Người mẹ Vĩnh Long bị ngăn cấm tổ chức tang lễ con trai, bỏ nhà đi biệt xứ vì nỗi oan “bán tạng con kiếm tiền”

Bị gia đình chì chiết bán tạng con để kiếm tiền, ngăn cấm không cho tổ chức tang lễ trong nhà, người mẹ nghẹn ngào ra giữa đồng dựng chòi tổ chức đám tang cho con…

Đó là câu chuyện mà mỗi lần nhớ lại, Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đều quặn lòng. Bi kịch ấy xảy ra giữa lúc câu chuyện hiến tạng nhân đạo còn quá ít, còn luồn thông tin “buôn bán nội tạng” đang được xã hội bàn tán rầm rộ.

Nhiều trường hợp mang nỗi oan bán tạng người thân kiếm tiền đau lòng.

Mang nỗi oan “bán tạng con kiếm tiền” đi biệt xứ

Đó là vào năm 2010, khi Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận một trường hợp nam thanh niên quê Vĩnh Long gặp nạn. Dù chết não nhưng phần nội tạng của anh vẫn còn vẹn nguyên. Sau khi nghe sự tư vấn của các y bác sĩ, mẹ anh chấp nhận hiến tạng con để cứu các bệnh nhân đang ngày đêm chờ đợi được ghép tạng.

Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu trò chuyện với hai cha con bệnh nhân được ghép tạng.

Thời gian lặng lẽ trôi qua. Cho đến một ngày của năm 2015, Tiến sĩ Thu cùng lãnh đạo bệnh viện quyết định tổ chức buổi lễ tri ân những gia đình có người thân chết não đã hiến tạng để mang lại cơ hội sống cho bệnh nhân khác.

Chúng tôi lục tìm hồ sơ các gia đình hiến tạng từ năm 2008. Nhưng người mẹ ở Vĩnh Long tìm đến 3-4 lần, nhờ cả cơ quan công an và chính quyền địa phương giúp đỡ vẫn không tìm được. Gần đến ngày diễn ra buổi lễ, tình cờ có người cho số điện thoại một ông tổ trưởng dân phố. Thật may mắn ông ta lại là người thân của chàng trai đã mất” – Tiến sĩ Thu nhớ lại.

Lúc chuẩn bị lên bục nhận kỷ niệm chương trong ngày lễ vinh danh, người mẹ bất ngờ rút ra một mảnh giấy, nhờ bác sĩ lên đọc giúp. Tờ giấy kể lại nỗi hàm oan suốt mấy năm trời bà ta phải chịu đựng.

Với những trường hợp đăng ký hiến tạng khi còn sống, bệnh viện cũng tìm cách miễn giảm các chi phí xét nghiệm cho họ.

Theo lời người mẹ sau khi đem cơ thể con về quê, bà bị gia đình nói đem xác con đi bán kiếm tiền. Họ thậm chí không cho bà tổ chức tang lễ cho con trong nhà. Quá đau khổ, bà ra giữa đồng dựng chòi tự mình làm đám cho con, không nhận chấp điếu để chứng minh mình trong sạch. Nhưng cứ ngày này qua ngày khác gánh chịu miệng đời oan nghiệt, người mẹ lặng lẽ bỏ quê hương đi biệt.

Khi chúng tôi biết chuyện thì người mẹ đang ở Củ Chi (TP.HCM). Vào nhà bà, tôi ngỡ ngàng khi bàn thờ con trai không có được tấm ảnh chân dung mà chỉ thay vào đó là tấm kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” do Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng. Qua trao đổi, mới biết sự khổ tâm của bà và gia đình đã gánh chịu sau câu chuyện hiến tạng của con trai mình. Buồn khổ và tủi nhục phải bỏ xứ ra đi, ngay cả khi bị tai nạn vào điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không dám điện thoại cho bác sĩ vì sợ bác sĩ nghĩ tôi muốn vòi vĩnh làm tiền” – Tiến sĩ Thu tiếp tục kể.

