Nỗi đau xé lòng của người mẹ ép con gái bất hạnh uống 12 viên thuốc ngủ mỗi ngày
Câu chuyện tưởng chừng trái ngang nhưng có thật của gia đình chị Nguyễn Thị Nga (36 tuổi) sống tại xóm 6, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Để con gái có thể tiếp tục cuộc sống, đây là cách duy nhất chị có thể làm để cứu con.
Tuổi thơ bất hạnh
Trong gian nhà nhỏ hẹp chỉ đủ kê chiếc giường ám đầy mùi nước tiểu, bé Văn Thị Thanh Tâm (7 ruổi) da trắng bệch, chân thẳng đơ, tay co quắp, khuôn mặt vô hồn, ngờ nghệch nằm liệt trên giường. Bệnh tật đã khiến đứa trẻ 7 tuổi trở nên gầy gò, cân nặng chỉ nặng 12 kg và ngày càng tiều tụy.
Chị Nga, mẹ Tâm kể lại ký ức đau thương khiến con mình phải sống đời thực vật. Vợ chồng chị có 4 đứa con gái, Tâm là con đầu lòng. Sinh ra Tâm khỏe mạnh, kháu khỉnh như bao đứa trẻ khác. Năm 2 tuổi, một trận sốt cao co giật đã cướp đi tương lai tươi đẹp của em.
Hôm đó, khi chị Nga đang nấu cơm chiều thì thấy con sốt cao, liên tục quấy khóc. Mặc dù đã cho con uống thuốc, chườm nước ấm nhưng Tâm vẫn không hạ sốt. Lúc đưa đến bệnh viện, Tâm đã bắt đầu co giật, tím tái toàn thân rồi rơi vào tình trạng hôn mê, bất tỉnh.
Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán em bị viêm màng não và không còn hy vọng cứu chữa, gia đình nên chấp nhận số phận, đưa con về nhà. Không cam lòng trước viễn cảnh con sẽ sống thực vật cả đời, vợ chồng chị Nga ôm con đi khắp các bệnh viện chạy chữa. Thế nhưng, các bác sĩ đều lắc đầu buồn bã với trường hợp của Tâm. Tiền bạc không còn, anh chị tủi cực ôm con về.
Kể từ đây, thế giới của Tâm thu bé lại bên chiếc giường nhỏ.
Cứu mạng sống cho con nhờ thuốc ngủ
Từ ngày xuất viện, mọi sinh hoạt cá nhân trong cuộc sống của Tâm đều nhờ vào người thân. Những cơn co giật xuất hiện như cơm bữa, gia đình phải cắt cử người liên tục ngày đêm trông nom em.
Có hôm đang được mẹ đút cho ăn mấy thìa cháo xay nhuyễn, Tâm gào thét, lên cơn co giật, mắt trợn ngược. Chị Nga ngay lập tức lấy 3 viên thuốc nghiền nát, hòa với nước rồi đổ vào miệng, ép Tâm uống để cắt cơn. Thế rồi em lịm dần trên tay mẹ rồi đi vào giấc ngủ.
Chị Nga khóc nghẹn, gạt nước mắt tâm sự với PV Trí Thức Trẻ: “Cực chẳng đã tôi mới phải ép con uống thuốc ngủ như vậy. Đây là cách duy nhất mà tôi có thể cứu con. Nếu không uống thuốc ngủ kịp thời khi lên cơn co giật thì con tôi sẽ chết. Bình quân mỗi ngày nó phải uống 12 viên. Thuốc ngủ nhiều hơn cơm khiến con ngày càng héo úa dần”.
Vợ chồng chị Nga đều làm nông, kinh tế gia đình chủ yếu trông vào 3 sào ruộng. Ngoài 4 đứa con gái (con đầu 7 tuổi, con út 1 tuổi) anh chị còn chăm sóc mẹ già tuổi gần 80 mắt đã mờ. Để có thêm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống, anh Văn Đình Giang (40 tuổi), chồng chị Nga, phải đi phụ hồ ở các công trình xây dựng.
Chị Nga ở nhà nội trợ, lo cho mẹ già và 4 đứa con. Những lúc Tâm ngủ thiếp đi, chị mới dám làm việc. Thỉnh thoảng, chị đi phu gạch cho một xưởng gạch gần nhà. Cách một tiếng đồng hồ, chị lại về nhà một lần trông chừng con. Số tiền 30.000 – 40.000 đồng kiếm được mỗi ngày đủ để chỉ mua thức ăn nuôi sống cả gia đình. Những hôm không đến xưởng gạch, chị ra đồng mò cua bắt ốc về bán.
Những đồng tiền ít ỏi vợ chồng chị kiếm được chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Còn số tiền hàng trăm triệu đồng anh chị đã vay mượn để chữa bệnh cho Tâm vẫn chưa có khả năng chi trả dù chỉ một đồng.
“Nghĩ vợ chồng tôi rồi sau này cũng già yếu, qua đời. Con gái rồi cũng đi lấy chồng, phụng sự nhà chồng, chẳng còn ai chăm sóc cho bé Tâm nên sau khi sinh hai con gái, vợ chồng tôi quyết định sinh thêm đứa nữa, những mong kiếm mụn con trai để sau này có thể gánh trách nhiệm chăm sóc cho chị thay bố mẹ. Nhưng rồi niềm mong đợi cũng chẳng thành hiện thực. Tôi đang lo, sau này, khi vợ chồng nằm xuống con gái tôi sẽ sống như thế nào” – chị Nga nói trong nước mắt.
Nhà nghèo, không có tiền mua sữa cho con, chị Nga phải xay nhuyễn cháo cho con gái ăn. Cũng không có tiền mua bỉm, ngày nắng ráo chị để con “đi” ra quần, ra giường chiếu, sau đó lại giặt giũ sạch sẽ. Những ngày mùa đông mưa dầm dề, quần áo luôn ẩm ướt, chị lại thêm nỗi lo không có tiền mua bỉm cho con.
Bà con hàng xóm ai cũng xót xa cho số phận của bé Tâm và cảnh khó khăn của gia đình chị Nga.
Ông Hồ Hậu Hanh (xóm trưởng xóm 6) chia sẻ: “Hoàn cảnh bé Tâm rất đáng thương. Bệnh tật khiến hàng ngày cháu phải uống thuốc ngủ để duy trì sự sống. Cha mẹ làm lụng vất vả quanh năm cũng không đủ để trang trải nợ nần, thuốc thang cho con.”
Theo Phụ nữ sức khỏe