Tiết lộ bất ngờ về quỷ đói, ngày ngạ quỷ được ‘thả cửa’ bủa ra tứ phương

Tháng 7 – tháng cô hồn là lúc Diêm Vương mở quỷ môn quan và “thả cửa” để ma quỷ bủa ra tứ phương. Một trong những loài quỷ thường quấy phá dương gian đó là ngạ quỷ. Ngạ quỷ hay còn gọi là quỷ đói được xem như nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với dương gian.

“Tháng cô hồn” và những truyền thuyết

Cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt Nam. Người Việt cổ tin rằng, con người gồm hai phần – hồn và xác. Khi mất đi, phần hồn còn tồn tại, tùy theo việc khi còn sống làm mà người mất sẽ được đầu thai kiếp khác hay bị đày xuống địa ngục, thậm chí lang thang quấy rối người thường. Và cúng cô hồn từ đó xuất hiện.

Theo quan niệm của nhiều gia đình Việt, việc cúng cô hồn không chỉ để khỏi bị quấy phá, mà vì muốn làm phúc, giúp những cô hồn ít ra cũng có một ngày được no nê, đỡ tủi phận. Đó là ý nghĩa mang tính nhân văn rất cao trong văn hóa Việt, cũng như quan niệm về ngày xá tội: con người dù đã gây ra những tội ác gì thì trong quá trình chịu trừng phạt, quả báo, cũng có được một ngày xá tội, để đỡ khổ cực, đau đớn…

Theo tử vi của người phương Đông, ở góc độ âm dương ngũ hành, tháng 1 hay tháng 7 Âm lịch ứng với trục Dần Thân. Đây là trục đối xứng của chòm sao Tử Vi Thiên Phủ. Hai chòm sao này là biểu tượng của vòng quay âm và dương. Tháng 1 và 7 có thể coi là vị trí nhạy cảm khi âm dương giao hòa. Tháng 1 là Tết của dương thế còn tháng 7 được coi như Tết của âm thế.

Tháng 7 Âm lịch cũng là thời điểm mà Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan (cửa địa ngục) để ma quỷ được tự do trở về dương thế. Dân gian vẫn quan niệm, các vong hồn khi được thả ra sẽ quấy phá các công việc của con người, theo đó, nếu làm những việc lớn như động thổ xây nhà, mua xe… đều phải kiêng kỵ. Nếu thực hiện sẽ không được hanh thông và gặp phải nhiều rủi ro.

Một chuyện khác kể rằng, một đại đệ tử của Phật là đức A Nan Đà một buổi tối đang ngồi tịnh thì thấy một con ngạ quỷ (quỷ đói) người gầy quắt, cổ dài, miệng nhả ra lửa bước vào, nói rằng 3 ngày nữa A Nan Đà sẽ chết và cũng trở thành quỷ miệng lửa (diệm khẩu) như nó. Quỷ nói: “Nếu muốn tránh thì ông phải bố thí cho lũ ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc đồ ăn, và cúng dường Tam bảo giúp chúng tôi, để chúng tôi được tái sinh vào cõi trên, thì ông cũng được tăng thọ”.

Tôn giả A Nan Đà đem chuyện này nói với đức Phật. Đức Phật sau đó đã làm một bài chú đem tụng trong lễ cúng tam bảo để cầu siêu thoát cho quỷ đói miệng lửa. Về sau, dân gian hiểu rộng ra thành lệ cúng và cầu phúc cho vong nhân nói chung.

Ngạ quỷ – nỗi kinh sợ trong tháng cô hồn…

Ảnh minh họa

Trong số những cô hồn, ma quỷ hay phá quấy người dân, dân gian xưa thường xuyên nhắc tới ngạ quỷ (quỷ đói). Trong các thuyết Phật giáo, người ta cho rằng, ngạ quỷ là một dạng tái sinh khi con người chết đi, nếu làm nhiều việc tốt, chúng sẽ được đầu thai kiếp khác làm người. Ngược lại, nếu làm điều xấu, tùy theo các mức độ mà chúng sẽ bị đầy xuống địa ngục, nhẹ hơn thì đầu thai làm súc sinh và nhẹ nhất làm ngạ quỷ.

Tín ngưỡng dân gian cũng lưu truyền một sự tích khác về quỷ đói. Tương truyền có một gia đình nọ giàu có nhờ b.án nước mía. Một hôm, có một nhà sư tới xin nước mía về để chữa bệnh. Người chồng đi vắng, dặn vợ ở nhà tiếp đãi nhà sư cẩn thận. Nhưng bà vợ tham lam, keo kiệt đã lén đi tiểu vào bát của nhà sư, sau đó trộn chung với nước mía. Nhà sư tinh thông biết chuyện, đã đổ bát nước đi và bỏ về. Sau này, người vợ chết đi, do tội lỗi của mình nên bị đầu thai thành thứ quỷ luôn luôn đói khát, sống ở nơi bẩn thỉu, nhớp nhúa, gọi là quỷ đói…

Lễ vật cúng cô hồn đúng và đầy đủ nhất

– Tiền vàng từ 15 lễ trở lên, quần áo chúng sinh từ 20 đến 50 bộ.

– Tiền chúng sinh (tiền trinh), hoa, quả 5 loại 5 mầu (ngũ sắc).

– Bỏng ngô, khoai lang luộc, ngô luộc, sắn luộc.

– Kẹo bánh. Tiền mặt (tiền thật, các loại mệnh giá).

– Nếu cúng thêm cháo thì thêm mâm gạo muối (5 bát, 5 đôi đũa hoặc thìa)

– 12 cục đường thẻ .

– Mía (để nguyên vỏ và chặt tùng khúc nhỏ độ 15 cm )

– Nước : 3 chun (hay 3 ly nhỏ ), 3 cây nhang , 2 ngọn nến nhỏ.

Chú ý: Không cúng xôi, gà. Khi rải tiền vàng ra mâm, để 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi hướng từ 3-5-7 cây hương. Bày lễ và cúng ngoài trời.

Thời gian: Có thể cúng từ ngày mùng 1 đến 15 tháng 7 (âm lịch).

Cách mời vong đi sau khi cúng cô hồn

Nhiều gia đình mời cô hồn về nhà cúng chúng sinh, nhưng khi xong nghi lễ không biết mời đi, nên cô hồn vẫn luẩn quẩn trong nhà quấy quả gia chủ. Vì vậy, sau khi nghi lễ cúng xong, các gia đình nhất định phải làm những việc như sau:

+ Vãi gạo, muối ra sân, ra đường và đốt vàng mã.

+ Tục giật cô hồn: tức người sống giành giật những mâm cúng, rồi người ta thường đốt vàng mã cho cô hồn, cho tiền người sống bằng cách thảy tiền cùng với bánh kẹo. Họ tin nếu người sống mà giành giật càng đông, tức họ đã mua chuộc được các cô hồn các đảng không đến quấy phá gia đình mình.

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo dành cho những ai quan tâm!

Theo Thethaovaxahoi