Rơi nước mắt khi chứng kiến những bữa ăn của các em học sinh ở “ốc đảo” Kon Pne
Qua 15 năm dạy học tại “ốc đảo” Kon Pne, thầy Phạm Văn Hinh (Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Kon Pne) đã chứng kiến nhiều trò của mình đến trường với đôi chân đất, mang trên mình là những bộ quần áo rách nát. Nhưng điều mà người thầy hiệu trưởng còn trăn trở là tỉ lệ các em học sinh bị suy dinh dưỡng trong trường còn nhiều. Cũng vì vậy, mà sức đề kháng các em rất yếu, ốm đau liên miên.
Tâm sự với chúng tôi, thầy Phạm Văn Hinh (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, ở đây các em học sinh đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số người Banar. Từ khi sinh ra các em đã như con thú hoang trên rừng, không kể nắng mưa trên lưng mẹ đi làm rẫy, theo bố đi rừng hái măng. Cũng vì điều kiện kinh tế khó khăn, nên bà con chưa ý thức được về chế độ dinh dưỡng cho con em mình. Đa số, các học sinh trong trường đều có thân hình còi cọc, chậm phát triển. Nhiều em đã học đến lớp 6 nhưng nặng chưa đến 15kg, chiều cao khoảng 1 mét…
“Theo chế độ bán trú, các em được ăn buổi trưa. Nhưng đa số các trường bán trú trên địa bàn đều nuôi ăn, học theo kiểu nội trú. Các em học sinh được chăm sóc từ giấc ngủ, vệ sinh cá nhân, học hành…Theo chế độ học sinh bán trú, mỗi tháng các em chỉ được hỗ trợ 520 ngàn/em. Nhưng để phục vụ tốt nhất cho các em thì bao nhiêu chi phí nhà trường đều phải tự lo như: Y tế, vật dụng cá nhân, ăn, ở, vui chơi…Vì kinh phí còn hạn hẹp nên các thầy cô phải nuôi heo, trồng rau để cải thiện bữa ăn cho các em. Không chỉ vậy, vào các dịp tết thiếu nhi, trung thu…nhà trường đều tổ chức cho các em vui chơi, ăn uống. Tết nguyên đán cũng gói bánh cho các em mang về nhà ăn tết cùng gia đình…”, thầy Hinh cho biết thêm.
Theo chúng tôi quan sát, tại trường PTDT BT tiểu học và THCS Kon Pne, các em học sinh đều có dáng người gầy gò, mang trên mình là những bộ quần áo bạc màu, lổm chổm nhiều nếp vá…Em học sinh Y Thảo (học sinh lớp 4A) cho biết: “Ở nhà em toàn lên rẫy làm cùng bố mẹ…Giờ em được đến trường học cái chữ, được thầy cô nấu cho ăn. Đến trường lại quen được nhiều bạn mới nữa…Em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này trở thành cô giáo về lại trường dạy chữ cho các em thế hệ sau…”.
Cô giáo Đinh Thị Lắt (GV Chủ nhiệm lớp 4) bộc bạch: “Tôi vào đây đã gần 3 năm rồi. Đa số những em học lớp 1 đều chung dáng người gầy gò, hốc hác…nhìn thương lắm. Cũng do gia đình không có điều kiện chăm sóc nên các em bị bệnh thường xuyên. Ngày tựu trường phụ huynh dẫn các em đến khai giảng với bộ quần đùi, áo cộc, chân không dép, không sách vở…Để tạo điều kiện tốt nhất cho các em đi học, nhà trường phải vận động các thầy cô giáo để có tiền mua sách, vở, quần áo…Cũng chính hoàn cảnh các em học sinh như vậy đã níu chân những giáo viên trẻ như chúng tôi ở lại với xã xa nhất Gia Lai này.”
Mới 23 tuổi nhưng cô Nông Thị Thủy (GV lớp 2) đã theo tiếng gọi vào “ốc đảo” dạy học. Cô Thủy tâm sự:“Ở ngoài huyện các em học sinh được bố mẹ chăm sóc rất chu đáo…Nhưng các em ở đây chưa biết đến mùi sữa như thế nào. Cuộc sống chỉ gắn với cục cơm rẫy đùm lá chuối… thế sao mập được. Tuy khó khăn vậy nhưng các em không hề quậy phá mà rất chăm ngoan và ham học. Cứ mỗi lần về nhà là em lại ghé mua ít kẹo bánh đưa vào cho các em…”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Hải-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Kbang cho biết: “Đây cũng là thực trạng chung của các trường bán trú. Theo chế độ bán trú, mỗi em được hỗ trợ 520 ngàn/tháng. Các khoản chi phí sinh hoạt như: xà phòng, dầu gội, giấy vệ sinh, kem đánh răng…không có trong danh mục hỗ trợ nên các khoản này đều đề nặng lên vai các thầy cô ở các trường. Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện cũng thường xuyên kết nối với các đơn vị tài trợ, nhà hảo tâm để quyên góp ủng hộ nhằm giải quyết khó khăn. Nhà trường cũng đã huy động giáo viên, nhân viên nuôi heo, trồng rau xanh bán kiếm thêm tiền để dùng mua các nhu yếu phẩm phục vụ cho các em, phần còn lại là đưa vào bữa ăn…”.
Ông Hải cho biết thêm: “Trường Kon Pne tuy là trường khó khăn nhất, nhưng chỉ trong 2 năm đã đạt chuẩn Quốc gia, tỉ lệ học sinh bỏ học hầu như không có. Điều chúng tôi trăn trở nhất là điều kiện học tập và chế độ dinh dưỡng các em học sinh đồng bào còn khó khăn, do nguồn kinh phí giáo dục còn hạn hẹp. Mọi thứ đều phải nhờ các giáo viên vận động, quyên góp…”.
Mỗi sáng các em chia nhau gói mì tôm để đến trường
Trường Kon Pne nằm ở độ cao gần 1500m, quanh năm sương phủ trắng. Cộng thêm cái lạnh mỗi sáng như “thử lửa” các em học sinh trong hành trình đi tìm “cái chữ”. Trong ngăn đồ các em cũng chỉ có vài chiếc áo đã ngã màu ố vàng và đôi dép mà thầy cô đi xin cho.
Thầy Hinh cho biết. “Mỗi buổi sáng, các em đều chia nhau gói mì tôm ăn cho đỡ đói để đến lớp. Trưa về là canh rau rừng, lâu lâu thì có thêm ít thịt mà thầy cô tăng gia được. Tôi cũng muốn, trong chế độ ăn các em có thêm hộp sữa, cái bánh để đảm bảo chất dinh dưỡng cho các em. Nhưng nguồn kinh phí còn eo hẹp chỉ đủ chi tiêu ăn, ở và sách vở cho các em…Tôi rất mong muốn các nhà hảo tâm cùng san sẻ với nhà trường để giúp đỡ các em học sinh ở “ốc đảo” Kon Pne này…”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Trường PTDT BT tiểu học và THCS Kon Pne (xã Kon Pne, huyện Kbang, Gia Lai)Số điện thoại: Thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Hinh: 0989287857
Theo Dân Trí