Chuyện đời đẫm nước mắt của người mẹ góa cụt tay chân vá áo quần, oằn lưng nuôi con ăn học
Việc sử dụng máy khâu sửa quần áo cho khách đối với người bình thường đã khó, đối với người tật nguyền như bà Đào còn khó hơn gấp bội. Suốt bao năm, số tiền ít ỏi kiếm được phần nào đã giúp mẹ con bà trang trải cuộc sống muôn vàn khổ cực.
Bất hạnh đeo bám
Hồi nhỏ theo mẹ đi chợ, không may bà Thái Hạnh Đào (nay đã 59 tuổi, sống tại xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị ô tô đâm, phải cưa mất tay và chân phải. Từ đó, bà đi đứng dựa vào chiếc chân giả. Tay phải cụt không làm được gì, bà tập sử dụng tay trái.
Đến tuổi trưởng thành, bà Đào lập gia đình và hạnh phúc chào đón con gái đầu lòng năm 2000. Gia đình nhỏ với 3 thành viên dù khó khăn vẫn nương tựa vào nhau mà sống. Thế nhưng, một lần nữa, tai ương lại xảy ra với người mẹ tàn tật. Khi con gái Gia Phúc mới 18 tháng tuổi, bà Đào sơ ý ngã vào chảo dầu đang sôi khiến toàn thân bỏng nặng.
Trong lúc cấp thiết, chồng bà đã bán ngôi nhà đang ở để lo liệu thuốc thang. Còn dư chút tiền, vợ chồng bà mua một mảnh đất nhỏ trong nghĩa địa. Nhờ số tiền 25 triệu được mạnh thường quân ủng hộ, ông bà cất được căn nhà nhỏ che nắng mưa.
Một thời gian sau, chồng bà Đào qua đời vì bạo bệnh. Bao khó khăn một mình người vợ góa phải gánh vác.
“Ông ấy ngã xuống, gia đình tôi càng khó khăn hơn trước. Tiền thuốc men, chi phí sinh hoạt trong nhà… đổ dồn lên kẻ tàn tật như tôi. Khi ấy, tôi chẳng biết xoay như thế nào” – bà Đào kể lại với PV Khám Phá.
Nghĩ nát óc, bà gom góp mua cái máy khâu cũ sửa quần áo kiếm tiền nuôi con. Căn nhà tạm nằm sâu trong nghĩa địa, cây cối um tùm không nhiều khách lui tới. May mắn, bà sẽ kiếm được 100 ngàn đồng mỗi tháng, còn không thì chỉ được vài ba chục ngàn. Số tiền quá ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống thường ngày của mẹ con bà. Mọi chi tiêu trong nhà đành trông chờ vào số tiền 1 triệu đồng trợ cấp.
Không đầu hàng số phận
Với một người bình thường, làm việc với máy khâu để sửa quần áo cho khách đã không dễ dàng, đối với bà Đào, công việc này càng khó khăn hơn.
Khi ai đó thắc mắc làm thế nào bà có thể xoay sở bên máy khâu khi cơ thể không lành lặn, bà chia sẻ: “Nhiều người cũng thắc mắc như vậy! Thực ra, tôi dùng máy khâu chạy bằng mô tơ nhỏ nên không phải dùng sức chân đạp bàn. Còn khâu đưa vải vào mũi kim, tôi chỉ dùng tay trái làm.
Hồi đầu, tôi cũng lóng ngóng lắm! Nhưng làm miết thành quen, đường chỉ cũng thẳng dần, khách hàng cũng khen. Vì vậy, tôi có động lực làm việc nhiều hơn”.
Những hôm trái gió trở trời, những vết cắt cụt ở tay chân khiến bà đau nhức. Chỉ đối phó bằng vài liều thuốc kháng sinh, bà lại cầm cự vượt qua đau đớn. Chiếc chân giả gần 60 năm đồng hành đã quá cũ kỹ, không còn lành lặn. Rất nhiều lần, bà phải độn vải vụn, chắp vá bằng ốc vít để cứu vật bất ly thân quan trọng này. Mọi người xót xa, gom góp tiền mua cho bà chiếc chân giả mới. Từ đó, bà có thể tự tin đi đứng, làm việc mà không lo trượt ngã bất cứ lúc nào.
Ước nguyện lớn nhất cuộc đời bà chính là con gái nên người, học hành giỏi giang. Tuổi cao sức yếu, bà Đào ngậm ngùi sợ cảnh bất ngờ nằm xuống con sẽ chịu cảnh mồ côi.
Hiện tại, con gái Gia Phúc của bà đang học lớp 12 tại Trường THPT Đa Phước, huyện Bình Chánh. Thương mẹ vất vả, 12 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, giấy khen dán kín tường. Ngoài giờ học, Phúc giúp mẹ đỡ đần việc nhà và nhận cắt chỉ thuê kiếm thêm tiền mua áo quần, sách vở.
Theo Phụ nữ sức khỏe