“Trái Ngọt” Song sinh cho câu chuyện đi xin trứng của người đàn bà hiếm muộn
Khi biết tin mình không thể sinh con do buồng trứng suy yếu, chị Ngọc.Ch ( 39 tuổi – TP.HCM) quyết định đi xin trứng để làm thụ tinh ống nghiệm với hi vọng mong mỏi được thực hiện thiên chức làm mẹ thiêng liêng
Muốn làm mẹ, phụ nữ phải trải qua hành trình vô cùng gian nan: Thai nghén và sinh nở. Tuy vậy, trong cuộc sống, để cảm nhận nỗi khổ cực ấy với nhiều phụ nữ quá đỗi khó khăn. Họ phải sinh con dựa vào sự trợ giúp của Y học hiện đại, thậm chí đi xin… trứng tiến hành thụ tinh ống nghiệm (IVF) giống trường hợp của chị Ngọc.Ch (39 tuổi – TP.HCM).
Buồng trứng suy yếu đành xin trứng em gái
Bước qua tuổi 36, chị Ngọc.Ch quyết định làm đám cưới trong niềm vui của gia đình. Sau 1 năm, vợ chồng chị vẫn chưa thấy gì dù “thả” đều đặn. Lo lắng, chị đã đến bệnh viện Từ Dũ kiểm tra tình trạng sức khỏe sinh sản. Tại đây, bác sĩ kết luận buồng trứng suy yếu, không có khả năng sinh con.
Chị Ngọc.Ch tâm sự: “Có lẽ, ở độ tuổi gần 40 như tôi, việc sinh nở không còn dễ dàng. Vì vậy, khi bác sĩ thông báo, tôi đã bày tỏ mong ước làm mẹ. Họ khuyên nên đi xin trứng làm IVF, tỉ lệ mang thai sẽ cao. Lúc ấy, em gái tôi sinh cháu được đầy năm. Tôi bàn bạc với ông xã đến nhờ em gái giúp đỡ, cho trứng”.
Quyết định xin trứng, vợ chồng chị Ngọc.Ch cùng em gái lần nữa đến bệnh viện Từ Dũ khám sức khỏe tổng quát. Qua hàng loạt xét nghiệm, bác sĩ phát hiện em gái chị bị viêm gan siêu vi B, không thể cho trứng. Nghe xong, người đàn bà không biết đẻ đã tuyệt vọng, bật khóc ngay tại phòng bệnh. Thậm chí, chị ngỡ đó như một cơn ác mộng nhưng vẫn phải đau khổ chấp nhận sự thật nghiệt ngã ấy!
Dẫu vô sinh, chị Ngọc.Ch vẫn luôn khát khao có một thiên thần nhỏ để bế bồng, cưng nựng. Do đó, chị quyết định không từ bỏ ước mơ được làm mẹ. Hàng ngày, chị ăn uống đầy đủ các thực phẩm bổ dưỡng giúp buồng trứng “khỏe” dần. Đặc biệt, người chồng luôn là chỗ dựa vững chắc, động viên chị gắng vượt qua mọi khó khăn.
Phép màu diệu kỳ bất ngờ “ập” đến
Sau thời gian dài, chị Ngọc.Ch được người bạn giới thiệu qua BV Hùng Vương. Đến đó, họ cho người em gái xét nghiệm lại men gan và thấy bệnh không đáng kể, có thể tiếp tục cho trứng.
“Vợ chồng tôi biết rõ tình trạng bệnh của em gái nhưng vẫn nuôi hi vọng có một phép màu diệu kỳ. Khi bác sĩ khẳng định em gái có thể cho trứng và chuyển phôi vào tử cung, ông xã đã ôm lấy tôi khóc và nói: Anh sắp được làm ba rồi!
Giây phút ấy, tôi cảm nhận được niềm vui sướng trong anh! Dù vậy, tôi vẫn có chút lo lắng, sợ hãi chuyển phôi thất bại”, chị Ngọc.Ch nói.
Để tiến hành IVF, chị Ngọc.Ch mất khoảng 10 ngày kích thích buồng trứng bằng cách bác sĩ sẽ tiêm các loại thuốc chuyên biệt. Thời gian đó, chị và em gái phải siêu âm thường xuyên để theo dõi sự phát triển của các nang noãn.
