Thương cảm: Cụ bà 92 tuổi suốt 60 năm bán bánh sùng, nhặt ve chai nuôi con gái tâm thần

Sinh được 6 người con, nhưng ở cái tuổi gần đất xa trời, bên cạnh bà Biết chỉ còn đứa con gái đã quá 60 tuổi vẫn ngây ngây, ngô ngô không khác gì một đứa trẻ.

Nằm sâu trong con hẻm 42, đường Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, quận 1 (TP.HCM), căn chòi mục nát, lụp xụp của mẹ con bà Biết bán bánh sùng đã tồn tại hơn 60 năm nay.

Sinh 6, chết 5, còn 1

“Bà bán bánh sùng” tên là Trần Thị Biết, nay đã 92 tuổi, vì sức khỏe đã yếu nên giờ cụ thường đi nhặt vỏ chai lúc nửa đêm để kiếm tiền.

“Giờ đó Tây nhậu xong mới nhiều lon nhôm, bà bán kiếm tiền cơm gạo nuôi Cẩm Vân” – bà nói.

Nhớ về thời còn trẻ, bà Biết kể, khi xưa một tay bà bê khay bánh sùng đi bán khắp Sài Gòn nuôi nấng 6 người con gồm ba trai, ba gái. Thế mà, số phận lại lần lượt cướp đi 5 người con của bà khi họ mới qua hai mươi mấy tuổi, nhắc đến con, cụ nói: “Chết quá trời quá đất, còn chỗ đâu mà thờ, nước mắt đâu mà khóc nữa”.

Giờ cụ chỉ còn lại đứa con gái duy nhất tên Cẩm Vân, nay đã ngoài 60 nhưng cứ ngây ngô, ngờ nghệch như đứa trẻ vì bị tâm thần.

Căn chòi mục nát của mẹ con cụ Biết trên hẻm 42, đường Hồ Hảo Hớn, quận 1 (TP.HCM) – Ảnh: Kênh14

Cụ Biết kể, năm Cẩm Vân hơn 20 tuổi, giận chồng phản bội nên mới sinh bệnh. Hồi đó, có lần chị trèo lên mái nhà ném ngói làm người đi đường bị thương, cụ van xin, khóc hết nước mắt nhưng người ta vẫn đưa Vân vào trại. Suốt mấy năm trời, cụ Biết vừa bán bánh vừa tới lui viện tâm thần chăm sóc con gái.

“May mắn, con Vân ở viện lại hết bệnh, người ta cho về mấy lần. Nó cùng đi làm việc rồi. Kiếm ít tiền lại mua quà cho bác sĩ, hay ít cá tôm về nhà bảo ‘bà bánh sùng’ ăn đi. Mà già rồi, ăn gì được” – cụ Biết tâm sự.

Hằng ngày, có cô hàng xóm ghé qua cho mẹ con cụ 2 hộp cơm, cụ Biết dành một ít để nấu cháo trắng cho bữa sáng – Ảnh: Kênh14

Nhớ lần chị Cẩm Vân trốn đi chơi dưới Vũng Tàu biệt tích suốt 2 năm, ở Sài Gòn, cụ Biết lo lắng đi tìm con khắp nơi nhưng không có tin tức gì.

Trò chuyện cùng PV Trí Thức Trẻ, cụ Biết kể: “Tận hai năm sau, người ta mới đánh thơ về, Cẩm Vân miêu tả trong thơ về má nó bán bánh sùng ở hẻm 42 Hồ Hảo Hớn thì dân ở đây mới biết. Bà mới nhận về nuôi tới giờ”.

Từ đợt từ Vũng Tàu về đến nay, chị Vân cứ lúc tỉnh lúc mơ, cứ gặp mẹ là gọi: “Bà bánh sùng đó. À không, bà ba ve chai, bả hết bán bánh sùng lâu rồi”.

Nghe con gái gọi vậy, cụ Biết chỉ biết buồn bã dặn dò: “Đừng kêu bà bánh sùng nữa nghen, phải gọi là má Cẩm Vân”, rồi bật khóc.

Chưa từng nghe được 1 tiếng “Má!”

Cụ Biết chua chát nói: “Duy chỉ có tiếng má bà chưa nghe bao giờ hết”.

Dứt câu, cụ nhìn sang con gái đang ngồi trên võng, ánh mắt đượm buồn nói: “Bà có chết thì cũng không mong ai cúng điếu đâu, chỉ mong có người nhận nuôi con Vân, không thì giúp gửi xuống cho người em con dì nó. Đưa vào nhà thương thì tội nghiệp”.

Nhìn con gái ngồi trên võng, ánh mắt cụ Biết bỗng xa xăm, đầy tâm sự…

Ngồi cạnh con gái, cụ Biết kể, nhiều lần nằm ngủ, chuột bò khắp sàn nhà, cắn vào chân đến chảy máu nhưng chẳng biết làm gì nên cố ngủ tiếp.

Cụ Biết tâm sự, tuy lúc tỉnh lúc mê nhưng con gái thương bà nhiều lắm: “Nó dở người vậy chớ thương tui lắm. Hồi lúc tỉnh cũng đi mua này nọ về cho ăn. Có hôm nó mua luôn chiếc xe lăn, bảo bà bánh sùng lên nó đẩy đi chơi. Mà ai dám, lỡ té là đi luôn đó cậu” – Ảnh: Kênh14

Theo Trí thức trẻ