Tôi vẫn tìm thấy ánh sáng nơi tận cùng cuộc đời khổ đau, đọa đầy
Cuộc sống có vất vả tới đâu, có đau khổ tới mức mà dường như bạn không tài nào chịu nổi thì xin hãy tin rằng phía cuối con đường sẽ là ánh sáng
Tuổi thơ cay đắng
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo và kém may mắn. Bố mẹ tôi là “rổ rá cạp lại” bởi ông đã trải qua một đời vợ, mẹ tôi cũng một đời chồng. Bố tôi góa vợ phải nuôi bầy con thơ dại. Ông lấy mẹ tôi về để phụ giúp ông thoát cảnh gà trống nuôi con. Ở đời chồng trước, mẹ tôi có một con gái; khi lấy bố tôi, mẹ phải để chị gái tôi cho chị gái mình nuôi giúp.
Những tưởng hạnh phúc mới sẽ xoá đi sự bất hạnh của cuộc hôn nhân đầu tan vỡ. Nhưng cuộc đời không như là mơ. Tất cả đã thay đổi khi mẹ tôi sinh tôi. Bố tôi không còn hiền lành nữa. Ông ấy cáu bẳn và đánh tôi bất cứ khi nào. Rồi mấy năm sau, em trai của tôi ra đời, trước cảnh túng bấn nghèo khổ, bố tôi lại càng khác trước. Ông thường xuyên túm lấy tôi ném xuống đất, quăng em tôi ra ngõ như người ta ném một củ khoai lang bị sùng (bị hà).
Mẹ tôi không thể lí giải được việc bố tôi trở nên trái tính trái nết như thế. Bà canh cánh nỗi lo bố tôi sẽ ném chết chị em tôi lúc nào chưa biết. Bà cho rằng, hồn ma vợ cũ của bố tôi về ám nên bố tôi mới sinh ra thế. Mẹ kể rằng, có những đêm trong ánh đèn dầu mờ mờ, bà bê nồi cám cho lợn ăn, vừa đặt xuống chuồng lợn đã thấy bà vợ cũ của bố tôi đứng bên cạnh.
Sự xuất hiện của bà ấy ngày càng nhiều khiến mẹ tôi vô cùng sợ hãi. Mẹ tôi cho là chắc bà ấy thấy mẹ tôi đã sinh con, làm cho bố tôi không có thời gian chăm sóc con bà ấy nên cứ hay hiện hình dọa mẹ tôi như thế. Do quá sợ hãi, mẹ tôi chỉ còn bài đưa con về quê ngoại, trốn chạy khỏi căn nhà đó.
Bố tôi thường xuyên túm lấy tôi ném xuống đất, quăng em tôi ra ngõ như người ta ném một củ khoai lang bị sùng (bị hà) (Ảnh minh họa)
Lúc ra đi, bà tính bỏ tôi lại cho bố tôi chăm, chỉ mang theo đứa em tôi vừa tròn tuổi. Nhưng định mệnh an bài. Khi đó tôi mới 4 tuổi mà đã mơ hồ nghi hoặc mẹ bỏ đi nên nhất quyết đi theo. Dỗ dành thế nào cũng không được. Thế là tôi, 4 tuổi chân trần không giày dép, theo mẹ bế em, đi bộ hơn 10 km về bên ngoại. Gần đến nơi, do chân tôi rát bỏng không đi được nữa, mẹ nhắn người làng để họ hàng chở mẹ con tôi về.
Tôi sống trong nỗi oán hận tất cả
Nhưng khi lớn dần lên, tôi mang trong mình một nỗi oán hận. Tôi hận bố tôi sao nỡ ném chị em tôi. Sao bố tôi nỡ bỏ mặc chị em tôi suốt tuổi thơ. Mấy chục năm trời, ông ấy chỉ đến tìm mẹ con tôi một lần duy nhất, để tôi có cha mà như không. Trước cảnh mấy mẹ con nghèo túng, hèn yếu nuôi nhau, tôi đã nuôi ý nghĩ oán hận rằng trong đời này không bao giờ tôi có thể tha thứ, không bao giờ tôi có thể quên tội lỗi của người cha vô trách nhiệm ấy.
