Xót xa nước mắt cụ bà 80 tuổi bị giật hụi hết 82,5 triệu đồng tiền để dành lo hậu sự lúc chết
Tôi định cuối năm lấy số tiền hụi về quê đưa đứa cháu gửi ngân hàng đặng sau này lo cho tôi lúc tôi chết. Thế mà cô Như giật hết, giờ tôi chết chắc một manh chiếu không có mà đắp’, cụ Be khóc.
Đó là những lời tâm sự trong nước mắt của cụ Bùi Thị Be (80 tuổi, quê Bạc Liêu) khi biết mình bị giật hụi hết 82,5 triệu đồng.
Cụ Be là một trong hàng chục người bị bà Lâm Thị Quỳnh Như (47 tuổi, sống tại chung cư 143/3B đường Ung Văn Khiêm (P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) giật hụi.
Cụ Be sống một mình, hằng ngày bán báo tại góc đường D2 – Ung Văn Khiêm để kiếm sống. Nghe tin nhà bà Như “biến mất”, cụ Be thất thần, chỉ biết đứng khóc trước cửa nhà bà Như.
Chiều xế, chúng tôi xót xa nhìn dáng bà cụ gầy guộc, mặc bộ đồ cũ, một tay bị gãy thành tật, tay còn lại cầm giỏ báo, chậm chạp từng bước chân trên đường D2, tấp vào quán nước quen đường, hỏi như muốn khóc: “Mấy ngày nay có tin tức gì không? Mong nó về trả tiền cho tôi mua thuốc, đóng tiền trọ, không người ta đuổi tôi ra đường mất”.
Nghỉ chân một lúc, bà cụ lại tạt đến số nhà 005 chung cư 143/3B đường Ung Văn Khiêm (nơi ở trước khi gia đình bà Như “biến mất”) nhìn vô vọng vào bên trong. Chúng tôi theo cụ Be đi sâu vào con hẻm, về phòng trọ nghèo nàn của cụ. Phòng trọ dựng bằng tôn, đã xuống cấp, rỉ sét lỗ chỗ.
Ngày 12.1, thêm nhiều ‘chủ nợ’ viết đơn cầu cứu gửi Công an H.Thăng Bình (Quảng Nam) sau khi một đường dây hụi tiền tỉ ở xã biển Bình Minh bị vỡ.
Căn phòng trọ rộng chưa đầy 20 m2, cụ Be thuê ở chung với hai người nữa. Cụ Be nói: “Ở với tôi có bà bán vé số, bà đi giúp việc”. Mở khóa phòng, cụ Be bước vào bên trong là cất tiếng gọi con chó, con mèo “bà về rồi, chuẩn bị ăn cơm nhen mấy đứa”.
Lấy hộp cơm thừa chia cho chó, mèo, cụ Be kể chuyện đời mình. Cụ Be quê tận Bạc Liêu, lưu lạc lên Sài Gòn kiếm sống từ năm 1950. Hết chiến tranh, cụ đi ở đợ (giúp việc nhà – PV) rồi mãi sau dọn về góc đường Ung Văn Khiêm – D2 thuê phòng trọ, bán báo dạo hơn 15 năm nay. Công việc bán báo dạo cũng giúp cụ kiếm đủ tiền lo cái ăn, cái ở, còn dư ít tiền để dành.
Nhiều năm bán báo tại khu vực này, bà Be đã quen biết và thân thiết với bà Lâm Thị Quỳnh Như. Thậm chí bà Như vẫn gọi cụ Be bằng “má”.
Nhà bà Như bán đồ ăn sáng dưới chung cư 143/3B đường Ung Văn Khiêm, có tổ chức chơi hụi cho những người phụ nữ sinh sống quanh xóm.
Qua năm tháng, cụ Be tin tưởng, lại xem bà Như con của mình, nên đem tiền tích góp “gửi hụi” cho bà Như, coi như nhờ người cất dùm, lại kiếm thêm đồng lời.
“Lúc đầu mới gửi, con Như nó tốt và uy tín lắm. Mỗi khi tôi bệnh, hay tới tháng đóng tiền trọ là Như mang tiền cho tôi liền. Mỗi lần gửi tiền cho Như, tôi có cuốn sổ ghi lại để nhớ” cụ Be kể. Đầu năm 2017, tay trái cụ bị gãy sau một tai nạn, không bình phục được. Cụ Be nói: “Tôi định cuối năm lấy số tiền gửi chỗ cô Như, về quê đưa đứa cháu gửi ngân hàng để sau này lo ma chay, mồ mả lúc tôi chết. Thế mà cô Như giật hết của tôi, giờ tôi chết chắc một manh chiếu không có mà đắp”.
Cụ Be gầy nhom ngồi trước cửa phòng trọ chong mắt xa xăm. Chiều Sài Gòn nắng oi ả…
Theo thanhnien