Xót thương cuộc sống khốn khó của cặp vợ chồng không chân

Sau khi bị tai nạn giao thông anh bị liệt nửa người rồi phải cắt bỏ hai chân, còn chị mắc căn bệnh viêm xương từ nhỏ. Cuộc sống của hai con người không lành lặn khó khăn không kể đâu cho hết khi bệnh tật hành hạ.

Vợ chồng ăn cùng một suất cơm

Trong một mái nhà, một người ốm đau liên miên đã khốn khó, đằng này gia đình chị của gia đình chị Nguyễn Thị Đào (SN 1977) và anh Dương Văn Cường (1980), thường xuyên phải nằm viện điều trị. Cả hai vợ chồng đều là người khuyết tật, họ không có đôi chân lành lặn. Vợ chồng chị sinh sống tại xóm Kim Bảng, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Gặp chị Đào tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) khi đang chăm sóc người chồng của mình. Khi chứng kiến hình ảnh người vợ dáng người nhỏ thó, chân đi cà nhắc, khó nhọc trong mỗi bước đi, đưa người chồng ngồi xe lăn đi viện khiến nhiều người xót xa.

Trò chuyện với chúng tôi, chị bảo, cách đây mấy năm, chồng chị bị tai nạn giao thông rồi bị liệt từ vùng thắt lưng trở xuống. Từ ngày gặp nạn, anh Cường không còn khả năng đi lại, anh ngồi xe lăn, sinh hoạt cá nhân cũng đều cần đến sự trợ giúp của vợ, các con.

Anh Dương Văn Cường đang nằm tại bệnh viện. Ảnh: Ngọc Thi

Tưởng rằng nỗi đau, nỗi bất hạnh như thế đã là quá sức chịu đựng, nhưng một lần nữa, bi kịch lại giáng xuống gia đình. Do bị liệt, chỉ nằm, ngồi một chỗ nên một thời gian sức khỏe anh Cường có những biểu hiện xấu. Anh thường xuyên kêu đau nhức hai chân, anh cũng không thể đi tiểu được. Khi cơn đau đã vượt quá sức chịu đựng thì gia đình đưa anh vào bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Nguyên để các bác sĩ xem xét, cứu chữa.

Tại đây, các bác sĩ cho biết bệnh tình của anh Cường nặng, chân có dấu hiệu hoại tử sẽ phải tiến hành mổ, cắt hai chân nên giới thiệu gia đình đưa anh xuống bệnh viện ở Hà Nội.

Để có tiền chữa bệnh cho anh, gia đình phải vay mượn khắp nơi và bán đồ đạc trong nhà, trâu lợn gà cũng bán hết chữa bệnh. Ngày 19/7 vừa qua, anh Cường đã cắt hai chân. Hiện tại, anh đã tỉnh nhưng vẫn đau và ăn rất ít bởi còn mệt.

Đi lại khó khăn, anh chị đóng tiền ăn cơm luôn tại viện. Mỗi bệnh nhân 70 nghìn đồng 1 ngày. Hàng ngày, anh chị ăn cùng một suất cơm trong viện để tiết kiệm vì anh Cường không ăn hết.

Cuộc sống éo le

Vừa đặt chân vào phòng bệnh, một hình ảnh đập vào mắt khiến người chứng kiến như nghẹn lạị,người đàn ông có khuôn mặt tuấn tú nằm co quắp trên giường. Người gầy rộc, ánh nhìn lạ lẫm, ám ảnh. Anh Cường nhìn chúng tôi với sự dè chừng và nỗi buồn bã khó nói.

Vừa nói vừa lau những giọt nước mắt trên khóe mi, chị Đào cho biết: “Vừa rồi vợ chồng tôi bán một cái ao để đi chữa bệnh. Ca mổ vừa rồi tôi đóng 20 triệu đồng rồi. Mặc dù có bảo hiểm nhưng thuốc men cũng tốn kém lắm.

Anh ấy cao lắm nhưng giờ cắt cụt hai chân nên nhìn ngắn mủn thế này thôi. Vợ chồng tôi đều là những người khuyết tật, không có nghề nghiệp ổn định, kiếm đồng ra đồng vào cơm cháo qua ngày đã khó. Bây giờ ốm đau bệnh tật như thế này thật sự không biết tương lai sẽ ra sao nữa”.

Chị Nguyễn Thị Đào. Ảnh: Ngọc Thi

Bản thân chị Đào mắc căn bệnh viêm xương từ nhỏ. Chân chị cũng thường xuyên đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Năm 2012, chị lên cơn đau, bàn chân chảy mủ. Cũng vì vậy, chị bảo cắt bỏ hai bàn chân của mình.

Không có những đôi chân lành lặn, vợ chồng chị không cáng đáng được công việc ruộng vườn. Cũng chính vì vậy, cả hai lên thành phố Thái Nguyên bán hàng rong. Vẻn vẹn túi đồ bán hàng rong của họ là những chiếc kẹp tóc, dây thun hay những gói tăm bông tai, chiếc bấm móng tay…

Có ngày kiếm được mấy chục, may mắn thì kiếm được trăm nghìn. với cả hai vợ chồng như vậy đã là đáng quý lắm rồi. Nhưng, kể từ ngày người chồng nằm viện, chị Đào cũng bận chăm sóc mà không làm được gì.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, anh Lê Duy Luyện, trưởng thôn xóm Kim Bảng, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Gia đình của anh Dương Văn Cường là một hoàn cảnh đặc biệt của thôn. Cách đây, gần chục năm anh bị tai nạn giao thông nên bị liệt nửa người.

Anh ấy cũng cố gắng, để có tiền trang trải cuộc sống anh Cường vẫn ngồi xe lăn đi hát dạo, bán hàng rong. Nhưng bây giờ thì kinh tế gia đình không còn gì vì bệnh tật. Chúng tôi cũng rất mong sẽ có những tấm lòng hảo tâm ủng hộ gia đình anh Cường để giúp anh vượt qua cảnh khó khăn này”.

Mọi sự giúp đỡ gia đình anh Dương Văn Cường xin gửi về: Anh Dương Văn Cường ở xóm Kim Bảng, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Theo Giadinh.net