Nỗi cay đắng của tôi không dừng ở đó. Tôi có một bàn tay bị tật bẩm sinh, trông nó dị dạng và không thể làm việc như bình thường được. Có lẽ vì nhà nghèo, lại bị dị dạng nên khi tôi đi học, không bạn nào muốn chơi với tôi. Thế nhưng tôi rất thích đi học. Tôi học văn khá. Tôi thích đọc (sau này đi làm giúp việc nhà cho người ta, chỉ cần rảnh rỗi là tôi lại đọc sách báo), nên bản thân cũng được biết thêm nhiều điều.
Tôi đi làm ngay sau khi tốt nghiệp lớp 9. Công việc giúp việc nhà cũng phù hợp với sức khỏe của tôi lúc đó. Nhưng làm được một thời gian ngắn, tôi phải bỏ về vì bệnh tim. Cơn đau tim bóp từng hồi khiến tôi khó thở. Tôi về quê, được một thời gian, có người làng thuê tôi lại đi. Lần này may mắn hơn, tôi được sống như con cháu trong gia đình họ. Tôi cũng được yêu thương và bệnh tật thì không phát triển.
Nhưng trong sâu thẳm lòng tôi, tôi vẫn ngửa mặt oán trời. Tại sao không cho tôi một cái gì hết. Chị cùng mẹ và đứa em trai cùng mẹ cùng cha đều khỏe mạnh, đẹp, trắng trẻo, riêng tôi vừa đen, vừa xấu… Nhìn xung quanh, tôi thấy ai cũng may mắn hơn mình. Ai cũng hạnh phúc hơn mình. Nhiều khi tôi chỉ muốn chết cho xong .
Cuộc đời phải chăng là một chuỗi đau khổ, bất hạnh
Năm 18 tuổi trở đi, tôi càng thêm ngấm nỗi khổ của một người bất hạnh. Tất cả bệnh tật thay nhau cùng đến tìm tôi như hẹn trước từ bao giờ vậy: bệnh tim, khớp, bệnh rối loạn tiền đình, mất ngủ, lở miệng…. tất cả thi nhau hành hạ tôi. Như chủ nợ đến đòi, không thể chạy thoát.
Tôi cũng chẳng có cách nào hơn là dốc tiền chạy chữa, nhưng không có cách kết thúc. Khi nào đau thì chữa, khỏi lại đi làm. Kiếm tiền xong lại dùng để chạy chữa. Làm vài năm mà nằm vài tháng là hết luôn. Mỗi lần phải điều trị thì phần lo tiền thuốc, phần đau thân thể cộng lại bệnh càng lâu khỏi. Biết vậy nhưng biết làm sao.
Tôi không tìm được ai thật yêu thương mà lấy mình, kể ra đó cũng là may cho mình và cho họ. Thân bệnh, tâm bệnh và tính than vãn oán trời, oán đất, mà suy cho cùng là lòng ghen tị với người đời, khiến tôi chẳng lúc nào vui. Rồi tôi trở nên nóng nảy dữ dằn, sẵn sàng gồng mình lên trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tôi sẵn sàng cãi lại mẹ, cãi nhau với người trong nhà hoặc bất kỳ ai khác. Tôi không chịu được bất kỳ lời nói oan sai nào về mình. Có người sống cùng tôi khi tôi còn nhỏ đã rất ngạc nhiên vì tâm tính tôi thay đổi nhiều đến vậy.
Trong tâm, tôi cho rằng, mình phải dữ dằn lên như vậy thì người ta mới sợ. Và đó cũng là cách tiếp cận chung của nhiều người hiện nay, khi không có gì trong tay, người ta cứ nghĩ tìm lấy sức mạnh qua việc ‘ngầu ‘lên với đời, mà không biết rằng, càng dữ dằn, nóng nảy càng gây nghiệp, bệnh càng nhiều; càng nóng nảy, thiếu nhẫn nhịn thì càng không có ai thương, người ta càng xa lánh, như thế càng cô đơn và cuối cùng, bất hạnh càng tăng thêm.
Và khi cuộc đời được chuyển sang trang mới…
Cuộc sống tăm tối và buồn khổ của tôi cứ trôi qua như thế, cho đến giữa năm 2013, khi tôi đang đi làm phụ việc cho một cửa hàng thì bị đau mắt đỏ phải xin nghỉ việc về quê điều trị. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ, chắc về quê vài ngày rồi sẽ trở lại thành phố làm việc. Nhưng lần này, tôi không có cơ hội kết thúc việc điều trị nhanh như vậy. Vì đó không phải là đau mắt dịch mà là viêm kết mạc sợi nhánh. Tôi đau đớn, mắt nhòe dần, mờ dần. Sau 3 tháng điều trị, bác sĩ yêu cầu nhập viện mổ. Mổ tức là tôi phải ra thành phố và phải mất nhiều tiền cho quá trình điều trị. Tôi dường như sụp đổ.
