Mẹ già “dở tính” cáu gắt sợ phiền y tá, người con gái nói đúng 1 câu khiến ai cũng khóc
Đối với rất nhiều người, chăm sóc cha mẹ già như một gánh nặng phải mang. Nhưng với cô Kim, ngày nào được kề cận phụng dưỡng mẹ, ngày đó mới thật quý giá. Cô chính là người con hiếu thảo…
Người xưa có câu: con gái là con người ta, con dâu mới thật mẹ cha mua về. Ngụ ý nói về việc con gái lớn sẽ đi lấy chồng, không còn ở bên chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ.
Còn con dâu mới thật sự là người ở bên cha mẹ chồng chăm nom từng miếng ăn giấc ngủ. Thế nhưng đối với trường hợp của cô Hồ Thị Kim, 66 tuổi, ở xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, thì hoàn toàn khác. Suốt mấy chục năm qua, cô luôn kề cận sớm hôm lo miếng ăn giấc ngủ cho người mẹ già.
Cô chưa bao giờ mở miệng than vãn lấy một câu ngay cả khi mẹ lên cơn động kinh đánh đập cô vô cùng đau đớn. Cô chính là người con hiếu thảo xứng đáng là tấm gương cho biết bao thế hệ noi theo.
Thường ở tuổi của cô Kim, người ta đã có con cháu đầy nhà, được yên tâm nghỉ ngơi hàng ngày sống khỏe bên sự báo hiếu của con cháu. Nhưng đối với cô Kim, cuộc đời cô chỉ cần có mẹ đã là niềm hạnh phúc quá lớn lao. Trước kia cô cũng có chồng, có con như bao người đấy thôi. Nhưng đứa con yểu mệnh, 20 tháng thì mất. Chồng cô bỏ vào miền Tây sinh sống.
Cô không theo chồng, ở lại phụng dưỡng mẹ. “Mẹ tôi sinh được năm người con, nhưng chiến tranh đi qua chỉ còn có mình tôi. Bỏ đi rồi mẹ mình ai lo?” – cô Kim tâm sự. Cô Kim ở vậy, không đi bước nữa. Cô nói “theo chồng một lần đủ rồi, trăm năm cũng theo mẹ thôi”. Thế là cô ở lại quê nhà, vui vầy chăm sóc mẹ. Cô Kim không thể nhớ hết bao nhiêu lần ông trời muốn cướp mẹ mình đi. Mỗi lần như vậy, cô cõng mẹ đi nhà thương.
“Quớ làng, quớ làng” (Bớ làng, bớ làng) – tiếng la phá tan không gian đêm tĩnh mịch ở khoa nội huyết học – thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Bệnh nhân thức giấc, những ánh mắt mệt mỏi đổ dồn về phía bà Trần Thị Nhỏ (93 tuổi) đang vật vã dưới sàn. Bà Nhỏ mắc chứng tâm thần.
Mỗi khi động kinh, bà như một người khác, không còn ủ rũ ốm đau mà khỏe gấp nhiều lần. Bà cào cấu, thoi đạp vào người con gái mình. Còn cô Kim hai tay giữ dây truyền thuốc của mẹ, để mặc cho cơ thể mình chịu trận. Bà Nhỏ vừa đánh vừa la: “Đứa nào vô nhà ta đây, mi vô phá nhà ta à, quớ làng, quớ làng”. “Con đây, Kim đây mẹ…” – cô Kim dịu dàng vỗ về.
Bệnh nhân, người nhà, y bác sĩ trong khoa cũng thức giấc đổ về phòng 711. Một mũi thuốc an thần được tiêm nhanh chóng. Hơn một giờ bà Nhỏ vẫn chưa hết cơn, lại một mũi nữa, nhưng vẫn không làm bà Nhỏ dịu bớt đi. Cô Kim phải chịu trận đòn của mẹ mãi đến sáng, khi sức bà Nhỏ đã kiệt.
Trời sáng hoảnh, bà Nhỏ ngủ vùi vì mệt, cô Kim đắp chăn cho mẹ, xoa vết bầm nơi cổ tay mẹ vì vỡ ven. Gần như cô Kim quên mất trên người bà cũng đầy vết bầm. Những người bệnh ở khoa thương cô Kim quá, lấy dầu thoa khắp người. Cô Kim bảo: “Ê ẩm hết, mỗi lần mẹ tôi lên cơn là mạnh dữ lắm”.
Thế nhưng không phải vì thế mà cô nản chí. Mỗi lần chứng kiến mẹ đau yếu, cô lại càng thấy thương và muốn ở bên mẹ nhiều hơn. Ở tuổi 66, cô xem việc phụng dưỡng cho mẹ là điều quan trọng nhất bởi mẹ cô đã một đời vất vả. Thật không quá lời khi nói cô Kim là người con hiếu thảo nhất mà em từng biết.
Đã bốn ngày đêm liên tục cô Kim thức trắng. Khuya nào người mẹ già cũng vật vã, đánh đập, chửi bới cho đến tận sáng. Người con chẳng nề hà than thở. Mỗi lần mẹ thức, cô Kim lại dỗ dành để mẹ ăn miếng cháo. Những muỗng cháo ngày nào cũng bị hất văng tung tóe.
