Những chuyện kỳ bí ẩn sau ngôi miếu thiêng nằm giữa rừng ngập mặn ở Huế

Những câu chuyện kỳ bí ẩn sau ngôi miếu thiêng ấy vẫn luôn được người dân nơi đây rỉ tai nhau…

Hoàng tử lâm bệnh vì bắn chim trong ngôi miếu

Rừng Rú Chá thuộc làng Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Là khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn sót lại của phá Tam Giang và của cả miền Trung, Rú Chá còn được biết đến bởi ngôi miếu thờ bà Thánh Mẫu nằm ngay giữa rừng với những câu chuyện hết sức thần bí.

Cả khu rừng ngập mặn này duy nhất chỉ có cặp vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đáp (72 tuổi) sinh sống. Hai vợ chồng ông được gọi là “Robinson” ở Huế vì đã sống trong khu rừng này 30 năm, tách biệt với cuộc sống bên ngoài. Được sự chỉ dẫn của ông Đáp, chúng tôi tìm đến nơi đặt miếu thờ Thánh Mẫu.

Theo lời ông Đáp, con đường dẫn vào miếu trước đây vốn đầy sình lầy, thường bị nước bao phủ. Có những lúc muốn vào bên trong thắp hương phải lội bộ một quãng đường dài. Vài năm trở lại đây con đường vào miếu đã được đúc bằng bê tông.

Mất chừng 10 phút đi bộ, chúng tôi cũng đến được với miếu thờ bà Thánh Mẫu. Ngôi miếu nằm im lìm giữa khu rừng ngập mặn, những dải lụa đỏ vắt mình ngang dọc trên tán cây si già. Với nhiều người dân trong vùng, đây là một nơi vô cùng linh thiêng. Những câu chuyện kỳ bí xoay quanh nó luôn là đề tài vô tận chưa bao giờ có hồi kết.

Miếu thờ bà Thánh Mẫu giữa rừng ngập mặn nguyên sinh Rú Chá.

Những bậc cao niên trong làng Thuận Hòa xưa nay vẫn truyền tai nhau rằng, lâu lắm rồi trong một trận lụt lớn, bát nhang có những dòng chữ nho thờ bà Thánh Mẫu ở điện Hòn Chén trôi về rồi nằm lại giữa rừng Rú Chá. Thấy vậy, dân làng bèn lập một căn miếu nhỏ đặt bát nhang để có nơi thờ cúng.

Thuở đầu, miếu Bà chỉ có một cái cột và hai mái che để đặt bàn thờ. Vào thời vua Duy Tân, có một vị hoàng tử về rừng Rú Chá săn bắn. Khi đến gần miếu thờ Thánh Mẫu thì thấy một con chim trắng đậu trên mái, vị hoàng tử giương súng bỗng nghe bên tai giọng của một người phụ nữ “đừng bắn chim của ta”.

Hoàng tử vẫn bắn liền ba phát nhưng kỳ lạ thay con chim trắng kia không chết. Sau khi trở về được một thời gian thì hoàng tử lâm bệnh nặng. Hoàng tử đem chuyện đi săn ở rừng Rú Chá kể lại cho vua cha. Nhà vua lập tức đến miếu khấn lạy Thánh Mẫu, một thời gian sau thì hoàng tử khỏe mạnh trở lại.

Biết miếu thờ có bà Thánh Mẫu linh thiêng, vua Duy Tân ban sắc phong truyền cho dân làng Thuận Hòa lấy đá Thanh (một loại đá tảng lớn ở Thanh Hóa, xưa chỉ dùng cho việc xây dựng cung điện, lăng tẩm cho vua) tu sửa, dựng lại thành một ngôi miếu thật vững chắc để người dân trong vùng có nơi lui tới hương khói, thờ tự. Hàng năm, dân làng Thuận Hòa vẫn lấy ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch để làm ngày giỗ cho bà Thánh Mẫu.

Theo thời gian, bản sắc phong mà vua Duy Tân ban cho làng Thuận Hòa được cho là đã thất lạc. Nhưng cách đây không lâu, tờ sắc phong lại được phát hiện một cách khá bất ngờ. Ông Đặng Duy Bản (73 tuổi), thế hệ thứ ba trong gia đình nhận trách nhiệm chăm nom căn miếu cho biết, ông vốn nghe các cao niên trong làng truyền rằng vua Duy Tân có ban cho làng một bản sắc phong, nhưng vì nó quý nên được các cụ cất giữ rất cẩn thận, hình dáng nó như thế nào sau này không một ai biết.

