Nỗi đau 11 năm “sống không bằng chết” của cô giáo tiểu học bị kẻ xấu tạt a xít giữa đêm khuya
Bố mẹ nghèo lắm, Lương đã phải rời xa gia đình vào vùng đất tận cùng của Tổ quốc vừa học vừa làm thêm để nuôi ước mơ trở thành cô giáo từ thủa bé. Nỗ lực không ngừng đã giúp Lương đạt được ước mơ tuyệt đẹp khi cô tốt nghiệp một trường cao đẳng, trở thành cô giáo tiểu học. Nhưng niềm vui ấy kéo dài không lâu, giữa đêm tối Lương bị kẻ xấu tạt a xít vào mặt, đẩy cô phải đi trong giông tố của cuộc đời.
Đêm tối kinh hoàng
Giữa cái lạnh thấu da, gặp Lương ở vùng quê nghèo xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) với thân hình, khuôn mặt biến dạng khủng khiếp, tôi đã bị sốc, bị ám ảnh. Thực sự tôi không thể hình dung ra những nỗi đau đớn cả thể xác tinh thần mà Lương đã và đang trải qua dù tôi đã lướt kỹ lá thư của cô gửi cho Dân trí đến mấy lần.
Lương lập bập bước ra từ trong căn buồng tối om, nơi đứa con gái bé thơ kháu khỉnh của cô đang thin thít ngủ. Khuôn mặt Lương biến dạng đến ghê sợ. Từ khắp trán, đến khóe mắt, đôi má, mũi miệng đều chi chít sẹo. Nhiều vết sẹo loang lỗ, ghê sợ, phải can đảm lắm người đối diện mới có thể nhìn.
Phía dưới khuôn mặt tội nghiệp kia, cổ Lương cũng chi chít vết sẹo. Mỗi lần Lương cất lời, những vết sẹo loang lỗ lại làm lộ rõ những đường gân, trông cô thật xót xa, tội nghiệp.
Đau đớn hơn nữa, đôi mắt của Lương bị mù hẳn. Lương phải đeo kính đen để khuôn mặt vừa bớt sợ hơn và cũng là cách cô che những dòng nhựa ghen cứ chực chảy trên khuôn mặt biến dạng của mình.
Chưa kịp chuyện trò Lương đã sụt sùi khóc. Cô khóc như chưa bao giờ được khóc. Tủi hờn như chưa bao giờ được tủi hờn vậy. Bi kịch cuộc đời cướp đi tất cả những gì tốt đẹp nhất của Lương đã tròn 11 năm có lẻ, nhưng cô vẫn nhớ như in, rõ mồn một từng chi tiết.
Lương là chị cả trong một gia đình có 4 anh em. Bố mẹ Lương làm nông, nên cả gia đình nghèo khó. Học hết lớp 12 Lương phải vào Cà Mau để làm thuê phụ giúp bố mẹ ở quê. Dù phải lam lũ kiếm sống, nhưng Lương vẫn không từ bỏ ước mơ trở thành cô giáo từ thủa bé. Lương vừa làm thuê vừa tự ôn luyện. Nỗ lực không ngừng đã giúp Lương đạt được ước mơ tuyệt đẹp khi cô tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm Cà Mau, rồi trở thành cô giáo tiểu học.
Nhưng niềm vui ấy không kéo dài lâu với Lương.
Tháng 4/2016, khi Lương đang dạy học ở một trường tiểu học của huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau), giữa một đêm tối lúc cô đang nằm ngủ ở phòng trọ, bất ngờ cô bị kẻ xấu tạt cả ca a xít cực mạnh vào mặt. Vết thương, vết bỏng thấu đến xương tủy khiến Lương nhanh chóng gục ngã. Lương được đồng nghiệp, người thân đưa ngay tới bệnh viện nhưng hành vi mất nhân tính của kẻ ác thú đã cướp đi của cô tất cả. Đôi mắt không còn nhìn thấy, khuôn mặt biến dạng kinh hoàng, đến thầy cô, người thân mới gặp cô trước đó ít giờ đã không còn nhận ra.
Theo Lương cho biết, đã hơn 11 năm trôi qua, nhưng thủ phạm tấn công, hãm hại cô bằng a xít vẫn chưa được đưa ra ánh sáng công lí. Gia đình cô vẫn đang chờ đợi kết quả điều tra từ Công an huyện Phú Tân nói riêng và Công an tỉnh Cà Mau.
“Người ta bảo em hôn mê suốt cả tuần, tưởng không qua khỏi. Khi tỉnh dậy, em không hiểu chuyện gì xẩy ra. Em đau lắm, đau đến thấu xương tủy. Nhưng tuyệt vọng nhất của em lúc đó là em không còn nhìn thấy được gì, tất cả chỉ là bóng đen bao phủ. Khi biết được sự tình em đã cố chết đi mà không được. Số phận không cho em được chết mà bắt em phải sống đau đớn, tủi khổ như thế này đây”- Lương khóc ròng trong đau đớn thuật lại.
Nước mắt của Lương khiến bố mẹ già yếu ngồi cạnh cô thêm tủi hờn. Thương phận con gái hẩm hưu, khuôn mặt của bà Huệ, mẹ Lương cứ lăn dài hai hàng nước mắt. Tay ông Danh run run như muốn đánh rơi li nước cầm chưa kịp uống. “Khi nhận được tin con bị nạn vợ chồng tui nghe như tiếng sét đánh ngang tai. Rồi vào nhìn con nằm trong bệnh viện, nhìn khuôn mặt con tui không tin vào sự thật, té xuống sàn nhà, ngất xỉu các bác sĩ phải đỡ dậy. Phải cố bình tĩnh lắm tôi mới tin đó là sự thật”- ông Danh nhìn Lương nghẹn lòng kể.
