Rơi nước mắt nhìn cảnh em bé 4 tuổi trở thành trụ cột gia đình, chăm mẹ bị liệt hai chân
Bốn tuổi là tuổi mà các em được ăn, được chơi và được học hành. Thế nhưng với bé Hiếu thì khác, em đã phải học cách làm một người trưởng thành, trở thành trụ cột của gia đình chăm mẹ bị bại liệt.
Khi đến thôn thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) hỏi thăm gia đình chị Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1986) không ai là không biết. Bởi ai cũng xót xa trước hoàn cảnh của gia đình chị, nhà chỉ có hai mẹ con, chị Huyền bị liệt 2 chân còn cậu con trai 4 tuổi phải gồng mình làm “trụ cột gia đình” và chăm mẹ.
Cuộc đời người phụ nữ bất hạnh
Nhà chị Huyền nằm gần cuối làng, cạnh cánh đồng. Khi chúng tôi đến, điều đầu tiên đập vào mắt là căn nhà cấp 4 lụp xụp xiêu vẹo, tường loang lổ vôi vữa. Mảnh sân nhỏ trước nhà chỗ láng xi măng, chỗ nền đất. Bên trong căn nhà, đồ đạc tuềnh toàng, chỉ có chiếc tủ lạnh do một tổ chức từ thiện tặng là đáng giá nhất.
Chị Huyền sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Bố bỏ rơi 3 mẹ con chị đi tìm hạnh phúc mới khi hai đứa con gái đang tuổi ăn tuổi lớn. Cuộc sống ở quê khó khăn quá, chỉ quanh quẩn mấy sào ruộng chẳng đủ ba bữa cơm, đầu năm 2000, ba mẹ con phải vào Trảng Bom (Đồng Nai) để mưu sinh. Cuộc sống xa xứ cũng chẳng sung sướng gì, khổ cực trăm bề, ba mẹ con chị Huyền phải bươn chải, làm đủ mọi nghề để có tiền trang trải cuộc sống. Thế rồi, tai họa ập đến, sau một tai nạn giao thông, mẹ chị qua đời để lại hai đứa con bơ vơ nơi đất khách quê người.
Từ ngày mẹ mất, hai chị em lại phải gò lưng làm thuê, làm mướn nuôi nhau. Không lâu sau đó, em gái chị Huyền nên duyên với một thanh niên ở Đồng Nai và về sinh sống với nhà chồng. Chị Huyền một thân một mình tiếp tục bươn trải, sau cùng chị xin được việc ở một công ty may. Một mình lủi thủi không người thân chốn xa xứ, đồng lương công nhân không được bao nhiêu, trả tiền thuê trọ thì gần như không còn lại chút nào, nhiều lần, chị nghĩ đến việc về quê ngoài Bắc nhưng không đủ tiền. Mãi đến cuối năm 2009 chị mới dành dụm được chút tiền để thực hiện tâm nguyện trở về nhà.
Ở quê, chị Huyền quen một người đàn ông cùng xã. Hai người đã có một quãng thời gian dài tìm hiểu và yêu nhau, chị Huyền cũng đã về ra mắt gia đình người yêu. Những tưởng đã tìm thấy chỗ nương tựa vững chãi, nhưng khi biết tin chị Huyền có thai, anh ta bắt chị phải bỏ đứa bé đi. Đau xót cho số phận bất hạnh của mình, lại thương con còn chưa chào đời mà cha đã không nhận, chị gần như suy sụp một thời gian dài, không còn thiết sống. Sau cùng, chị Huyền quyết tâm chia tay người đàn ông phụ bạc kia và giữ lại đứa bé.
Chị Huyền tiếp tục xin làm công nhân may trên thành phố Bắc Giang. Ngày chị chuyển dạ, một thân một mình không biết xoay sở ra sao, may mắn có chủ phòng trọ đưa đi viện nên hai mẹ con mới được bình an vô sự. Chị sinh được một bé trai kháu khỉnh và đặt tên là Nguyễn Minh Hiếu vì muốn con sau này vừa thông minh, vừa có hiếu.
Thế nhưng tấn bi kịch của chị Huyền vẫn chưa chấm dứt, đẻ con xong được 17 ngày thì hai chân chị bị liệt, không đi lại được. Miệng chị cũng méo xệch đi và nói năng không còn được như bình thường nữa.