Cô Kim lại kiên nhẫn bón cho mẹ. Phải có một tình cảm vô cùng to lớn mới có thể giúp cô đủ sức chịu đựng ròng rã đến vậy. “Được miếng nào hay miếng đó, chứ không lẽ để mẹ đói. Còn quậy là mừng rồi, chứ nhiều lần đau, mẹ nằm im, thở cũng khó khăn. Lúc đó đứt ruột lắm” – cô Kim tâm sự.
Nói đến đây làm em nhớ về câu chuyện đã đọc cách đây không lâu. Chuyện nói về một người con trai ở Đồng Nai đã đi bộ suốt 2km mua cháo gà về cho mẹ đang nằm viện. Chỉ vì bà cụ nói muốn ăn cháo gà, mà xung quanh bệnh viện không ai bán nên ông đã tự đi bộ suốt chặng đường dài. Về tới nơi lại dỗ dành mẹ ăn cho ngon miệng. Thật là cảm động trước sự hiếu thảo của những người con đối với người mẹ già.
Và những ai chứng kiến cảnh cô Kim vừa chịu đòn đau lại vừa nhẫn nại đút từng miếng cháo mới có thể cảm nhận hết sự kính hiếu của cô đối với mẹ. Khuôn mặt cô lúc nào cũng ánh lên niềm tự hào khi vẫn còn có mẹ và hằng ngày được chăm sóc mẹ.
Suốt bao nhiêu năm qua, cô một mình chăm lo cho mẹ già. Còn thời gian bà cụ mắc bệnh, lúc tỉnh lúc mê cho đến nay cũng đã hơn 20 năm. Chừng ấy thời gian cô lội ruộng bắt ốc, mua bó rau, con cá mang ra chợ bán kiếm tiền. Thần trí bà Nhỏ tệ dần theo thời gian thì sức khỏe cô Kim cũng bị bào mòn.
Nhiều trận đau ập đến với mình, cô Kim tưởng không qua khỏi. Nhưng rồi giữa cơn bạo bệnh, cô nhìn mẹ lại có động lực để vượt qua. “Có đận tôi sốt hơn tuần, đi không nổi, cứ nghĩ chết rồi. Thế mà nhìn mẹ lại ráng vào làng mua rau mang ra chợ bán. Làm riết hết đau luôn. Tôi thương mẹ, trời thương tôi vượt qua hết để ở đời với mẹ” – cô Kim trải lòng.
Hôm ở bệnh viện, cô Kim nằm dưới sàn ngay chỗ mẹ lên xuống để chợp mắt thì bà Nhỏ dậy. Vô thức, bà đạp lên mình con rồi tiểu tiện luôn. Cô Kim nằm yên hứng trọn vì lo mẹ mình tiểu không hết. Cô thưa với các y tá: “Biết là bà khó tính quá làm mấy đứa cực, nhưng ráng chịu giùm bác nghen. Đời bác chỉ có một bà mẹ này thôi“. Câu nói ấy khiến cả phòng rơm rớm.
Đây là cái tết thứ ba cô Kim đưa mẹ vào bệnh viện đúng ngày mùng 1, rồi ở mãi cho đến khi qua rằm tháng giêng mới trở về. Hôm tạm biệt cả phòng đưa mẹ về, cô Kim nói vui với mọi người rằng: “Năm nay ăn tết kép ở bệnh viện. Tết Nguyên đán xong lại đến Nguyên tiêu. Mà thôi kệ, còn mẹ mà chăm là hạnh phúc rồi”.
Nhìn dáng cô sấp ngửa dìu mẹ bước ra khỏi bệnh viện. Nghe giọng cô nhắc “mẹ bước cái chân kia tới, chân kia kìa…” khiến ai nấy đều cảm phục tấm lòng hiếu thảo của cô. Với cô, có cực khổ trăm bề cô vẫn chịu được chứ chưa bao giờ mở miệng than vãn một lời.
Những ngày tháng ở biện, cô căng mắt dõi theo từng giọt máu truyền vào người mẹ. Nhưng điều đó với cô Kim không khổ bằng phải làm thủ tục giấy tờ. Cô lúng ta lúng túng, kể cả việc bấm số đi lên xuống thang máy.
Cô Kim nói chăm mẹ cả đời không thấy cực mà đi cái thang máy với tìm chỗ nộp tiền ứng viện phí cực ghê. Cô phân trần, rặt kiểu nói địa phương: “Nhà thương hắn rộng ri (bệnh viện rộng như thế này), bảo sao tui không đi lạc. Mà đi nộp tiền thì cứ phập phồng sợ mẹ mệt, không có tôi bên cạnh”.
Nghe câu chuyện của cô mà nể phục cô nhiều lắm. Thời buổi bây giờ ai cũng lo chạy theo miếng cơm manh áo chứ có mấy ai còn chịu khó ở lại với người mẹ già ngày đêm chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ thế này không? Nhiều người chỉ vì tài sản của cha mẹ buộc họ phải có trách nhiệm thì họ mới làm.
Còn không thì họ chẳng màng đến, mạnh yếu mặc kệ. Còn cô, cả đời quấn quýt bên mẹ, phụng dưỡng mẹ lúc tuổi già mà chẳng cần bù lại gì cả. Có thể nói, điều ước duy nhất của cô là mẹ được khỏe mạnh, ông trời có thương cô thì cho cô sức khỏe để được báo hiếu cho mẹ. Thương lắm, đọc xong mà nghẹn ngào trước tấm lòng của cô – người con hiếu thảo với cha mẹ./.
Theo WTT