Thấm lời Phật dạy: Chúng ta sợ khổ mà không chịu mở con mắt trí tuệ thấy được lẽ thật này thì muôn đời cũng không hết khổ
Lẽ thật này là gì mà có thể giúp con người hết khổ? Câu trả lời chỉ xoay quanh 2 chữ mà bạn dễ dàng nhận ra khi xem bài giảng dưới đây của sư ông.
Bản thân các pháp là chuyển động, là đổi dời. Thấy rõ sự chuyển động đó là thấy được sự thật. Nghĩ rằng các pháp là nguyên vẹn không đổi dời, là cái nghĩ sai lầm.
Trên cái nghĩ sai lầm này, lại sinh tâm buồn phiền than trách là cố chấp. Cố chấp là nguồn gốc khổ đau. Cho nên người học Phật phải thấy các pháp đúng sự thật của nó.
Chính cái thấy đúng sự thật này là khoa học. Vì khoa học nhận thấy sự vật là một dòng sinh diệt bất tận. Với con mắt khoa học hiện đại không thấy có một sự vật nào mà không sinh diệt và đứng yên một chỗ.
Từ thân người cho đến cây cỏ, từng tế bào sinh diệt liên tục trong ấy. Vì vậy người vật hết thời kỳ tăng trưởng, đến thời kỳ lão hóa và bại hoại.
Bản chất của khổ đau là gì?
Có cái gì bền lâu nguyên vẹn mà chúng ta cố chấp! Nếu cố chấp là si mê không giác ngộ, là sai lầm không đúng khoa học.
Sở dĩ các pháp biến chuyển không cố định, vì bản chất nó là vô thường và vô ngã. Chúng ta định nghĩa sống là gì? – Là động. Còn luân lưu biến động là còn sống. Dừng sự biến động là chết.
Bản thân ta là động, muôn vật là động. Đã là động thì biến chuyển đổi dời, đấy là vô thường. Sống trong biển biến động vô thường của vạn vật mà chúng ta muốn nó được thường, thật là một điều không bao giờ có.
Hành tinh chúng ta đang ở, nó quay tròn mãi không dừng, nếu dừng lại là nổ tung. Chính thân chúng ta, tim đập mãi không dừng, một khi nó dừng là chúng ta chết.
Con người và muôn vật đều bám vào quả đất mà sống, bản thân quả đất lại quay cuồng, thì con người và muôn vật làm sao an định được.
Cho nên sự tồn tại của quả đất, cũng như sự tồn tại của muôn vật là động, đấy là lý vô thường Phật đã dạy. Thấu triệt lý vô thường này, chúng ta sẽ cười trước mọi biến đổi, nhất là sự biến đổi của thân ta đến lúc bại hoại.
Con nguời và muôn vật sống trên quả đất, kể cả quả đất đều do nhiều nguyên tố họp lại thành hình. Không có vật nào đơn thuần từ một nhân tố mà thành. Đã do nhiều nhân tố chung hợp thành sự vật, những nhân tố ấy nhà Phật gọi là nhân duyên.
Nếu phân tích một con người hay sự vật, chúng ta thấy nhiều lớp nhân duyên tụ họp thành. Nơi con người thì có mấy tỷ tế bào chung hợp, mỗi loại đều có chức năng riêng. Ở mỗi vật cũng do nhiều tế bào kết hợp, hay những hạt nguyên tử đang quay cuồng liên kết vào nhau. Đã nhiều loại nhiều thứ thì loại nào thứ nào là chủ? Hoặc do nhiều thứ họp lại thành, tức không có thật thể. Không có chủ, không có thật thể, Phật gọi là vô ngã.
Từ vô ngã là chỉ cho mọi vật do nhân duyên hợp không có chủ thể, nên nói “chư pháp vô ngã”. Bởi vô ngã nên chúng ta không chấp mình thật, vật thật. Không chấp mình là không chấp ngã, không chấp vật là không chấp ngã sở.
Không chấp ngã và ngã sở thì còn cái gì để chúng ta tham cầu? Nếu không tham cầu thì còn gì lo sợ, còn gì bực tức?
Thế là do thấy được lẽ thật nơi con người và sự vật, chúng ta dứt được si mê. Do hết si mê, chúng ta dừng được tâm tham lam và nóng giận, ngang đây tam độc không còn. Đó là kết quả tốt đẹp của người tu Phật.
Tóm lại, do biết rõ các pháp không cố định tức là vô thường, vô ngã, nên chúng ta buông xả tất cả cố chấp si mê. Chính đây là “chánh kiến” trong Bát chánh đạo.
Mọi cố chấp đều y cứ nơi con người và sự vật. Thấy rõ người vật đều tạm bợ biến thiên không thật, thì mọi cố chấp đâu còn. Không còn cố chấp thì tất cả khổ đau đều tan biến.
Sở dĩ chúng ta nhiều buồn khổ là sợ thân này bệnh, chết. Biết bệnh chết là lẽ thường, con đường mà ai cũng phải đến, còn gì sợ hãi việc bệnh và chết.
Chúng ta sợ cái gì bất thường chỉ đến riêng mình, nên cố gắng né tránh. Nếu là việc chung của tất cả, chúng ta có sợ cũng chỉ vô ích thôi.
Cho nên Tuệ Trung Thượng sĩ khi sắp tịch, nằm trên cái giường tại Dưỡng Chân Trang nhắm mắt tịch. Các bà thê thiếp khóc rống lên, Ngài mở mắt quở: “Sinh tử là lẽ thường, tại sao làm náo động chân tánh ta”. Rồi Ngài nhắm mắt an nhiên mà tịch.
Cho đến mọi vật sở hữu của ta cũng thế, nó là vật vô thường bại hoại, chúng ta muốn nó còn mãi làm sao được! Chi bằng thấy chúng là tướng giả dối tan hợp vô thường, khi chúng còn thì chúng ta dùng, lúc chúng mất thì chúng ta cười, vì lẽ thường là như thế.
Kinh Kim Cang Phật dạy: “Phàm cái gì có tướng đều là hư dối” (Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng). Lối nhìn này là trọng tâm thoát khổ của chúng sinh. Chúng ta sợ khổ mà không chịu mở con mắt trí tuệ thấy được lẽ thật này thì muôn đời cũng không hết khổ.
Theo Phattrongtam