Phần lo không tiền bạc, phần lo không người chăm sóc sau ca phẫu thuật, phần sợ vĩnh viễn mù lòa thì ai nuôi mình đây…. Tôi đâm oán hận tất cả: vì sao tôi lại được sinh ra trên đời này, vì sao tai ương lại cứ xảy đến với tôi, vì sao tất cả các cánh cửa lại cứ đóng sập lại trước mắt một đứa con gái 25 tuổi bất hạnh như tôi?… Thực sự tôi không muốn sống nữa mà chỉ muốn một liều thuốc để ra đi vĩnh viễn. Trong lòng thương mẹ sẽ đau khổ nhưng tôi không muốn làm gánh nặng cho ai.
Trong lúc tuyệt vọng, một người dì cùng quê đến chơi đã khuyên tôi nên đọc sách Chuyển Pháp Luân và tập 05 bài công Pháp. Dì còn đề nghị tôi đi Sài Gòn để chữa trị theo phương pháp của dì, chi phí dì lo. Nhưng tôi không nghe. Tôi không tin. Tôi cho rằng dì chỉ nói luyên thuyên, toàn những điều không có thật; làm gì có chuyện đọc một quyển sách, tập mấy bài tập như thể dục mà khỏi bệnh được; bác sĩ đây, thuốc đây mà còn chẳng khỏi nữa là. Nhưng vì nể dì, tôi ậm ờ cho qua chuyện. Thấy tôi mãi vẫn không sang bên nhà chị gái của dì mượn sách, dì cứ gọi điện thoại giục giã nhiều lần.
Đó là một buổi chiều chập choạng, trời mưa và lạnh, dì lại gọi điện thoại thúc giục tôi thêm lần nữa. Lần này, tôi đang sầu thối cả ruột. Bỗng dưng tôi thấy mình như chết đuối vớ phải cọc. Tôi vội chạy đi ngay để mượn sách về đọc. Người trao quyển sách ái ngại khi thấy tôi mắt mờ, sợ không đọc được nhưng thấy tôi quyết tâm quá nên cứ đưa tôi cầm về. Cầm cuốn sách trên tay, tôi như thấy có một điều gì lạ lắm, thân quen lắm, từ xa xôi cứ vọng đến. Thế là, nhớ lại lời dì dặn dò, tôi đã quyết tâm ngồi đọc sách.
Và tôi cũng không hiểu tại sao mình, vốn đang bị mờ mắt, mà lại có thể đọc xong cuốn sách Chuyển Pháp Luân dày mấy trăm trang ấy chỉ trong vòng 2 ngày. Thú thực là lúc ấy tôi bị cuốn hút vào cuốn sách nên cũng chẳng rõ điều gì xảy ra nữa; mà cũng có thể lúc đó, tôi đọc sách cho đủ chữ vậy thôi nhưng chưa thấy hiểu gì đâu. Nhưng có một điều mà tôi thấy rất rõ ràng là sự kì diệu đã xảy ra với tôi khi tôi đọc xong cuốn sách. Mắt tôi đã hoàn toàn bình thường, không bị mờ đi nữa mà sáng rõ như xưa. Mọi triệu chứng đau đớn biến mất. Tất cả diễn ra nhanh như một giấc mơ.
Đặc biệt nước da đen của tôi đã được đổi thành trắng hơn trước rất nhiều. đến nỗi, sau mấy tháng gặp lại, mẹ tôi còn không nhận ra tôi khi tôi đón bà ở sân bay.
Tôi đạp xe đi khắp nơi để nói với bà con cô bác, anh chị em về đôi mắt của tôi, tôi muốn họ biết đến quyển sách huyền diệu mà tôi vừa đọc. Lòng tôi phơi phới hạnh phúc. Đó là hạnh phúc đầu tiên trong cuộc đời tôi. Đó là ánh sáng hi vọng duy nhất trong cuộc đời tăm tối của tôi.