Nghẹn lòng câu chuyện phía sau bức ảnh bát cơm trắng chan nước khoai được hàng chục nghìn lượt like, lan truyền như virus
Hôm nay chơi Trung thu về muộn cũng đã 1 giờ sáng. Nhìn các con nằm lăn ra ngủ say sưa, mắt mình cũng muốn díp lại nhưng những hình ảnh này cứ chợt đến làm tim mãi quặn thắt.
Ngay thời điểm các mẹ nô nức chuẩn bị cho con phá cỗ Trung thu với đủ thứ bánh trái ngon lành nhất thì có những em nhỏ hàng ngày vẫn vui vẻ với bát cơm đạm bạc của mình dù có Trung thu hay không.
Bữa cơm đó có thể chỉ là ít khoai nấu thành canh ăn cùng cơm trắng nhưng cũng đủ làm các con vui như tết. Thế mới biết, hạnh phúc trong mắt những đứa trẻ thiếu thốn thật giản dị biết bao.
Nhìn các con dễ nhận diện lắm! Chỉ cần có mấy đứa nhỏ đi thành từng nhóm, mặt mày đứa nào đứa nấy lấm lem, tay chân gầy nhăn, tóc cháy rực, mùi cơ thể khen khét và đôi mắt long lanh lúc nào cũng xoe tròn như giọt sương chờ nắng thì đích thị là các con rồi! Các con được gọi là những đứa trẻ dân tộc thiểu số.
Con đến trường qua những con suối có thể đổ ập về trong vài phút mà cũng đủ cuốn trôi nhà cửa. Con đến lớp khi gà rừng còn ngái ngủ, đội cả trời nắng cháy thịt và đi lẽo đẽo bên nhau giữa màn sương khắc nghiệt của mùa đông băng giá vùng cao.
Có khi trời lạnh đến mức chỉ cần giọt nước mũi chảy ra cũng đóng băng mà quần áo trên người con cũng chỉ manh áo cộc mỏng manh khoác tạm.
Một người dùng facebook có chị gái là giáo viên mầm non ở miền cao đã chia sẻ câu chuyện thật về các con. Câu chuyện được kể bằng chất liệu thật và đã nhận được hàng nghìn lượt like, share và hàng trăm lượt comment của các mẹ:
“Đây là bữa trưa tại trường mầm non chị gái tớ dạy, xa tít mù khơi, đường xá đi lại cực kì khó khăn mà học sinh toàn là các em dân tộc Mông. Quê tớ ở miền Tây Nghệ An nhé! Đến lúc đi học về mỗi đứa xách 1 cái cặp lồng lủng la lủng lẳng, nhìn hay lắm.
Nói thật đúng là kẻ ăn không hết người lần chẳng ra, con cháu mình đến bữa ăn nịnh từng tý, xem điện thoại mới chịu ăn, thức ăn không vừa ý là lại nhè ra, đằng này nhìn mấy nhóc mà thấy xót xa. Buổi sáng trước khi đi học bố mẹ chuẩn bị cơm và ít trứng rán, hoặc cá kho mặn ơi là mặn, hoặc chỉ có cơm với ít hạt muối thôi… Thế mà mấy nhóc vẫn ăn ngon lành.
Câu chuyện về sự khắc khổ của những em bé vùng cao được chia sẻ rộng rãi vào ngày Tết của thiếu nhi – Trung thu khiến không ít người nghẹn ngào.
Năm nay nghe nói lại là mùa đông lạnh thế kỉ, trên miền xuôi quần áo ấm đầy đủ, còn mấy nhóc này thì không đâu mọi người ạ. Tớ có 1 thời gian dạy ở trường cấp 2 cũng miền núi, cô ở trên bảng khăn dày sụ, áo ấm sực, mà nhìn xuống mấy đứa mặc có mỗi sơ mi. Giờ ra chơi ngồi trong lớp mặt tím tái, hôm sau lục tủ lấy mấy cái áo ấm cũ đưa vào trường gặp riêng cho mấy đứa. Tội lắm!
Chuẩn bị chắc qua tháng vợ chồng tớ đi xin ít đồ cũ của các gia đình và hội từ thiện để vô bản cho các em, không có nhiều thì cho các em ít, hy vọng các em sẽ đỡ lạnh hơn….”.
Không phải ngẫu nhiên mà biết bao người từng công tác ở những vùng cao lại bị ám ảnh kinh khủng bởi những đôi mắt tròn xoe của những em bé nơi đây.
Nhìn vào chúng như thể lúc nào cũng muốn nói điều gì đó hoặc đơn giản chỉ nhìn vào lẫn nhau nhưng lại có sức ám ảnh lớn lắm. Nó cho con người cảm giác thôi thúc phải làm điều gì đó vì biết chắc các con xứng đáng có được một cuộc sống tốt hơn sau này.
Con chữ đến với các học sinh vùng cao vốn đã không dễ dàng gì, vậy mà dù trèo đèo lội suối nguy hiểm vẫn ngày ngày đến lớp. Bữa cơm hàng ngày chẳng có gì ngoài canh khoai, cơm trắng, có khi sang lắm là rau rừng vậy mà cũng làm các con vui như hội. Không bù với bao đứa trẻ được cha mẹ chiều chuộng, cho ăn dư dật, học hành đủ điều kiện mà vẫn “mặt mày cau có” khước từ.
Ai cũng bảo mỗi người có điều kiện thì cứ sống theo điều kiện của mình miễn không đụng đến ai là được. Thế nhưng các mẹ có biết đâu đó ngoài kia vẫn còn rất nhiều đứa trẻ cần một bàn tay để thoát khỏi đói nghèo, mù chữ? Hãy trân quý những gì mình đang có và dạy cho con mình biết quý những giá trị hiện tại nhé các mẹ.
Điều đó không chỉ giúp con hình thành một nhân cách tốt mà còn đem lại cho cuộc sống của con thật nhiều màu sắc. Cũng giống như cách các em bé ăn ngon lành bữa cơm trắng chỉ với nước canh khoai không thịt mà bố mẹ chúng đã cẩn thận gói ghém cho vậy!
Theo WTT