Tang thương ngày cận Tết và nỗi đau của người vợ có chồng bỏ mạng nơi xứ người
“Chồng tôi điện thoại về nói với con gái ngày mai sẽ về quê ăn Tết. Không ngờ đó là lần cuối cùng gia đình tôi được chuyện trò với nhau. Giờ anh đi rồi, ba mẹ con tôi biết sống như thế nào đây”, thắp nén hương lên bàn thờ lập vội của chồng, chị Thanh khóc nghẹn.
Tang thương ngày cận tết
Ngày giáp Tết nhưng không khí tang thương lại bao trùm căn nhà của chị Mai Thị Thanh (30 tuổi, ngụ thôn 6, xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Chị Thanh với dáng người gầy gò, khuôn mặt nhòa lệ hướng về phía hai đứa con đang chơi ở góc sân rồi khóc nức nở khi nghĩ về cuộc đời phía trước: “Đứa lớn của tôi mới lên 3, đứa nhỏ với 13 tháng tuổi mà chúng đã phải mồ côi bố rồi. Giờ chỉ còn mình, tôi biết chèo chống với cuộc sống như thế nào để nuôi hai đứa con nhỏ đây…“.
Chị Thanh kể, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng chị là anh Nguyễn Duy Khương (34 tuổi) qua Trung Quốc làm việc bằng đường du lịch. Cứ vài tháng, hết hạn visa, anh Khương lại về thăm nhà một vài ngày rồi làm thủ tục đi tiếp. Qua Trung Quốc, anh Khương làm việc cho một xưởng sản xuất gỗ. Mức lương hàng tháng nhận theo sản phẩm.
Ngày 2/2/2018, anh Khương điện thoại về thông báo ngày mai sẽ về nước để ăn Tết sớm cùng gia đình. Cô con gái đầu mới 3 tuổi nghe tin bố sắp về vui mừng đi khoe khắp làng trên xóm dưới.
2 ngày sau đó, không thấy chồng liên lạc nên chị Thanh nóng ruột, điện thoại qua nhưng thuê bao của chồng không liên lạc được. Cứ nghĩ chồng đang trên đường về nên mẹ con chị cứ vậy an tâm ngồi đợi.
Đến ngày 5/2, chị đau đớn khi nhận được thông tin từ một người bạn của chồng cũng đang làm việc bên Trung Quốc thông báo chồng chị mất tích đã 3 ngày.
“Gia đình tôi cử người sang đi tìm. Đến ngày thứ 3, hi vọng cuối cùng vụt tắt khi nghe tin đã tìm thấy thi thể của chồng nổi bên cống nước, cách chỗ ở không xa. Nỗi đau đến quá đột ngột, quá phũ phàng khiến tôi không thể tin đây là sự thật“, chị Thanh ôm con khóc nức nở.
Cũng đành góa bụa nuôi con thơ
Những ngày Tết cận kề, khi nhà nào nhà nấy được đoàn viên, nhộn nhịp sắm thì gia đình chị Thanh lại ngập trong nước mắt, đau đớn vì sự ra đi đột ngột của người chồng. Đây là cái Tết đầu tiên mà mẹ con chị phải gồng mình gánh chịu vì mất đi người chồng, người cha, người trụ cột trong gia đình.
5 năm trước, chị Thanh và chồng kết hôn. Sau khi cưới, cả hai vợ chồng qua Trung Quốc làm việc bằng đường du lịch. Thời gian đầu, họ làm phụ hồ trong các công trình xây dựng. Được 6 tháng thì chị Thanh mang thai, không thể làm được việc nặng nên về nước. Anh Khương may mắn xin vào làm ở xưởng sản xuất gỗ. Tiền công anh hàng tháng gửi về chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt trong gia đình và tích góp được một ít để sau này xây nhà. Cứ làm được vài tháng, hết hạn visa, anh Khương lại xin về nhà làm thủ tục giấy tờ để đi tiếp. Chị Thanh ở nhà một nách hai đứa con thơ, phụng dưỡng bố mẹ chồng già yếu. Cuộc sống cứ vậy bình yên trôi đi cho đến ngày tai ương giáng xuống.
“Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên con trai tôi phải tha phương kiếm sống để rồi bỏ mạng nơi xứ người. Không tiền mang thi thể con về chôn cất, gia đình đành chấp nhận hỏa thiêu rồi đưa tro cốt về nhà. Nhìn hai đứa cháu nội thương vô cùng, chúng còn quá nhỏ để gánh chịu nỗi đau đớn này“, bà Hoàng Thị Thủy (70 tuổi, mẹ chồng chị Thanh) trải lòng trong nước mắt.
Mới 30 tuổi, chị Thanh đã thành góa bụa, một nách hai đứa con thơ trong cảnh nghèo khó. Chồng qua đời đột ngột, đau thương bao trùm khiến cả gia đình chị không còn tâm trạng đâu mà nghĩ đến Tết. Nhìn cô con gái lớn hàng ngày ra đầu ngõ ngóng trông, đợi bố về chị Thanh lại không cầm nỗi nước mắt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Văn Tý (Trưởng thôn 6) chia sẻ, anh Khương là lao động chính trong gia đình, ngoài hai đứa con thơ còn phải phụng dưỡng bố mẹ già yếu trong cảnh khó khăn. Giờ anh Khương ra đi đột ngột, gánh nặng đè lên vai người vợ. Chỉ mong gia đình chị Thanh sớm vượt qua nỗi đau, ổn định cuộc sống, làm chỗ dựa cho hai đứa con.
Chia tay gia đình chị Thanh, ngước nhìn lại vẫn thấy chị ngồi đó, ôm hai đứa con thơ vào lòng, thở dài khi nghĩ về cuộc sống đầy chông gai phía trước.
Theo Thời Đại