Cuộc sống của 46 thầy giáo từng nhận giải thưởng Ấn tượng VTV: Đã quen với cảnh 30 năm trường không có lấy một giáo viên nữ
Nơi miền núi xa xôi, cuộc sống thiếu thốn của 46 người thầy không có bóng dáng một giáo viên nữ được khỏa lấp bằng tình đồng nghiệp, nghĩa thầy trò và khát vọng cõng chữ lên non cao.
Gian nan hành trình gieo con chữ
Cách thành phố Vinh (Nghệ An) 210 km, đường vào trường tiểu học Tri Lễ 4 thuộc xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong vô cùng hiểm trở và khá xa xôi. Nơi đây là gia đình lớn của 46 người thầy hết lòng với sự nghiệp đem chữ lên non cho trẻ em vùng cao. Đường đến trường cheo leo nên suốt 30 năm qua chưa từng có giáo viên nữ đến trường dạy học chính thức.
“Chúng tôi phải kết thành đoàn mới dám đi vào trường, lỡ có việc gì còn hỗ trợ nhau. Ngày khô ráo còn đỡ chứ mưa thì nguy hiểm gấp 5,6 lần”, thầy Nguyễn Trọng Quyền, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Tri Lễ 4 chia sẻ với PV Zing.
Vừa nhận công tác được một tuần, thầy giáo trẻ Lang Văn Lịch (23 tuổi) đã bị ngã mấy lần vì chưa quen đường đi. Nhưng anh không một lời kêu than vì sợ cả đoàn xuống tinh thần.
Những ngày mưa, các thầy chỉ có thể đi vào, không cách nào trở ra. Để học trò chuyên cần đến lớp, ai cũng chuẩn bị nhu yếu phẩm cho cả tuần để cắm bản cùng đồng nghiệp. Sau khi đã “tập kết” đầy đủ các đồ dùng cần thiết, các thầy bắt đầu cuộc hành trình gian nan từ thị trấn Kim Sơn đến trường tiểu học Tri Lễ 4.
Trên con đường trơn trượt bên cạnh là vách núi sâu, các thầy phải tập trung cao độ để điều khiển xe. Đến những đoạn dốc cheo leo, hai thầy đi bộ lên trước sau đó quăng dây cho đồng nghiệp buộc vào xe rồi kéo lên. Cứ thế, có khi đến tận một ngày các thầy mới đến được trường.
Cuộc sống của những người chèo đò lên miền ngược, để lại gia đình dưới miền xuôi là cả một sự hy sinh vô cùng lớn lao. Đối với các thầy giáo trẻ, cuộc sống tách biệt, không sóng điện thoại, không Internet là thử thách ghê gớm khi quyết định gắn bó với sự nghiệp gieo chữ nơi này.
Sinh hoạt của các thầy ở đây vô cùng giản dị. Bữa cơm thường ngày của các thầy chỉ là cơm trắng, đĩa rau rừng xào thêm vài bát canh. Chiều chủ nhật và sáng thứ hai, bữa cơm sẽ thịnh soạn hơn vì có thêm đĩa thịt.
Chiều tối, quây quần bên mâm cơm, các thầy vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả. Cơm nước xong xuôi, ai nấy lại ngồi uống bát nước chè xanh, trao đổi đôi ba câu về công việc, cuộc sống. Sau đó sẽ xem lại giáo án cho ngày mai rồi nghỉ ngơi trong căn phòng lợp gỗ lụp xụp.
Trong phòng, các thầy tận dụng băng rôn cũ để che nắng gió. Những điểm trưởng khác khó khăn hơn, thầy cô phải sống trong những căn phòng trống hoác quanh năm mưa tạt, gió lùa.
Tình đồng nghiệp gắn bó
Cuộc sống của 46 giáo viên nơi đây tuy khổ cực thiếu thốn nhưng rất gắn bó, nghĩa tình.
Cùng chung hoài bão mang con chữ lên non cao, các thầy lại động viên nhau trên chặng đường đầy gian nan ấy. So với cuộc sống của những người thầy cách đây 5 – 6 năm, điều kiện bây giờ đã bớt khó khăn hơn. Nhiều năm trước, không có xe máy, đến cuối học kì các thầy mới về dưới xuôi thăm nhà. Không được tiếp thế lương thực từ miền xuôi, cuộc sống càng khó khăn gấp bội.
Những người thầy lớn tuổi đã quen cảnh sống vất vả, những thầy giáo trẻ hơn lại noi gương đồng nghiệp đi trước, vững bước với nghề.
Mờ sáng, khi đỉnh đồi còn phủ mờ sương, các thầy từng tốp cùng nhau xuống suối đánh răng, rửa mặt và ngồi bên nhau ăn bát mì nóng hổi trước giờ vào lớp.
Sau giờ giảng, các thầy lại cùng nhau chơi thể thao hoặc vui thú trồng trọt. Một số thầy xuống suối bắt cá, lên rừng hái măng, rau dại để nổi lửa bữa cơm chiều. Cuối tuần, mọi người lại cùng nhau xuống núi. Chẳng ai bảo ai, mọi người đều chuẩn bị và mang lương thực, thực phẩm lên góp vào bữa ăn tập thể.