Khi nang trứng phát triển đầy đủ, bác sĩ sẽ chọc hút trứng của người em gái qua ngả âm đạo. 3 ngày sau, phôi tạo thành được chuyển vào buồng tử cung của chị Ngọc.Ch.
Chị kể, trứng của em gái chị tạo thành 2 phôi. Bác sĩ quyết định chuyển cả 2 vào tử cung, ngờ đâu, đậu thai cả 2. “2 tuần sau chuyển phôi, tôi mua que thử về nhà. Khi que hiện 2 vạch, tôi mừng không tả nổi và nhanh chóng thông báo cho ông xã biết. Cảm giác lần đầu tiên biết mình sắp được làm mẹ thật lạ, khác hẳn những lần vui từ trước đến nay”, chị Ngọc.Ch cho hay.
Có lẽ, một người phụ nữ gần 40 tuổi biết mình sắp được làm mẹ khác với những người mới qua tuổi 20. Họ quá đỗi vui mừng, hạnh phúc và mong đến ngày con yêu ra đời để được ôm ấp, cất lời ru ngọt ngào. Đặc biệt, cảm giác lên chức mẹ trong họ rất lạ, không thể “miêu tả” nổi.
Hai đứa trẻ song sinh và chuỗi ngày nằm viện nhi
Hiểu được sự vất vả, buồn tủi trong suốt thời gian chạy chữa nên các con của chị Ngọc.Ch không hề “hành hạ” chị thai nghén hay bệnh tật. Tất cả thời gian bầu bí, chị đều dành để ăn uống, bồi dưỡng sức khỏe với mong muốn thai nhi khỏe mạnh, phát triển đều.
Tháng thứ 7 thai kỳ, cơ thể chị Ngọc.Ch rơi vào tình trạng thai gò, phải nằm dưỡng thai, tránh tình trạng sinh non. Dưỡng thai đến tuần thứ 36, chị lên cơn đau bụng, trở dạ và nhập viện.
Sau 2 giờ căng thẳng trong phòng mổ, chị đã hạ sinh 2 bé trai đều nặng 2,8kg. Khoảnh khắc các con cất tiếng khóc chào đời, chị Ngọc.Ch đã bật khóc. Đó là giọt nước mắt hạnh phúc của người đàn bà lần đầu được làm mẹ, nhìn thấy con ở tuổi 38.
Các con chào đời, những tưởng chị Ngọc.Ch sẽ bắt đầu chuỗi ngày bận rộn làm mẹ bỉm sữa, chăm sóc các con bên người chồng. Ngờ đâu, chị vừa sinh xong, bé trai đầu phải chuyển qua bệnh viện Nhi đồng 1 vì lớp da che hậu môn, phải tiến hành tiểu phẫu. Đặc biệt, khi sắp được xuất viện, bé đã rơi vào tình trạng nhiễm trùng tiểu, nằm viện điều trị.
“Mấy ngày đầu, tôi ở nhà chăm sóc bé thứ 2, không được vào thăm cu lớn vì con nằm phòng đặc biệt. Khi ấy, tôi thương con mà cực chẳng đã, đòi đến viện nhưng gia đình không cho vì sợ sức khỏe ảnh hưởng. Tôi đành đợi đến lúc con khỏe, ra phòng thường rồi vào với con”, chị Ngọc.Ch trải lòng.
Hơn tháng trời, chị Ngọc.Ch miệt mài đi lại từ nhà đến viện chăm bé lớn và cho bú sữa mẹ. Chiều chiều, chị lại tranh thủ về nhà cho bé nhỏ ăn và thay tã lót. Những lúc quá sức, chị chỉ cần ngắm nhìn các con khỏe mạnh, mọi mệt mỏi tan biến.
Đến nay, 2 nhóc song sinh của vợ chồng chị Ngọc.Ch đã tròn 4 tháng, rất đáng yêu và kháu khỉnh. Trong tương lai, 2 đứa trẻ ấy sẽ là chỗ dựa vững chắc cho vợ chồng chị khi về già!