Ông nội qua đời, mẹ mất, anh trai bị tai nạn tử vong, cô bé 17 tuổi nén đau thương cùng cha vượt qua nghịch cảnh
Chỉ trong vòng 5 tháng, Nguyên mất đi 3 người thân yêu nhất. Nỗi đau mất mát quá lớn tưởng chừng như gục ngã nhưng em vẫn nỗ lực, vượt khó gấp trăm lần để hai cha con có thêm niềm tin hướng đến tương lai.
Gia đình em Đặng Thảo Nguyên, học sinh lớp 11CB6, trường THPT Lấp Vò 2, huyện Vấp Lò (Đồng Tháp) có 3 thế hệ với 6 thành viên sống hạnh phúc cùng nhau: ông bà nội, cha mẹ, anh trai và Nguyên.
Thế nhưng một ngày kia, tai ương đã bất ngờ đổ ập xuống gia đình em không thương tiếc.
Tận cùng nỗi đau
Cách đây một năm, ông nội Nguyên qua đời sau cơn bạo bệnh. Thời điểm gia đình lo tang lễ, chưa hết các tuần cúng thất cho ông thì mẹ Nguyên bất ngờ lên cơn đột quỵ. Gia đình tức tốc đưa bà đến các cơ sở y tế chạy chữa nhưng vô vọng. Mẹ Nguyên qua đời, chỉ cách đám tang ông nội em hơn 1 tháng.
Gia đình chưa hết bàng hoàng, đau đớn thì 4 tháng sau, anh trai Nguyên bị tai nạn giao thông qua đời. Nỗi đau quá lớn, hai cha con Thảo em chết điếng người.
Bà con hàng xóm vô cùng bàng hoàng, xót xa trước câu chuyện trùng trang liên táng không may lại xảy ra với gia đình Nguyên. Không khí tang thương bao trùm căn nhà nhỏ bấy lâu yên bình nép mình bên tỉnh lộ ĐT848.
“Không thể tưởng tượng những mất mát lại dồn dập như vậy”, một người bạn của cha Nguyên bùi ngùi nói.
Vượt lên nghịch cảnh
Những ngày mẹ Nguyên bị đột quỵ gia đình đã xoay sở, mượn bà con họ hàng, người quen để có tiền trả viện phí. Thời điểm này, người đàn ông trụ cột gia đình cũng phải lo thủ tục, chi phí đi xuất khẩu lao động cho con trai. Số tiền vay mượn lên đến 100 triệu đồng.
“Mình thiếu người ta cũng nhiều nhưng giờ thấy hoàn cảnh vậy họ không đòi. Không đòi nhưng tự thân mình cũng thấy bứt rứt vì mang nợ họ. Phải ráng chứ làm sao giờ. Hồi đó mình thật sự suy sụp, nấu cơm cứ quên bấm nút nồi cơm điện. Làm gì cũng lớ ngớ, quên trước quên sau. Nhưng nhìn con gái mình lại có niềm tin sống” – cha Nguyên tâm sự với PV Tuổi Trẻ.
Sau khi lo liệu việc nhà tạm ổn, Nguyên lại cắp sách đến trường. Nhà cách trường khá xa nên em đi học bằng xe buýt. Tiền vé xe mỗi lượt đi tốn 10.000 đồng, đến trường, em không dám mua thứ gì để ăn.
Nguyên tâm sự: “Có ngày hết tiền, nhờ các bạn chở em mới về được nhà. Các bạn biết hoàn cảnh của em nên cũng rất chia sẻ”.
Cô Nguyễn Thị Đoan Trang, giáo viên chủ nhiệm của Nguyên, cho biết thời điểm gia đình gặp biến cố, Nguyên gần như suy sụp, học lực sa sút. May mắn là em đã vượt qua được, nhanh chóng lấy lại phong độ học hành.
Là một trong những học sinh chăm ngoan, siêng học của lớp 11CB6 nhưng cảnh nhà quá khó khăn, nhiều lúc Nguyên phải xin vắng học để chăm bà nội khi bà đau yếu.
Hiện tại, cha đi làm xa kiếm tiền, Nguyên sang ở với cô ruột, chăm sóc bà cùng cô. Những hôm cha đi làm về, hai cha con lại quây quần bên nhau.
Căn nhà nhỏ một thời đầy ắp tình thương và tiếng cười của 3 thế hệ nay bỗng chốc vắng lạnh, bàn thờ nghi ngút khói hương.
Có những tấm gương nghị lực vươn lên nghịch cảnh, vượt qua nỗi đau như đóa hướng dương luôn hướng về ánh mặt trời. Và Nguyên chính là đóa hướng dương luôn hướng đến tương lai tương sáng ấy.
Nguyên tâm sự, giọng vững tin: “Hồi có mẹ có anh thì mẹ và anh còn lo lắng cho em như nấu cơm, giặt đồ hay hỏi han. Giờ không có ai, chỉ có em và cha. Em phải tự lo cho mình. Em sẽ ráng học vì chính em và vì cha”.
Theo Phụ nữ sức khỏe