Lên vùng cao mùa lũ mới biết được cái ‘đau thương’ thực sự mà mỗi người dân nơi đây phải trải qua
Những giọt nước mắt của ông Trời rơi xuống, không hiểu ông đang khóc thương cho chúng sinh nơi nhân thế hay ông đang muốn dùng những giọt lệ cay đắng để trừng phạt con người.
Mấy ngày qua, tin bão lũ đau thương trải dài khắp cả nước. Bên cạnh câu chuyện xót xa kể về phóng viên trẻ Hữu Dư không may tử nạn vì dòng lũ lớn khi đi tác nghiệp tại Yên Bái thì những câu chuyện, những bức ảnh chân thực, những tài liệu quý giá kể về hành trình vượt lũ của người dân bản cao nơi đây cũng không kém phần chua xót.
Hồ Tân là một nhiếp ảnh gia trẻ, từng có cơ hội đi đến nhiều vùng miền của dải đất hình chữ S duyên dáng. Anh từng ngây ngất trước những bộ váy của những cô gái người Mông xinh đẹp nơi núi rừng Điện Biên, từng chao đảo trên cung đường độc đạo tới Tương Dương, Mường Xén; từng lạc hồn trong bạt ngàn núi đá cao nguyên Đồng Văn…Trạm Tấu là chuyến đi phượt gần đây nhất của Hồ Tân, nơi giúp anh hiểu hơn về giá trị của cuộc sống, cái chết và ý chí lạc quan của con người.
Tất cả những trải nghiệm đó đã được lưu giữ lại một cách sắc nét trong bộ ảnh “Trạm Tấu – Sự sống, cái chết, ý chí và con đường…”
Một vùng núi non xanh mơn mởn, từng ruộng lúa đang tuổi dậy thì xanh mướt, chỉ sau một đêm trở thành đống hoang tàn đổ nát. Những căn nhà sàn gỗ được xây dựng kiên cố, vững chãi trước thiên nhiên dữ dội đều biến thành hư không.
Bao phủ cả chùm ảnh là sắc nâu đục ngầu của dòng nước lũ, của sỏi đá trơ trọi và cái tình trầm mặc mà người nhiếp ảnh thổi hồn vào từng tác phẩm khiến người xem càng thêm lắng đọng và day dứt. Bằng cả tâm huyết và trăn trở, Hồ Tân hy vọng không chỉ riêng anh mà tất cả mọi người đều có thể xem và thấu hiểu những đau thương mà bà con nơi miền cao đang phải gánh chịu.
Trước thiên nhiên, con người là gì?
Không là gì cả! Tuy nhiên, nhờ có thiên tai kinh hoàng con người mới thật sự nhận ra mình kiên cường và tình người thật nồng đượm. Tất cả chúng ta đều không biết rằng mình rất mạnh mẽ cho tới khi bước qua những nỗi đau, tất cả chúng ta đều không thật sự hiểu hạnh phúc là gì cho tới khi trải qua mất mát và đau thương.
Tây Bắc, nơi những ngọn núi cao trùng trùng, những ruộng bậc thang lấp lánh sắc màu, những cánh đồng hoa bạt ngàn, những ánh mắt, nụ cười lưu luyến làm mê đắm trái tim bao người ghé đến. Đối với một người từng trải như Hồ Tân, vùng cao trong anh còn là giấc chiêm bao về cái nhìn mông lung của một đứa trẻ vào khoảng không vô định, tương lai và hạnh phúc mịt mờ, đói rét và thiếu thốn.
“Tôi đã nhiều lần đặt chân lên vùng Tây Bắc, chứng kiến cái rét căm căm ở đây mỗi độ đông về. Xót xa khi nhìn những đứa trẻ đầu trần, chân đất, mảnh áo mong manh đến nỗi môi thâm, da thịt tím tái đi vì lạnh. Tôi cũng đã chứng kiến cảnh đồng bào Mông ở Hà Giang đói trong ngày giáp hạt, mơ giấc mơ Mèn mén trong mỗi bếp than”. Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là tất cả, đến với Trạm Tấu lần này, ngay nơi rốn lũ, đã giúp Hồ Tân hiểu hơn về cuộc đời, thật sự hiểu được “khó khăn nơi vùng cao” là gì?
Chúng ta chia sẻ chung ngôn ngữ và định nghĩa, nhưng mỗi người sẽ hiểu và cảm nhận nó theo cung bậc cảm xúc khác nhau. Như Hồ Tân, mỗi lần đến với Tây Bắc, ý nghĩa của “đau thương vùng cao” trong anh lại thêm một tầng ý nghĩa.
Nơi ấy trong kí ức của Hồ Tân giờ đây không chỉ là cảnh sắc ngút ngàn trời mây hay những sắc màu lấp lánh của mùa nước đổ, một vùng trời sâu thẳm của đói rét và sầu thương, mà còn là nỗi đau tan hoang khi chứng kiến thiên nhiên phá nát tất cả, ý chí vươn lên và là tình người nồng ấm; nỗi niềm khắc khoải về nơi rốn lũ cứa vào từng màn mưa.
Cái giá của chuyến đi này với Hồ Tân là sự trưởng thành trong tâm hồn. Anh biết trân quý hơn những điều vụn vặt trong cuộc sống mà trước đây anh cho rằng không quan trọng; coi trọng giây phút gia đình sum họp, đoàn viên; buông bỏ hoài nghi về tình người và lòng tốt; thay vào đó là cái nhìn trân trọng, cảm thông và yêu thương đồng loại mình.
Chúng ta có khá nhiều lựa chọn để thay đổi cách cảm nhận cuộc sống này, có người chọn những trang sách đưa mình đến vùng trời tri thức mới, đến những tầng cao mới; hoặc cũng có người như Hồ Tân chọn chuyến đi để mở rộng tầm mắt đem yêu thương chân thành khắc cốt nơi cõi lòng mà không điều gì có thể thay đổi.
Mỗi chuyến đi khiến tất cả chúng ta, những con người bé nhỏ trở nên to lớn hơn, không phải ở thân thể này; mà là tâm hồn rộng hơn, trái tim bao dung hơn.
Những người trẻ, hãy chọn cho mình một cách sống, nơi bạn có thể trau dồi thêm kiến thức, thêm yêu thương và những hoài niệm. Hãy bước ra để biết cuộc đời ý nghĩa, biết khoan dung nhiều hơn và cũng để chính mình mạnh mẽ hơn. Cơn lũ kia có thể quét đi căn nhà của bạn, quét đi tất cả vật chất xung quanh, thậm chí… là cả người thân yêu của bạn, nhưng không thể “đánh cắp” bất cứ giá trị nào trong tâm hồn bạn; ngược lại nó còn giúp bạn trở nên kiên cường hơn.
Sau tất cả, Hồ Tân tâm sự anh vẫn muốn đi, “đi để trở về…”.
Nguồn ảnh: Facebook Nguyễn Hồ Tân