Xúc động khoảnh khắc 250 học sinh quỳ lạy, rửa chân cho cha mẹ

Bách thiện hiếu vi tiên – Trăm điều thiện chữ hiếu đứng đầu, lời dạy cổ nhân truyền dạy đã ngàn năm vẫn còn vang vọng. Thế nhưng, nhịp sống vội vã của cuộc sống hiện đại, chúng ta có bao nhiêu cơ hội được nhìn thấy hình ảnh một đứa con quỳ gối, kính cẩn rửa chân cho cha mẹ mình?

Mới đây, một trường trung học tại thành phố Lạc Dương (Hà Nam, Trung Quốc) đã tổ chức một hoạt động thực sự ý nghĩa dành cho các học sinh của mình. 250 phụ huynh đã được mời tới để cùng tham dự.

Ghế nhựa, thau nước, khăn sạch đều được chuẩn bị chu đáo để các học sinh của trường có thể rửa chân cho ông bà, bố mẹ của các em. Được biết đây là hoạt động của nhà trường nhằm giáo dục học sinh, để các em có thể cảm nhận và thấu hiểu công sinh thành giáo dưỡng của cha mẹ, từ đó hiểu hơn cách để thể hiện sự hiếu kính với cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày.

Khi mọi thứ đã sẵn sàng, 250 học sinh đồng loạt quỳ gối, cúi đầu lạy tạ cha mẹ mình. Hình ảnh những đứa trẻ cúi đầu sát đất trước đấng sinh thành ấy khiến rất nhiều người có may mắn được tham gia và chứng kiến buổi lễ không cầm được nước mắt.

250 học sinh đồng loạt quỳ gối, cúi lạy cha mẹ mình

Sau khi cúi lạy, các em học sinh bắt đầu tự tay rửa chân cho cha mẹ. Ngày nay, người ta chỉ thấy cha mẹ chăm chút từng bữa ăn, từng giấc ngủ cho con, chứ không mấy khi được nhìn thấy con cái chăm sóc cho cha mẹ. Hành động quỳ gối rửa chân như thế này quả thực hiếm có.

Các học sinh cẩn thận rửa chân cho cha mẹ của mình

Việc quỳ lạy và rửa chân cho cha mẹ đã khiến các em có thêm một trải nghiệm hoàn toàn mới, sâu sắc và rung động đến thẳm sâu trong tâm hồn.

Một cậu bé đang cẩn thận lau chân cho mẹ

Các cô bé, cậu bé đều làm công việc này với tất cả tấm lòng của mình. Các em nhẹ nhàng rửa chân, lau chân cho cha mẹ mà không hề có sự ngại ngần hay do dự nào.

Sau khi hoàn thành nghi lễ. Các học sinh có cơ hội được ngồi kế bên và trò chuyện với cha mẹ. Không khí thiêng liêng của nghi lễ này đà khiến các em học sinh dễ dàng bày tỏ cảm xúc và những suy nghĩ chân thành với cha mẹ.

Hoạt động đã tạo ra cơ hội quý giá để các em được nói với cha mẹ rằng “con cảm ơn cha, cảm ơn mẹ vì đã thương con, đã luôn lo lắng chăm sóc con như vậy”, hay “con xin lỗi vì đã làm một đứa con hư, đã làm cha mẹ phiền lòng quá nhiều”. Đây đều là điều mà trẻ em không thường bộc bạch trong cuộc sống thường ngày.

Chính vì vậy, đã có rất nhiều ông bố bà mẹ không thể kìm được nước mắt trước sự thành kính, cử chỉ dịu dàng, chu đáo và những sẻ chia của các con.

Các bậc phụ huynh không thể kìm được nước mắt

Những hoạt động tập thể như lễ rửa chân này quả thực mang lại những bài học thiết thực và giá trị cho các học sinh. Các em sẽ được trải nghiệm những điều trước nay chúng chưa từng nghĩ tới.

Khi quỳ gối, cúi đầu trước đấng sinh thành, một cách tự nhiên, những hồi tưởng về những vất vả, khó nhọc của cha mẹ sẽ quay trở về trong tâm hồn của những đứa trẻ. Chỉ trong khoảnh khắc, chúng sẽ cảm nhận được hạnh phúc mà mình đang có, sự hiện hữu của cha mẹ trong cuộc sống thật đáng trân quý tới nhường nào.

Bên cạnh đó rửa chân cho cha mẹ, cũng chính là cơ hội để các em nhỏ được đặt mình trong vai trò của người chăm sóc. Những đứa trẻ sẽ hiểu chăm sóc những người thân yêu của mình là một niềm hạnh phúc, chứ không phải là một nghĩa vụ nặng nề.

Nhìn những nụ cười, những giọt nước mắt của cha mẹ mình, các em sẽ cảm nhận được một cách sâu sắc, chính các em cũng có thể trao đi tình yêu, sự trân trọng và nâng niu, chứ không chỉ đơn thuần thụ nhận sự chăm sóc và tình yêu của cha mẹ.

Một hình ảnh xúc động trong một ngày lễ rửa chân tại một trường học khác của Trung Quốc

Trẻ em vẫn còn giữ được sự thuần thiện, ngây thơ của mình. Chính vì vậy, khi nhận ra được đâu là cách sống, cách đối đãi đúng đắn và ý nghĩa với mẹ cha, chắc chắn các em sẽ chọn làm, chọn sống như vậy.

Thái độ của những đứa trẻ trong những hoạt động tập thể như thế này đặt ra cho chúng ta, những người làm cha, làm mẹ một câu hỏi để trăn trở: Liệu trong cuộc sống hằng ngày việc chúng ta nuông chiều những sở thích của các con, tạo cho chúng những điều kiện vật chất tốt nhất, khiến chúng cảm thấy mình là trung tâm của cả gia đình có phải là cách “thương con” đúng đắn?

Quan trọng hơn, có phải chúng ta đang tước đoạt quyền được sống một cách có đạo nghĩa của những đứa trẻ khi không trao cho các con cơ hội được học cách yêu thương, nghĩ và sống vì người khác?