Xúc động lá thư của Phật tử gửi nhà sư ” Nhất bộ nhất bái”

“Con tin rằng, chính sự mộc mạc đó mà thầy sẽ làm được những điều lớn lao hơn nữa. Thầy sẽ lại sẽ mang đến sự tươi mát, sự hiểu biết và sự tĩnh lặng đến cho nhiều người nữa”.

Sau khi Đại đức Thích Tâm Mẫn hoàn thành đại nguyện của mình, Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức nhận được nhiều thư chia sẻ của độc giả, trong đó có Phật tử Xuân Giác (TP.HCM).

Đại Đức Thích Tâm Mẫn trong hành trình nhất bộ nhất bái

Đây là một lá thư chứa đựng nhiều tình cảm mộc mạc và chân thành mà người học trò tại gia dành cho người thầy Tâm Mẫn.

“Như vậy là thầy đã trở về mái chùa xưa, quây quần cùng Sư phụ và tất cả mọi người sau bốn năm bôn ba cùng đại nguyện của mình. Mọi thứ cứ như mới hôm qua thôi, nhẹ nhàng yên ả như lòng thầy bây giờ vậy.

Con chợt nghĩ về những ngày đã qua – những ngày tháng bên thầy trước khi thầy đi và mỉm cười hạnh phúc – con đã có một người thầy tuyệt vời như thế và những khoảng thời gian đẹp như thế.

Phật tử Xuân Giác( người đầu tiên bên phải) đón thầy Thích Tâm Mẫn trở lại chùa Hoằng Pháp sau gần 4 năm nhất bộ nhất bái

Lúc đó là khoảng thời gian con mới bước chân vào thành phố, bắt đầu những ngày tháng sinh viên. Xa nhà, niềm tin và kĩ năng sống thiếu thốn. Đi chùa từ nhỏ nhưng thực sự niềm tin về Phật Pháp trong con là rất ít ỏi, càng ít ỏi hơn khi muốn mang niềm tin đó vào cuộc sống.

Có nhân duyên được về chùa và con gặp thầy cùng mọi người. Không khoa trương, ngược lại rất giản dị, đôi lúc là chân chất, thầy đã dần dần làm cho niềm tin con tăng lên mỗi ngày. Bản thân con cũng đã thay đổi và trưởng thành từ đó.

Con không nhớ biết bao nhiêu lần con và người thân của con gặp khó khăn, lại cùng thầy tâm sự, chia sẻ. Đôi lúc chỉ cần gặp thầy để nói chuyện vui thôi, những phiền muộn cũng vơi đi nhiều. Sự mộc mạc, giản dị, tươi mát là điều mà có lẽ thầy đã mang đến cho con trong những ngày tháng đó.

Cứ thế chủ nhật mỗi tuần, thay vì đi chơi với bạn bè, con lại lặn lội về chùa gặp thầy và mọi người. Những niềm vui tuy đơn sơ nhưng đó chính là những điều mà nhiều người muốn tìm kiếm.

Trong suy nghĩ của nhiều người, vị thầy tu thường có một khoảng cách lớn đối với người khác và việc chia sẻ những khó khăn trong lòng là dường như không thể. Nhưng thầy lại hoàn toàn khác. Hình ảnh một vị thầy gần gũi và và giản dị để con có thể mở lòng tâm sự, có thể trò chuyện, nhưng bên trong sự gần gũi và giản dị.

Đó là cả một nhân cách, một nghị lực lớn để con noi theo, để con nương tựa. Niềm tin lớn của con khi ấy là thầy. Con chợt nhớ đến một câu nói mà con rất tâm đắc: “Đỉnh cao của sự tu tập chính là sự giản dị”. Sự giản dị sẽ làm nên những điều vĩ đại.

Lần nào về chùa, thầy tới cũng nắm tay con nhẹ nhàng: “Em với anh đi quanh chùa chơi!”. Những câu chuyện, những tâm sự cứ từ đó mà nhẹ nhàng được nói ra, năng lượng lại càng đắp bồi.

Có lúc là những đêm thức khuya chép đĩa, hai thầy trò ngồi bên tô mì gói mà trò chuyện. Rồi hay thầy trò chở nhau đi lên nhà một anh Phật tử – để thầy thuyết phục mẹ anh đó đi tu Phật thất như mong ước của anh. Hay là lúc hai thầy trò cười sảng khoái chọc ghẹo nhau khi ngồi sửa lỗi chính tả bản thảo quyển sách sắp ra mắt của thầy.

Sự mộc mạc đến từ những hành động rất nhỏ của thầy. Thầy lấy bút danh cho mình là Mộc Chân. Con thắc mắc thì thầy giải thích : “Chữ  “Chân” chính là từ Pháp danh của sư phụ (sư phụ Thích Chân Tính), anh lấy để luôn tri ân sư phụ trong mỗi quyển sách anh viết được. Còn chữ “Mộc” là từ chữ “mộc mạc”, anh muốn quyển sách nào anh viết được đều mang đến cho người đọc sự mộc mạc…” Con gật đầu tâm đắc. Thầy là như vậy, luôn biết tri ân, khiêm nhường và đầy tình cảm…

Rồi thầy đi xa cùng đại nguyện của mình. Con nhận được tin mà xúc động, đó là cảm giác hạnh phúc xen lẫn với sự lo âu, bởi đoạn đường dài quá. Nhưng thực sự chưa bao giờ con nghi ngờ về nghị lực của thầy trong suốt chuyến đi, bởi con biết thầy sẽ vượt qua được tất cả.