Ông Đặng Duy Bản (bên trái) và ông Nguyễn Khôi cầm bản sắc phong (bản sao) của vua Duy Tân tại miếu thờ Thánh Mẫu.

Mãi đến khi có một vị tiến sĩ người Nhật Bản đến tham quan và xin được tìm hiểu, ông mới kinh ngạc thốt lên khi thấy bản sắc phong làm bằng giấy quý được đặt trong một chiếc hộp gỗ thờ trong đình làng. Lúc này mọi người mới biết đó là bút tích của vua Duy Tân mà lâu nay các vị cao niên vẫn hay nhắc đến.

Bản sắc phong của vua Duy Tân hiện tại đang được người dân làng Thuận Hòa gìn giữ cẩn thận trong một chiếc hộp gỗ đặt giữa đình. Đây được xem là bảo vật của làng, chỉ khi được sự nhất trí của cả 11 vị trưởng họ, các vị phải khăn đóng áo dài làm lễ khấn thì mới được xem chứ bình thường không được đụng đến.

Từng là nơi trú ẩn của cán bộ cách mạng

Dù tiếp nhận việc trông nom cho miếu Bà từ cha ông nhưng cũng không ít lần ông Bản có ý định từ bỏ công việc này. Kỳ lạ là mỗi lần có ý định từ bỏ thì ông lại đau ốm trong người, trở lại công việc chăm nom miếu thì bệnh tình không còn nữa. Cho rằng đây là ý của Thánh Mẫu, ông đã nguyện cả đời còn lại chăm sóc cho ngôi miếu thiêng giữa rừng Rú Chá.

Ông Bản cho hay: “Đền bà Đức Thánh Mẫu là nơi cực kỳ linh thiêng, những ai có tâm nguyện gì chỉ cần thành tâm cầu khẩn thì sẽ được như ý muốn. Nhiều người mất đồ đến đây đều tìm lại được, ai gặp chuyện không may đến đây trở về thì gặp được điều an lành.

Không chỉ có người ở trong vùng, nhiều người từ nơi khác đến đây thành tâm cầu khẩn đều được bà Đức Thánh Mẫu phù hộ nên hàng năm họ vẫn thường xuyên tìm về Rú Chá để thắp nhang hương khói. Ngược lại những ai đến đây có ý đồ xấu thì sẽ bị trừng phạt thích đáng. Đã có không ít người đau ốm, cháy nhà vì đến đây nhưng tâm không thiện”.

Một góc rừng Rú Chá.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Rú Chá cùng đền Thánh Mẫu là nơi che chở, ẩn nấp, tiếp tế cho các cán bộ cách mạng. Để tiêu diệt bộ đội, thực dân Pháp từng huy động quân lính, súng đạn nhằm phá bỏ Rú Chá này. Nhưng rồi rừng Rú Chá lại vươn lên, phủ xanh để che chở cho cán bộ cách mạng.

Ông Nguyễn Khôi, một vị cao niên trong làng cho biết: “Ngày trước dưới chân miếu Bà là hầm trú ẩn của cán bộ cách mạng, một bên miếu là đình làng. Người dân trong làng vẫn thường ra đây để tiếp tế và nuôi giấu cán bộ. Thấy không thể phá bỏ Rú Chá, quân địch mới bắt dân làng phải dời đình vào phía trong, lấp luôn hầm trú ẩn của bộ đội nhưng miếu thờ Thánh Mẫu vẫn được mọi người giữ lại”.

Do nằm giữa khu rừng nguyên sinh ngập mặn nên qua thời gian ngôi miếu cũng dần bị hư hỏng. Năm 2014, ông Bản cùng ông Khôi và nhiều vị khác trong làng đã vận động mọi người đóng góp trùng tu, sửa chữa.

Nhưng mong ước lớn nhất của mọi người bây giờ là sở VHTTDL Thừa Thiên Huế tiến hành khảo sát, tạo điều kiện để có phương án bảo vệ, sớm đưa miếu thờ Đức Thánh Mẫu trở thành Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Theo Tuổi Trẻ & Đời sống