Nước mắt những người trẻ đêm đêm đi xin nhặt thai nhi về chôn cất vì câu nói ám ảnh “Thai dù lớn hay nhỏ đều mang về cho chó, lợn ăn” (P.1)
Ngày nào cũng vậy, cứ 21h đêm là nhóm bạn trẻ này lên đường đến các phòng khám tại tỉnh Bắc Ninh, bới rác để tìm các bào thai bị mẹ đẻ ruồng bỏ.
Ám ảnh câu nói: “Thai lớn hay nhỏ cô cũng đều mang về cho chó, lợn ăn”
Thu gom bào thai sau khi mẹ bầu nạo phá thai rồi mang về chôn cất là công việc thiện nguyện không phải ai cũng có thể làm được. Có người chỉ làm được một tuần, một tháng rồi bỏ cuộc vì ám ảnh không chịu nổi.
Thế nhưng một nhóm 10 bạn trẻ tại tỉnh Bắc Ninh đã cùng nhau làm công việc này trong suốt gần 5 năm qua. Trên hành trình đi tìm những bào thai xấu số về chôn cất ấy, nước mắt họ đã rơi xuống rất nhiều.
Minh Trí (Bắc Ninh) đến với công việc này sau một số lần đi nghe giảng pháp và tham gia khóa tu tại chùa. “Tôi thường nghe gia đình, bạn bè kể về việc thai nhi bị bỏ rơi ngoài cổng chùa, ngoài bãi rác. Các con dù lớn hay nhỏ cũng là một kiếp người. Bị bố mẹ ruồng bỏ đã quá tội nghiệp. Vậy mà đến khi nằm xuống cũng không có một nơi an nghỉ. Vì thế, tôi đã nguyện gắn bó với công việc không ai muốn làm này”, Minh Trí nói.
Ngày nào cũng vậy, sau khi kết thúc công việc tại gia đình là nhóm bạn trẻ lại lên đường. Họ đi không bỏ một ngày nào, dù ngày nắng hay mưa dầm gió bấc.
Vốn học và làm trong ngành y, Minh Trí đã nhờ bạn bè thân thiết làm việc tại các phòng khám giới thiệu giúp đến xin bào thai.
Cũng có không ít phòng khám không cho thai nhi với lý do sợ nhóm làm điều gì đó mờ ám. Hoặc có thể họ sợ bị lộ hoạt động của phòng khám. Theo đó, thai nhi sau khi được “trục xuất” ra khỏi cơ thể mẹ sẽ được gói vào túi, quẳng ra thùng rác hoặc tống xuống chiếc cống nào đó…
Anh bàng hoàng khi chính tai nghe thấy một người làm trong phòng khám nói: “Thai dù lớn hay nhỏ cô cũng đều mang về cho chó, lợn ăn”. Hoặc nếu không, bào thai sẽ bị cho vào túi rác, hoặc bị tống xuống dưới cống…
Chính những thảm cảnh thương tâm này đã khiến cả nhóm càng quyết tâm đi “ăn trộm” bào thai vào ban đêm để thu gom về chôn cất cho các bé một nơi yên nghỉ.
Có bé còn nguyên, có bé đã bị cắt nát…
Nhóm của Minh Trí đi xin bào thai đến khoảng 23h đêm, sau đó họ sẽ cùng nhau đi bới rác để tìm những thai nhi còn sót lại.
“Túi nào dính máu, túi đó chắc chắn có thai nhi nằm bên trong. 10 túi thì đến 8, 9 túi có thai. Phòng khám nào cẩn thận thì gói riêng từng bào thai. Nhưng cũng có không ít phòng khám để các bé nằm lẫn lộn với rác rưởi, bông băng gạc, thậm chí cả băng vệ sinh”, giọng Minh Trí nghẹn lại.
Mấy anh em trong nhóm bới không sót một thùng rác, mối chiếc túi bóng nào. Thương nhất là mở ra túi ra có bé đã được 8, 9 tháng tuổi vẫn còn nguyên dây rốn, cơ thể trắng bệch hoặc tím bầm.
Có những chiếc túi bóng chứa đến 20 em bé nằm bên trong. Có bé còn nguyên, có bé đã bị cắt nát. Đầu, mình mẩy, chân tay mỗi thứ một nơi…
Không biết bao nhiêu lần nước mắt của chàng trai này đã nhỏ xuống khi đi thu gom bào thai: “Những hình ảnh quá thương tâm đập vào mắt khiến mấy anh em vừa thương, vừa đau, vừa cảm thấy hận. Hận bố mẹ các bé sao nhẫn tâm ruồng bỏ con, để con đã không được lên làm người. Bố mẹ ở đâu? Có biết sau quyết định tàn nhẫn của bố mẹ, con phải nằm chung với rác rưởi, mình mẩy không còn nguyên vẹn thế này?”, Minh Trí đặt câu hỏi.
“Khùng à mà đi thu gom xác thai nhi rồi đem về nhà?”
Tất cả bào thai sau khi thu gom sẽ được tập kết tại chiếc tủ đông lạnh đặt tại nhà Minh Trí. Nhiều người nói anh và nhóm bạn bị “điên”, “khùng”, “dở hơi” vì đi gom bào thai chết rồi đem “thứ xúi quẩy”, “không sạch sẽ” về nhà mình.
Có người hỏi: “Đi làm thế này có được lương cao không?”. Cả nhóm chỉ cười trước câu hỏi đó. Có lần, Minh Trí đã đặt bàn tay lên ngực trái của mình rồi thẳng thắn trả lời: “Lương của chúng em cao lắm. Lương đó là lương tâm. Chúng em làm vì lương tâm của mình”.
Để tránh các bé phải nằm chung với rác rưởi, băng vệ sinh, không ít lần Minh Trí và các bạn đã phải “chầu chực” để xin bào thai vẫn còn ấm nóng. Tính trung bình, mỗi tháng, cả nhóm gom được khoảng 1000 bào thai.
Cứ nửa tháng, họ lại tiến hành chôn cất các bé một lần tại nghĩa trang hài nhi Đồi Cốc (Thanh Xuân, Sóc Sơn) một lần. Gần năm năm nay, họ đã chôn cất được hơn 50.000 thai nhi bị cha mẹ ruồng bỏ. Năm nào cũng vậy, ba tháng giáp Tết luôn là thời điểm “cao điểm”, số lượng thai nhi bị bỏ sẽ tăng lên gấp rưỡi.
Mấy ngày nay, nhóm của Minh Trí đón nhận cả các thai nhi của những cán bộ gửi gắm, nhờ cầu nguyện và chôn cất con cháu của họ. Cặm cụi, miệt mài đi tìm nơi yên nghỉ cho những sinh linh bé nhỏ, họ khóc cho một kiếp người không còn nguyên vẹn.
Các thai nhi sau khi thu gom sẽ được bảo quản trong tủ đông lạnh. Các tình nguyện viên sẽ phân loại, tắm rửa, mặc quần áo cho bào thai trước khi chôn cất. Đây là một công đoạn lấy đi nhiều nước mắt của những tình nguyện viên dũng cảm. Mời độc giả đón đọc kỳ tiếp theo.
Theo afamily