắn bé P.A. đã bị nhiều lần. Chính vì sợ câm lặng của những đứa trẻ sống trong sợ hãi như bé P.A. mà những vụ bạo hành, ngược đãi học đường càng ngày càng nhiều. Ngoài ra, có thông tin còn cho biết, chính miệng bé P.A. hồn nhiên kể: “Hôm đó, con nghịch nên cô bảo con uống thì con uống thôi. Nước chỉ hơi bẩn một tí. Hiện tại, các bạn trong lớp toàn bảo lỗi tại con. Các bạn không bênh con nên con rất buồn”. Rõ ràng chưa ai đứng ra giải thích cho các học sinh hiểu bản chất của sự việc là gì. Và việc một học sinh bị cô lập sẽ để lại những hậu quả ra sao. Ai dám chắc rằng ở những ngôi trường khác không có những cảnh tương tự xảy ra? Vụ này làm em nhớ lại clip về vụ bạo hành trẻ em ở trường mẫu giáo mà trước đây em có xem. Đúng là bây giờ bố mẹ cho con đi học dù là gửi trẻ, mẫu giáo hay cấp 1, cấp 2, cấp 3 cũng đều lo lắng đứng ngồi không yên. Nếu bạn của bé gái bị cô giáo ngược đãi học sinh cho uống nước giẻ lau bảng không mách với mẹ bé thì vụ việc này còn kéo dài và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ đến mức nào.
Những hình phạt mang tính chất ngược đãi, hành xác, làm nhục trẻ như ép uống nước giẻ lau bảng, liếm nhà vệ sinh, đứng khoanh tay ngoài nắng hàng tiếng đồng hồ, đánh mạnh vào người, để cho bạn khác đánh trẻ thay giáo viên… đều ảnh hưởng nặng nề đến thể chất và nhất là tâm lý của trẻ lâu dài về sau. GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ quan điểm rằng: Bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng là xâm phạm thân thể con người. Ông bức xúc nói rằng: “Chúng ta vẫn kêu gọi phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các cháu không ăn quà vặt ở cổng trường mà cô giáo lại bắt học sinh uống nước bẩn. Tôi tự hỏi, giờ cho cô giáo thử uống nước giẻ lau bảng đó xem có dám không, hay chỉ cần dính một tý bẩn vào chén nước là cô phải đổ bỏ? Dứt khoát không thể chấp nhận được hành động này”. Còn GS. Hạc thì bảo: “Không ai bắt học sinh, nhất là còn nhỏ tuổi như thế uống nước bẩn từ giẻ lau bảng ra cả. Việc này rất nguy hiểm và không ai có thể chấp nhận được hành vi này của cô giáo. Đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm hành vi này của cô giáo để làm gương trong toàn ngành”.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện An Dương cho biết cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương là giáo viên trẻ, đang dạy hợp đồng và do vào lớp thấy học sinh mất trật tự nên nóng giận, bộc phát mới có hành động cô giáo ngược đãi học sinh như vậy. Còn GS Phạm Tất Dong khẳng định dù có biện minh thế nào đi nữa thì hành vi của cô giáo này là sai, không bao giờ được xuất hiện trong ngành giáo dục.
Vậy với các mẹ, các bố thì sao? Hành động này có đáng nhận được sự tha thứ, bao dung không???
Theo WTT