Sốc: Ác mẫu trường MN danh tiếng Q1 đánh đầu trẻ, tra hỏi: Là người hay là thú?
Thú thật với các mẹ là trước giờ em cứ nghĩ việc bạo hành trẻ em chỉ xuất hiện ở những trường mầm non nhỏ lẻ thôi, vậy mà hôm qua xem clip được quay tại một trường nổi tiếng tại Quận 1, Trung tâm TP.HCM khiến em hoang mang quá đỗi các mẹ ạ.
Thông tin này được chính phụ huynh cùng một cô giáo giảng dạy 10 năm trong Trường Mầm non 30-4 (cơ sở đường Pasteur, P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) phản ánh với báo chí đó nha các mẹ. Theo đó, vì chứng kiến tình trạng cô T.B.N. đánh đập các cháu nên cô giáo này đã không thể giấu sự việc lâu thêm nữa. Bản thân cô cũng rất đau xót và thương các con mỗi khi chứng kiến có bé nào đó bị cô N bạo hành, đánh đập.
“Cô N. hay phạt các bé đứng ăn, số cơm thì chỉ cho các bé ăn 2/3, còn lại đổ đi; cho các em vào nhà vệ sinh trơn trợt để thay quần áo thay vì ở phòng và lấy ghế cho các em ngồi. Tôi nhớ có lần em N.V. bị chảy máu ngay trán, hỏi ra thì em bảo cô N. đánh và còn nhiều sự việc đau lòng khác nữa”, cô giáo này kể lại với phóng viên.
Nếu như xem kỹ đoạn clip được báo chí chia sẻ, các mẹ sẽ thấy cô N. liên tục nhắc đi nhắc lại câu “Là thú hay người? Là người sao không biết nghe lời…”. Sau trận đòn dằn mặt học sinh, cô N. tỏ ra khá hả hê khi cháu bé thừa nhận… “là người”. Trước khi đưa mắt nhìn sáng đứa trẻ khác, cô giáo này còn đánh thêm cháu bé nhiều cái.
Một clip khác ghi lại cảnh học sinh “xếp cá mòi” nằm la liệt dưới nền nhà lớp học. Đang nằm ngủ chung với học sinh, bà N. vùng dậy, xông đến đánh, cào vào người đứa trẻ rồi phát lệnh lạnh lùng: “Nhắm mắt!”.
Tiếp sau đó, bà N. liên tục lớn tiếng quát nạt, ra lệnh cho đứa trẻ. Trong nỗi sợ hãi hiện rõ trên khuôn mặt non nớt, cháu bé chỉ biết cầu cứu bằng những giọt nước mắt. Vậy mà, biết cháu bé sắp khóc, bà N. dằn mặt: “Ngậm cái miệng lại nha. Khóc một cái là tao lấy cái tã cứt tao trét…”. Thấy đứa trẻ nằm im, bà N. quay sang lấy tay chỉ mặt một đứa khác rồi thoải mái ngả người, nằm lăn xuống sàn nhà nghỉ ngơi.
Ông bà ta thường có câu: “Trời đánh tránh miếng ăn”, vậy mà trong giờ ăn, cô N. này thường “phân loại” cho trẻ ăn đứng và ngồi. Theo báo Phụ nữ đưa tin, vào ngày 4/11/2017, do cháu Y.N. do ăn chậm hơn các bạn, cô N. đã cho tách ra gần cửa đứng, vừa bưng tô, vừa ăn. Điều đáng nói, đây không phải là hành động bộc phát mà nó đã có tiền lệ từ trước đó. Hành động này được áp dụng với rất nhiều đứa trẻ khác trong lớp và thường xuyên lặp đi lặp lại.
Tất nhiên đây chỉ là một trong số ít các hành động bạo hành của cô N. được ghi các phóng viên ghi lại sau khi nghe phụ huynh của các em phản ánh. Theo chia sẻ của anh N.Q.C, là phụ huynh của em H. đang học lớp Lá 1, kể lại với phóng viên Tuổi trẻ: “Không hiểu sao con tôi dạo này cứ đến lớp lại rất sợ, tinh thần hốt hoảng vào buổi sáng, tôi cũng đang nghi ngờ vấn đề là ở trường nhưng hôm nay mới vỡ lẽ. Trong clip và hình ảnh ghi được có con trai tôi. Hai hôm nay cháu ốm ở nhà, trường công mà như thế thì tôi thật sự mất niềm tin và rất lo”.
Đồng tình với những nghi vấn trên, anh N.V.K cũng có bé trai học lớp Lá 1 cho biết thêm: “Mỗi chiều tắm cho con anh đều thấy da con tím bầm ở chân tay, mông. Hỏi thì con cứ giấu và nói va vào bàn ghế. Anh nghĩ không thể ngày nào cũng va vào ghế thế được và rất bức xúc”.
