Phật dạy: Cách tu để chuyển Nghiệp
Trong Kinh A Hàm Phật dạy: “Người gây nhân bất thiện, trước hoặc sau họ biết tu thân, tu giới, tu tâm thì quả sẽ đổi thay. Nếu người gây nhân bất thiện mà không biết tu thân, tu giới, tu tâm thì gây nhân nào sẽ thọ quả nấy. Đó là nhân nào quả nấy và gây nhân mà biết chuyển nghiệp thì quả cũng đổi thay”.
Từ lâu, chúng ta thường nghe nói gieo nhân nào thì chịu quả nấy, có nghĩa là ai tạo nhân gì thì phải thọ quả báo đúng như vậy, như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu.
Nhưng, nếu trước kia khi chưa biết tu ta đã lỡ gây nhân xấu ác, thì bây giờ chúng ta tu có được lợi ích gì, vì nhân nào quả nấy? Tu là để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, thành an vui hạnh phúc, nếu gây nhân nào phải chịu quả nấy thì tu làm sao hết khổ? Nếu chúng ta hiểu theo nghĩa đơn giản, thông thường thì sẽ thối Bồ-đề tâm, vì có tu cũng chẳng chuyển được quả xấu. Lý nhân quả của đạo Phật rất đa dạng và phức tạp, nhưng không cố định một chiều mà có thể thay đổi được, tùy theo khả năng tu của chúng ta.
1- Con người thường dạy cho thế nhân muôn vàn cách nắm giữ từ vật chất cho đến tinh thần. Chính vì vậy mà thế giới loài người ngày càng tham lam, thù hận và si mê giành giật giết hại chiếm đoạt lẫn nhau, lớn hiếp nhỏ mạnh hiếp yếu, không bao giờ có sự công bằng và bình đẳng.
2- Đạo Phật thì từ bi hỷ xả dạy cho con người biết cách buông xả mọi thứ chấp trước dính mắc trong cuộc đời mà vẫn làm việc phục vụ vì lợi ích chúng sinh.
3- Ai hay cầu khẩn van xin, ỷ lại dựa dẫm vào người khác chỉ tăng trưởng thêm lòng tham lam ích kỷ, dẫn đến lo lắng sợ hãi mà sống trong đau khổ lầm mê do không tin nhân quả
4- Giàu có nhiều của cải vật chất mà không biết giúp đỡ sẻ chia thì bị trói buộc bởi tiền bạc, tuy có nhiều tài sản nhưng trong lòng ta luôn bất an vì lo sợ mất mát.
5- Ai chấp vào cái đẹp thì tạo lắm lụy phiền cho thân bởi chấp trước cho rằng nó là thật, nên cố gắng tìm đủ mọi cách để gìn giữ, nhưng ai rồi cũng sẽ già bệnh xấu và tàn phai theo thời gian.
6- Nhân loại thường quý tiền tài coi trọng danh vọng, muốn nắm giữ quyền cao chức trọng được lâu dài mà làm đau khổ cho nhau.
7- Người tu Phật luôn giữ gìn tâm ý trong sạch, miệng nói lời chân thật và sẻ chia, thân hành động giúp người cứu vật mà sẵn sàng tha thứ và bao dung những lỗi lầm của người khác.
Thích Đạt Ma Phổ Giác