Chuỗi ngày sau khi khi bị kẻ xấu hãm hại là chuỗi ngày Lương và bố mẹ cô trải qua chuỗi ngày khốn khổ ở các bệnh viện. Lương chấp nhận mình bị thương tật vĩnh viễn (tỷ lệ thương tật lên đến 81%), nhưng cô không chấp nhận mình bị mù lòa. Lương vẫn khát khao được nhìn thấy để cô vẫn nuôi hi vọng một ngày nào đó có thể trở lại với lớp học, lại được gần gũi với các em nhỏ thân thương. Đó là lí do cô và bố mẹ đã vay mượn đủ nơi để tới các bệnh viện chữa trị. Suốt từ năm 2006 đến năm 2012, bố mẹ Lương đã đưa cô chạy chữa hết Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện bỏng Quốc gia, đến Bệnh viện Việt Pháp… Nhưng 6 năm đằng đẵng ăn nằm bệnh viện, thế giới của Lương vẫn chỉ là bóng đêm bao phủ.
Quyết tâm cứu bằng được đôi mắt của con, ông Danh đã về quê bán luôn cả khu vườn nhà người cha quá cố để lại để đưa con sang tận Singapore chữa trị. “Tui đã đưa cháu qua đó đến 3 lần rồi, tốn kém gần 600 triệu đồng, nhưng đôi mắt con vẫn vậy, không thể nhìn được. Cháu nó chấp nhận mù hẳn mất rồi, không thể nào khác được. Cháu nó đau một thì vợ chồng tui đau trăm ngàn lần như thế”- ông Danh ứa nước mắt nói về hành trình vô vọng chạy chữa cho con.
Tôi ước có một việc làm để nuôi con
Ngày xa quê Lương là cô gái xinh đẹp, hiền dịu, nên giờ khuôn mặt biến dạng khủng khiếp, biết đôi mắt mù lòa không thể chạy chữa nên Lương bị ám ảnh, cô rất tự ti, không muốn gặp bất cứ ai. Cô thu mình trong phòng, bịt kín mặt mỗi khi ra ngoài. Cô nói với bố mẹ sẽ đi một nơi thật xa chứ không bao giờ trở về quê hương nữa.
“Em không dám trở về quê hương với thân hình như thế này. Em sợ những ánh mắt người đời nhìn vào em. Em sợ em sẽ làm khổ bố mẹ, người thân em em. Em sợ tất cả…” – Lương gạt nước mắt nói.
Suy nghĩ vậy, nhưng mỗi lần lấy tay sờ lên khuôn mặt hốc hác của người cha rời quê hương vào chăm sóc con, rồi trong bóng đêm sâu thẳm, nghĩ đến cảnh bố mẹ khánh kiệt phải nhịn ăn, vay từng đồng để lo cho cô chữa bệnh, Lương chợt nhận ra cô khổ, cô bất hạnh, nhưng bố mẹ cô còn khổ, còn tội nghiệp hơn rất nhiều. Nghĩ đến đó Lương không thể nào chợp mắt được, cô thấy thương bố mẹ mình nhiều hơn.
Vậy là từ cuối năm 2012, Lương chấp nhận trở về quê để bố mẹ tiện chăm sóc, cũng là cách bố mẹ, gia đình Lương đỡ tốn kém chi phí điều trị, chi phí đi lại chăm sóc em. Dù sống trong niềm yêu thương của bố mẹ, nhưng sống cảnh mù lòa, mặc cảm về tinh thần, gia đình lại nợ nần chồng chất khiến Lương nhiều lúc rơi vào bế tắc.
Mỗi lần vấp phải mấp mô trong nhà té ngã dẫn đến chấn thương, mỗi lần đôi mắt đau nhức không thể chịu được là cô lại nghĩ đến những chuyện dại dột. Thật may mỗi lần như thế bố mẹ, anh em đã kịp thời động viên. Dần dần Lương đã nghĩ lại, cô nghĩ phận làm con cô có trách nhiệm phải biết vượt lên số phận, biết vượt qua mặc cảm để bù đắp cho công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ.
Rồi Lương đi học chữ cho người mù. Sau bao nỗ lực Lương cũng đã có thể viết, thậm chí đứng lớp. Sợ mai này bố mẹ già yếu, các em có gia đình riêng, không ai đỡ đần lúc trái gió trở trời, cách đây hai năm Lương đã xin mang thai với một người thấu hiểu tình cảnh của cô để có đứa con nhờ cậy. Trộm vía, cuộc đời như muốn bù đắp cho Lương, dù mẹ thiếu sữa, phải vật lộn với thương tật nhưng con gái của cô rất xinh xắn, bụ bẫm, dễ thương.
Sinh được đứa con, cuộc đời của Lương như cây đang khô héo, sắp chết bỗng sống lại ra lá, đơm hoa. Nhưng chặng đường mà Lương đang bước đi thật sự tối tăm, mù mịt như đôi mắt của cô sau cái ngày bị kẻ xấu hãm hại. Khoản nợ hơn 300 triệu chạy chữa thương tật, cứu rỗi đôi mắt cô và bố mẹ ốm yếu chưa biết khi nào trả được. Nghĩ đến con gái mới 2 tuổi đầu còn thơ dại đã phải gánh nợ cùng mẹ, cùng ông bà, rồi một khi đau yếu, con gái không biết sống ra sao, Lương lại vỡ òa, ôm riết lấy con trong nỗi đau tuyệt vọng.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:Chị Phạm Thị Lương, trú xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. SĐT: 01686746889
Theo Dân trí