Trước tình hình này, bà Võ Thị Thanh Loan – hiệu trưởng Trường mầm non 30-4 cũng đã xác nhận rằng hiện tại cô N. giảng dạy tại lớp Lá 1 và sự việc phản ánh trên là có thật. Hiện tại trường đã tiếp nhận thông tin và đang xử lý theo đúng quy trình.
Nghe đến đây em thật sự thấy quan ngại cho tình hình giáo dục con tại nhiều trường mầm non hiện nay quá các mẹ ơi. Bản thân em cũng là người mẹ, cũng có con đi học nên em hiểu được những nỗi lo mà các bậc phụ huynh đang phải trải qua nếu cứ cách vài tháng lại xuất hiện một vụ bạo hành trẻ em tàn nhẫn như thông tin ở trên. Em có một người chị bạn trước kia làm chung công ty với em cũng có con đang theo học trường này, thời điểm đó em nhớ chị ấy phải bỏ biết bao nhiêu tiền của, xin nghỉ phép cả tháng chỉ để chạy cho con có cửa học ở ngôi trường danh tiếng bậc nhất. Vậy mà hôm nay sự việc này lại vỡ lở ra, không biết chị ấy sẽ bị sốc như thế nào nữa khi mà chính ngôi trường mình tin tưởng để gửi con giờ lại xuất hiện những bê bối này.
Đoạn clip mà các mẹ xem có thể chưa phản ánh hết sự thật xót xa còn ẩn sau ống kính. Nhưng rõ ràng chỉ với những lời nói dằn mặt, hăm dọa như thế đủ để thấy môi trường giáo dục mục nát đến độ nào. Trẻ con được gởi đến trường bị bạo hành thể xác đã chớ, đằng này còn phải nghe những lời nhục mạ, tra tấn tinh thần khủng khiếp mỗi ngày. Thử hỏi hôm nào đi học cũng phải hứng chịu đòn roi và những lời chua chát, không chút tình yêu thương của cô giáo như vậy các con lớn lên sẽ thành người như thế nào đây???
Em còn nhớ có một câu nói dành cho các cô giáo mầm non như thế này: “Không làm mẹ nhưng chứa chan tình mẹ, bởi yêu nghề nên quý lớp măng non”. Thật sự trong trái tim trẻ nhỏ, cô giáo như chính là người mẹ thứ hai của chúng, vậy thì tại sao trong trường hợp này, cô giáo T.B.N lại không thể xem các con như chính đứa con ruột của mình??? Đó thật sự là câu hỏi được nhiều người cha, người mẹ xem clip này phải thắc mắc.
Những tác động tâm lý để lại trong trí nhớ của trẻ nhỏ là vô cùng kinh khủng, nó có thể khiến chúng từ một đứa trẻ thông minh, lanh lợi trở nên trầm cảm hoặc tự kỷ bất ngờ. Còn nhớ cách đây vài tháng khi mà clip bạo hành trẻ em tại trường mầm non tư thục Mầm Xanh (khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12) được tung lên mạng. Cụ thể trong lúc nhận chăm sóc trẻ, các bảo mẫu đã dùng tay, chân, thậm chí bất cứ vật dụng gì như vỏ bình nước rửa chén, cây lau nhà, dùng chân đạp lên người…. để đánh đập, hành hạ trẻ khi cho các em ăn uống.
Sự nhẫn tâm của các bảo mẫu khi bạo hành trẻ em tại trường Mầm Xanh đã khiến dư luận phẫn nộ, đồng thời xót xa cho các bé được cha mẹ gửi vào cơ sở mầm non này. Kết quả điều tra, 2 bảo mẫu bạo hành trẻ em Phạm Thị Mỹ Linh là chủ cơ sở đã cùng với Nguyễn Thị Đào, Phạm Như Huỳnh (19 tuổi) đánh đập, hành hạ nhiều trẻ được gửi tại đây (gồm 24 cháu).
Tại cơ quan công an, Linh thừa nhận toàn bộ hành vi như clip được báo chí phản ánh. Bà ta khai, do trường giữ lượng trẻ đông, chủ yếu là con của vợ chồng công nhân, người lao động trên địa bàn. Các cháu có độ tuổi từ 1 – 5 tuổi, rất hiếu động nên khó khăn trong việc chỉ bảo, dạy dỗ. Do đó bà Linh và các bảo mẫu bị áp lực, thường xuyên bực tức nên dẫn đến việc có hành vi đánh đập các cháu nhằm…“dạy dỗ”.
Theo nhiều nghiên cứu, một số trẻ bị bạo hành sẽ chịu thương tổn cơ thể vĩnh viễn, thậm chí ngay cả khi không có thương tổn cơ thể vĩnh viễn thì sự phát triển thể chất và cảm xúc của trẻ cũng bị xáo trộn. Cụ thể:
– Trẻ con thường có mối quan hệ không tốt với bạn đồng tuổi, thường vì đứa trẻ đó quá gây hấn.