Lần đầu đi thăm thầy, chạy xe trên quốc lộ 1A, con luôn tránh chạy vào đoạn sát lề, bởi con biết đoạn đó thầy đã từng lễ lạy qua. Nước mắt cứ ứa ra trên mỗi cây số xe chạy. Rồi vỡ òa, con ôm mặt khóc như một đứa trẻ khi tận mắt thấy thầy lễ lạy từng bước một.Hai bàn tay con lúc đó không phải để che đi những giọt nước mắt hay để níu kéo điều gì đó mà là để con nâng niu cái cảm xúc của con lúc đó. Nước da thầy đã sạm đi nhiều và bàn tay cũng chai đi nhiều lắm.

Cũng như những lần con về chùa trước đây, thầy lại nắm lấy bàn tay con bằng bàn tay chai sần đó mà nói nhỏ nhẹ – khi con tính về lại thành phố: “Tối nay em ở lại uống trà với anh!”. Nước mắt con lại như muốn trào ra…

Đêm đó thầy kể nhiều lắm, nào là khi mới rời khỏi chùa, thầy lạy mà cũng mệt lắm, nào là mới đây tự nhiên thấy nản vì nghĩ ngợi về chặng đường xa quá…Thầy cũng như bao người khác, cũng có những khó khăn, cũng có những suy tư.

Rồi thầy chia sẻ về những cách thầy làm để vượt quá những khó khăn đó. Con mỉm cười hạnh phúc. Đó là những cách thật đơn giản và nhẹ nhàng mà Bụt đã từng dạy để vượt qua khổ đau. Đó là tình thương, sự hiểu biết, đó là sự khiêm nhường, sự tươi mát và sự nỗ lực. Sự tu tập đôi khi chỉ cần có thế.

Sau này khi nghe thầy kể về đoạn đường lúc đầu thầy đi con lại càng xúc động. 400 cây số đầu tiên thầy đi, trong thầy vẫn có những đấu tranh nội tâm, những nặng nề trong lòng khi nghĩ đến những khó khăn hay đoạn đường xa xôi của cuộc hành trình.

400 cây số – khoảng một năm trời – nặng nề với những giằng xéo nội tâm nhưng thầy vẫn không bỏ cuộc, vẫn quyết tâm và nỗ lực. Nghị lực của thầy khiến con khâm phục.

Sự tu tập rất cần sự dũng mãnh nhưng phải biết cách giải quyết khó khăn từ sự giản đơn, từ sự san sẻ, từ tình thương và hiểu biết. Đó là những gì con luôn học hỏi và cảm nhận được từ thầy. Trong suốt hành trình thầy đi, chỉ đôi ba lần hai thầy trò mới có dịp gặp lại nhau nhưng thực sự trong con không bao giờ có cảm giác xa cách.

Tình thương học được từ nhân cách của thầy, sự hiểu biết có được từ những gì thầy chia sẻ, luôn tạo cho con cái cảm giác gần gũi dù thầy trò không bên cạnh nhau. Mỗi tối con lại thở cho thầy, lại hướng về thầy và con tin sự gần gũi cũng tạo nên từ đó.

Đối với con, thầy như một vị “Vô Hành Bồ Tát”, đôi lúc chỉ cần bên cạnh thầy hay chỉ nghĩ về thầy thôi là năng lượng trong con lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Mặc dù niềm tin vào sự chắc chắn hoàn thành đại nguyện của thầy trong con là điều hiển nhiên nhưng trong khoảnh khắc thầy hoàn thành đại nguyện, con đã rất xúc động.

Xúc động vì tình thương rộng lớn đã tràn ngập, xúc động vì sự giản dị đã thăng hoa, xúc động vì sự tĩnh lặng đã vượt qua được tất cả. Trò chuyện với thầy lúc đó, tràn ngập trong con cũng là những điều con đã thấy ở thầy từ xưa – vẫn là sự tươi mát, vẫn là sự khiêm nhường và sự thênh thang mà thầy vẫn mang lại cho mọi người mỗi ngày.

Thầy đã là con người của lịch sử Phật giáo nước nhà và thế giới, của sự vĩ đại lớn lao đối với hàng triệu người. Chắc chắn một điều là thầy không muốn nhận lấy những mỹ từ, những lời tán dương đó về mình vì thầy là một người giản dị và mộc mạc.

Nhưng con tin rằng, chính sự mộc mạc đó mà thầy sẽ làm được những điều lớn lao hơn nữa. Thầy sẽ lại sẽ mang đến sự tươi mát, sự hiểu biết và sự tĩnh lặng đến cho nhiều người nữa.

Riêng bản thân con, niềm tin về Phật pháp mỗi ngày lại được bồi đắp. Dù là như thế nào, một vị “Hữu Hành Bồ Tát” đối với nhiều người hay là một vị “Vô Hành Bồ Tát” đối với riêng bản thân con, thì tình thương của thầy đã và vẫn sẽ được trang trải rộng khắp…”

Xuân Giác