Khi mạnh khỏe, lúc ốm đau, 46 con người với 46 câu chuyện cuộc đời riêng nhưng chung hoài bão nhà giáo vẫn gắn bó thân thiết.
“Vừa qua, có thầy giáo không may bị ngộ độc. Giữa đêm mưa lạnh căm, các thầy đã dìu nhau vượt qua con đường đá gập ghềnh, trơn trượt đưa đồng nghiệp đi cấp cứu”, thầy hiệu trưởng Lang Văn Nhàn xúc động kể lại kỷ niệm khó quên trong thời gian công tác tại nơi đây.
Có thầy giáo nhận tin bố ốm nặng khi người nhà lặn lội đường xa đến báo. Về đến nhà, thầy không kịp nhìn mặt cha lần cuối. Các thầy nghẹn ngào, an ủi đồng nghiệp vượt qua những đau thương.
Thầy Nhàn vui vẻ kể về ngôi trường tiểu học Tri Lễ 4 trong những năm qua đã bắt đầu “thay da đổi thịt” nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước và những tấm lòng hảo tâm. Không nói đến những thiệt thòi, thiếu thốn nhưng giọng nói thầy không giấu nổi sự xót xa khi nghĩ đến những học trò, đồng nghiệp của mình thỉnh thoảng hay đau ốm lại không có điệu kiện chăm sóc sức khỏe.
Ấm áp nghĩa thầy trò
“Chúng tôi sống như một gia đình, đàn ông với nhau nên xuề xòa lắm. Nhưng khi dạy học thì khác, phải thật chỉn chu, kiên nhẫn, tỉ mỉ vì học sinh tiếp thu chậm”, thầy Nhàn chia sẻ về sự tận tâm với nghề của các thầy giáo tại ngôi trường tiểu học nằm trên dãy Phà Cà Tún này.
Sáng thứ hai đầu tuần, sau khi hồi trống của thầy Thái Dương kết thúc, từng tốp học sinh sẽ men theo con đường nhỏ đi vào cổng trường. Lúc này, các thầy đã đứng sẵn đợi các em, dẫn những em mặt mũi lem nhem đi rửa mặt trước giờ vào lớp.
Không như các bạn ở dưới miền xuôi, các em học sinh vùng cao không có điều kiện tốt để phát triển và ít nhận được sự quan tâm của gia đình. Bởi, cha mẹ các em còn phải lên nương, lên rẫy lo miếng ăn hàng ngày. Thương trò, các thầy tỉ mẩn buộc tóc, cắt móng tay, móng chân cho các em bằng tất cả tình cảm của một người cha.
Trên bục giảng, các thầy kiên trì dạy các em biết đọc, biết viết, làm toán thành thạo. Học trò tiếp thu chậm, các thầy lại nhẫn nại giảng giải cả chục lần. Các em phát âm chưa rõ, thầy lại tận tình chỉ dạy để trò đọc rõ ràng hơn. Phải yêu nghề, yêu trẻ lắm các thầy mới có thể gắn bó với công việc chèo đò vất vả này.
Thầy Và Bá Dê tâm sự: “Nhìn các em như vậy, chúng tôi vừa bất lực vừa xót, thương còn không kịp, sao nỡ quát nạt. Các em chịu đến học là quý lắm rồi, học chậm thì mình dạy chậm”.
Không những chăm lo cho học sinh khi đến lớp, các thầy còn chia nhau vào bản vừa thăm gia đình và kiểm tra tình hình học tập của các em. Họ sẵn sàng rút ngắn thời gian nghỉ hè để dành thời gian phụ đạo, ôn lại kiến thức cho những đứa con ở bản.
Cứ thế trong suốt 30 năm qua, nơi đây đã có hàng chục người thầy cắm bản, ngày đêm miệt mài dạy dỗ học sinh. Không toan tính những gì mình bỏ ra, các thầy đã dành trọn đời mình để dạy những mầm non nơi núi cao để tương lai các em không phải sống trong đói nghèo.
Những học sinh dân tộc nơi đây không biết đến ngày Nhà giáo Việt Nam. Thế nhưng, các em vẫn rất yêu thương, kính trọng người thầy của mình.
“Với chúng tôi, ngày nào cũng là 20/11 khi học trò có gì cũng nhớ đến thầy. Không cần dịp nào đặc biệt, các em vẫn mang gạo, dứa, khoai, măng hoặc củi lên để thầy không đói, không lạnh”, thầy Quyền xúc động chia sẻ.
Câu chuyện của 46 giáo viên ở trường tiểu học Tri Lễ 4 đã chạm đến trái tim của các đồng nghiệp nói riêng và độc giả cả nước nói chung. Một thầy giáo sinh sống ở miền Nam xúc động bảy tỏ: “Đây đích thực là những Nhà giáo Nhân dân!”
Tháng 9 vừa qua, tập thể các thầy giáo nơi đây đã nhận được giải Ấn tượng VTV năm 2017 ở hạng mục Nhân vật của năm như một sự tri ân, ghi nhận tấm lòng của những người thầy hết lòng vì những mầm nhỏ miền non cao.
Theo Phụ nữ sức khỏe