– Sự phát triển nhận thức và kết quả học tập cũng bị xáo trộn. Trẻ con bị ngược đãi thường có điểm số thấp hơn trong trường học, có điểm thấp hơn trong các trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa và thường ở lại lớp hơn là lên lớp.
– Trẻ thường xuyên bị bạo hành tinh thần sẽ sinh ra các rối loạn hành vi liên quan đến trường học chẳng hạn như đập vỡ đồ vật trong lớp; cào cấu bạn cùng lớp…
Khi trẻ em bị ngược đãi, nhiều khía cạnh phát triển của trẻ con bị ảnh hưởng và những tác động này không biến mất theo thời gian. Chính vì vậy, vấn đề bảo vệ trẻ khỏi những xâm hại, bạo hành phải được đặt lên hàng đầu trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy trẻ ở mỗi gia đình, trường học.
Dưới đây là một số biểu hiện giúp cha mẹ nhận biết được con mình đi học có đang bị bạo hành hay không:
Cơ thể trẻ xuất hiện nhiều vết bầm tím
Đây chắc chắn là dấu hiệu rõ ràng nhất mà cha mẹ không được phép bỏ qua. Nếu phát hiện trên cơ thể trẻ xuất hiện các vết bầm tím, vết xước thì mẹ hãy tìm đến giáo viên để được giải thích rõ ràng từ giáo viên nhé.
Trẻ sợ hãi khi ở trong không gian kín
Ở nhiều trưởng mầm non, tiểu học hiện nay đều đã trang bị những thiết bị camera kết nối với điện thoại thông minh của phụ huynh để cha mẹ tiện theo dõi trẻ nhỏ. Chính vì thế, để bạo hành trẻ, các bảo mẫu cần phải đưa trẻ vào khu vực kín để thực hiện. Đó là lý do trẻ tỏ ra sợ hãi khi ở trong không gian kín, bé sẽ mường tượng ra cảnh bị bạo hành. Vì thế, khi con ở trong phòng 1 mình hay đưa con đi tắm… thấy con có biểu hiện sợ hãi, cha mẹ cần nhẹ nhàng khuyên nhủ và trò chuyện với con để tìm ra nguyên nhân.
Trẻ hốt hoảng, ngủ không sâu giấc
Tâm hồn non nớt của trẻ nhỏ rất dễ bị tác động bởi những hành động thô bạo. Nó thường đi vào trong giấc mơ của trẻ, khiến trẻ không thể nào ngon giấc. Vì thế, nếu thấy con ngủ không ngon giấc, hay giật mình, khóc đêm… mẹ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sức khỏe hay là do trẻ đang bị bạo hành
Không chịu đi học, nhìn thấy mẹ là đòi về ngay
Trẻ nhỏ thường rất ham vui nên mỗi ngày đến trường các con đều rất hào hứng. Tuy nhiên nếu một ngày nào đó mẹ bất chợt phát hiện sự phản kháng của trẻ vô cùng dữ dội như ôm chặt mẹ, giãy giụa khi mẹ giao bé cho cô giáo hay mỗi lần được mẹ đón đều chạy tới và đòi về ngay lập tức… thì là dấu hiệu bất bình thường. Hãy quan sát ánh mắt của trẻ và ánh mắt của bảo mẫu trong những trường hợp này để nhận ra được nguyên do thực sự.
Ngại giao tiếp, tiếp xúc
Trẻ bị bạo hành thường có cảm giác sợ sệt, e dè, ngại giao tiếp và tiếp xúc với bất kì ai, kể cả bố mẹ. Trẻ không chạy nhảy nô đùa như trước mà chỉ thu mình một chỗ, ôm đầu gối hoặc khoanh tay trước ngực…
Hành vi quá khích
Nghiến răng, cắn móng tay, thở dốc, hồi hộp hay toát mồ hôi hoặc chống đối lại cha mẹ có thể là những hành vi khác lạ, quá khích của bé cho thấy đang bị ảnh hưởng bởi vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Việc bé bị bạo hành dẫn đến lo sợ và không làm chủ được những hành động thân thể mình.
Hãy tâm sự với con thường xuyên
Cha mẹ hãy là người bạn thường xuyên thủ thỉ với con, hỏi han con mỗi ngày như: Hôm nay con đi học vui không? Cô có thương con không? Để biết nỗi lòng của con và có cách xử lý kịp thời.
Vậy nên để hạn chế tình trạng bạo hành trẻ em như trên, các bậc cha mẹ hãy là người luôn theo sát con để kịp thời có những phương án hợp lý nhất nhé.
Theo WTT