Người mẹ bị liệt nương tựa đứa con 4 tuổi
Chị Huyền mắc bệnh không đi lại được khi bé Hiếu còn quá nhỏ, mọi sinh hoạt chị đều phải nhờ họ hàng và hàng xóm giúp đỡ, người cho gạo, người cho tiền, có người còn sang nấu nướng, giặt giũ giúp hai mẹ con… Cuộc sống cứ tiếp diễn như vậy, ngày qua ngày, hai mẹ con nương tựa vào những người hàng xóm tốt bụng. Thấm thoắt đã 4 năm trôi qua, cháu Hiếu cũng đã đủ “lớn” để chăm lo cho mẹ.
Dù mới 4 tuổi nhưng bé Hiếu đã phải gánh vác mọi công việc trong gia đình. Ngoài thời gian đến trường ban ngày, buổi chiều về bé Hiếu lại giúp mẹ mọi thứ từ nhặt rau, nấu cơm, quét nhà, giặt quần áo… Không ai có thể tin nổi một đứa bé mới 4 tuổi đã làm được nhiều việc như vậy.
Hy vọng bắt đầu nhen nhóm khi câu chuyện của hai mẹ con được truyền đến tai những nhà hảo tâm. Có một nhà hảo tâm đã thuê bác sĩ từ Hà Nội về châm cứu 1 lần/tuần cho chị, chân của chị Huyền đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Chị Huyền cũng nhờ hàng xóm làm tay vịn tre dựng ở sân để tập đi. Chiều chiều, chị Huyền lại ra sân và bám vào đó bước từng bước. Đôi tay chị run run bám không được chặt, đôi chân cũng run run bước đi một cách khó nhọc. Ước mơ lớn nhất bây giờ của chị là sớm đi lại như bình thường để chăm và nuôi con, chỉ cần như vậy, tập đi khó khăn mấy chị cũng không quản ngại.
Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Hiếu rất ngoan, chứ không ham chơi như những đứa trẻ khác, làng trên xóm dưới ai ai cũng yêu quý. Tuy còn bé nhưng Hiếu rất “đảm đang” và hiểu chuyện, em mơ ước sau này lớn lên trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ. Nhìn gương mặt non nớt và dáng người gầy nhom của cậu bé 4 tuổi, mọi người đều không cầm nổi những nước mắt thương tâm.
Mỗi tháng hai mẹ con chị Huyền nhận được 405.000 đồng tiền trợ cấp, còn lại mọi sinh hoạt, chi phí khác đều do hàng xóm, họ hàng giúp đỡ. Mọi người xung quanh ai cũng thương xót cho hoàn cảnh gia đình chị Huyền nên thường xuyên qua làm đỡ việc nhà và mang thêm ít đồ ăn cho hai mẹ con. Nhờ có sự bao bọc yêu thương của bà con lối xóm mà cuộc sống của gia đình chị Huyền cũng bớt khó khăn phần nào. Giờ đây, những tháng ngày khó khăn nhất đã đi qua, chân của chị Huyền cũng có những dấu hiệu phục hồi khả quan và cháu Hiếu đã tự biết chăm mình chăm mẹ. Cuối cùng, ánh sáng của niềm tin cũng đã tìm đến ngôi nhà nhỏ…
Cuộc đời chị Huyền trải qua rất nhiều cay đắng, khổ đau, mất đi tình yêu của chồng, mất đi sức mạnh của đôi chân, phải bươn chải từng đồng tiền bát gạo, đối mặt với một tấn bi kịch, có lẽ chị đã nghĩ cuộc đời thật không ưu ái chị. Thế nhưng, chị lại có một đứa con ngoan, một đứa con tuy còn bé nhưng rất biết nghĩ cho mẹ. Chị cũng nhận được sự giúp đỡ chân tình của những nhà hảo tâm. Suy cho cùng, đời người luôn có được có mất, điều quan trọng nhất là chúng ta đối diện với hoàn cảnh ra sao. Nếu cứ đắm chìm trong tuyệt vọng, có lẽ chị Huyền sẽ không nhìn thấy ánh sáng và điều kỳ diệu diễn ra sau đó…
Cuộc sống vốn vô thường, hôm nay niềm vui đến, ngày mai nỗi buồn đã tràn về, nhưng không có điều gì là ở lại mãi mãi. “Khổ tận cam lai”, những ai gặp phải đau thương, buồn phiền trong cuộc sống giống như chị Huyền hãy cố gắng lạc quan.
Bởi ông Trời khi tạo ra con người, đã ban cho họ đủ sức mạnh để vượt qua mọi chông gai, đủ yêu thương để cùng nhau san sẻ mọi đau khổ. Chỉ cần tin tưởng, lạc quan và lương thiện, chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy lối đi trong mọi nghịch cảnh, Thần Phật từ bi luôn dõi theo từng bước đi của chúng ta…