“Cả bà bán vé số cũng nói tôi bán chồng kiếm tiền”

Một ngày của năm 2016, chồng bà Yến (quê Đồng Nai) bị hành hung, chết não trên đường đến bệnh viện. Lúc này, các bác sĩ đặt vấn đề hiến tạng người chồng để cứu các bệnh nhân đang thoi thóp. Bà Yến đem chuyện này hỏi ý kiến người con trai tên Tiến vừa trở về từ Singapore.

Được con ủng hộ, người vợ nhanh chóng ký vào đơn chấp thuận hiến tạng chồng. Tuy nhiên khi trở về nhà, bi kịch bỗng dưng ập đến.

Nỗi oan bán tạng người thân kiếm tiền không dễ để hóa giải.

Ngày đám ma chồng tôi, người ta hỏi tôi bán chồng được mấy chục ngàn đô, tim bao nhiêu, thận bao nhiêu? Đám ma xong thì cả xóm loạn luôn, ra ngoài đường cả mấy bà bán vé số cứ nói là tôi bán tạng chồng lấy tiền tỷ. Mấy đứa em chồng cũng bàn, hỏi ai là người xúi tôi làm việc đó. Tôi nghe được thì uất ức, khóc quá chừng chạy về giải thích rõ cho người chị. Sau đó tôi kêu con trai đóng cửa lại hết” – bà Yến thuật lại.

Quãng thời gian ấy kéo dài hơn 1 năm. Kể cả lúc mang tro cốt chồng về quê hương chồng, bà cũng bị gia đình chồng dè bỉu nặng nề. “Tiếng xấu đồn xa”, có người còn tiếp tục suy diễn bà bán tạng chồng vì đang mắc nợ.

Buồn quá, bà Yến hay thắp nhang cho chồng, khấn rằng quyết định của mình đã cứu được bao nhiêu người bệnh, để phước lại cho con. Ai nói gì cũng được, bà tin mình không làm chuyện trái với lương tâm.

Rồi bà Yến chọn cách đi chùa để tìm sự bình yên.

Hồi chưa đi chùa mình chưa hiểu, nhưng sau khi vào chùa ngộ ra nhiều thứ lắm. Biết chuyện nhà, mấy cô, mấy thầy cứ khuyên thôi việc mình làm mình biết, hãy im lặng vì có phân trần cũng không ai hiểu, càng phân trần người ta càng nghi ngờ. Giờ tôi chẳng cần ai hiểu, không có nặng nề vì mình không làm gì sai trái” – người vợ nói.

Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin về tình hình hiến ghép tạng cho gia đình bệnh nhân.

Tiến sĩ Thu nhận định, hai trường hợp trên cho thấy dù việc thông tin đại chúng đã phần nào giúp người dân nhận biết tính nhân đạo của việc hiến ghép tạng, tuy nhiên tâm lý xã hội vẫn còn nhiều định kiến.

Để bi kịch không còn xảy ra, Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người luôn giữ liên lạc với thân nhân người hiến tạng (ít nhất hai năm) để có thể hỗ trợ về mặt tinh thần và thông tin cho họ biết kết quả của quyết định hiến tạng cứu người của gia đình.

Nhờ nguồn tạng hiến của một nam quân nhân, một nữ sinh và một chàng trai nghèo được cứu sống.
Buổi lễ vinh danh những gia đình có người thân hiến tạng cứu người tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tại nước Úc, mỗi vùng đều chọn một ngày trong năm để làm lễ tưởng niệm những người đã hiến tạng. Trước khi đưa cơ thể người hiến tạng và gia đình về nhà, Bệnh viện trao tặng một thư cám ơn, một huy hiệu là ngôi sao 5 cánh đục một lỗ (tượng trưng cho việc chia sẻ một phần cơ thể) và một chậu hoa hồng. Mỗi ngày chăm sóc chậu hoa hồng ấy, gia đình sẽ cảm nhận được người thân như vẫn còn hiện diện trong gia đình mình” – Tiến sĩ Thu nói.

Bà mong rằng mọi người nên có cái nhìn tốt đẹp về những quyết định nhân văn này.

Theo Trí Thức Trẻ