Tết trống trải của người đàn ông thuyết phục mẹ hiến tạng cậu ruột cứu người
Sau khi vợ chồng đứa con trai lớn đường ai nấy đi, một mình người đàn ông ở vậy nuôi đứa cháu nội, lo việc thờ cúng người cậu ruột đã mất.
Một ngày cuối năm, chúng tôi men theo con đường tỉnh lộ 9 xa xôi để đến xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi (TP.HCM) tìm gặp ông Tô Văn Lở (47 tuổi). Cách đây hơn một năm, ông đã tìm mọi cách thuyết phục mẹ đồng ý ký vào lá đơn hiến tạng người cậu đã mất, để cứu sống tính mạng của nhiều bệnh nhân khác.
Thấy gì đúng thì làm
Căn nhà của ông Lở ẩn sâu trong đống đường đất nhỏ hẹp. Ông Lở chạy vội trên xe máy cà tàng ra đón chúng tôi, chốc chốc chiếc xe lại vang lên tiếng cành cạch nhựa cũ.
Một chiếc ghế xếp đặt gọn trong góc trước cửa nhà. Đó là nơi người đàn ông thường ngồi ngơi nghỉ sau một ngày làm việc mệt nhọc.
Đứa cháu nội từ trong nhà chạy ra. Nó ngơ ngác nhìn xung quanh không hiểu chuyện gì. Rồi chợt thấy phần quà chúng tôi mang đến, đứa bé bất ngờ nhảy phóc lên bàn, nơi để di ảnh của ông Trần Văn Dẫn. Ông Lở tá hỏa, vừa ẵm cháu xuống vừa giải thích: “Nó không ở với cha mẹ nó từ nhỏ nên hơi hiếu động”.
Nhìn BA Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, BV Chợ Rẫy thắp nén nhang cho cậu mình, ông Lở cười buồn, bảo rằng mới đó mà cậu đã mất hai năm.
Ông Lở nhớ lại: “Lúc đó, cậu tôi (ông Trần Văn Dẫn) bị tai biến nặng nên chết não nhanh chóng. Cậu không có gia đình, sống với tôi xưa giờ. Khi nghe bác sĩ BV Chợ Rẫy trao đổi về việc hiến tạng cậu cho bệnh nhân khác hiện đang rất nguy kịch, tôi đồng ý ngay nhưng mẹ thì không chịu. Tôi lại phải dành thời gian để thuyết phục mẹ, rằng dù sao thì cậu cũng mất rồi, nếu làm được việc tốt cứu người thì mẹ hãy nên chấp nhận. Mình thấy gì đúng thì làm thôi chứ không đắn đo nhiều”.
Bác sĩ Thu kể, nghĩa cử cao đẹp của ông Dẫn đã được Bộ trưởng Bộ Y tế trao kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên sau đó, phía BV bất ngờ mất liên lạc với thân nhân người hiến tạng. Mãi cho đến khi mẹ của ông Lở bệnh nặng được đưa đến cấp cứu, các bác sĩ mới biết được hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Đặt tấm bằng khen có đính chiếc kỷ niệm chương lên bàn thờ cậu, người đàn ông thoáng buồn. Tết này, mẹ ruột của ông cũng đã lìa xa cõi đời. Di ảnh của bà được thờ ở nhà người thân bên cạnh.
Nhưng buồn nhất là vợ chồng con trai lớn của ông Lở đã đường ai nấy đi, để lại đứa cháu nội mới 4 tuổi lại cho ông.
“Con trai tôi đi trại gần 2 năm nay. Vừa vô trại thì vợ cũng bỏ đi, để lại nó (bé Vũ) cho tôi. Còn 5 năm nữa ba nó mới mãn hạn tù” – ông Lở ôm đứa cháu tay đang mân mê chiếc bao lì xì, giọng cam chịu.
Chia tay ông Lở, hình ảnh ngôi nhà trống trải, không có thứ gì quý giá ngoài chiếc giường đã lên nước và bàn khói hương lạnh lẽo dán chặt vào đầu tôi. Ông ẵm đứa cháu ra tiễn đoàn tận đầu ngõ. Trước hẻm, cây mai đất già vẫn chưa tước lá nhưng đã phúng phính vài nụ. Tết này, chắc chẳng ai trong nhà mặn mà chuyện ngắm hoa.