Nhà nghèo, nuôi vợ bạo bệnh vẫn chạy xe ôm miễn phí giúp người
Nhiều người xì xầm nói ông “gàn dở, lo chuyện bao đồng” nhưng ông đều để ngoài tai. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tháng nào cũng phải lo gần 30 triệu đồng để chữa bệnh cho vợ nhưng ông Trường vẫn tình nguyện chạy xe ôm miễn phí cho các bệnh nhân ung thư tại Khoa Nhi – Bệnh viện K Tân Triều.
Tiết kiệm, kiếm tiền để chữa bệnh cho vợ
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Xuân Trường (58 tuổi, quê ở xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) khi ông vừa chở xong một chuyến khách. Ngồi nghỉ ngơi và cũng để chờ đợi lượt khách mới ở trong khuôn viên Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội), ông Trường luôn nhận được những lời chào hỏi từ nhiều người xung quanh. Và cũng tại Bệnh viện này, hơn 2 năm qua ông thường xuyên lui tới chở miễn phí người nhà và các bệnh nhân khoa Nhi, Bệnh viện K. Trong câu chuyện, ông Trường kể, cách đây hơn 10 năm, do cuộc sống ở quê quá khó khăn, quanh năm làm ruộng mà vẫn không đủ ăn, nên ông quyết định khăn gói lên Hà Nội bươn chải kiếm tiền lo cho bốn đứa con đang tuổi ăn, học. Lên Hà Nội ông Trường làm đủ nghề để mưu sinh, ban đầu làm công nhân cho người quen, làm cửu vạn, rồi làm xe ôm.
Cuộc sống của ông những tưởng sẽ trôi đi bình yên, nhưng đến 2014, trong lúc đang chở khách thì các con ông báo tin dữ, vợ ông là bà Đào Thị Yến đột nhiên ngất xỉu và phải chuyển vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình cấp cứu. Tại đây, vợ ông được chẩn đoán bị bệnh tiểu cầu cao, các bác sỹ chỉ định phải thường xuyên nằm bán trú ở bệnh viện. Cách đây gần một năm, do bệnh tình chuyển biến xấu, vợ ông phải chuyển lên Viện Huyết học truyền máu Trung ương để điều trị. Cũng từ đó, ban ngày ông ngược xuôi khắp nơi lo kiến sống tối thì vào viện chăm sóc vợ ốm.
“Trước vợ nằm viện ở Thái Bình, tôi cũng phải thường xuyên đi về vì có ba cô con gái đều lấy chồng xa, đứa con trai út đang đi học cũng không có nhiều thời gian chăm mẹ. Để duy trì sự sống, vợ tôi phải lọc máu một tháng/lần, mỗi lần như vậy chi phí hết gần 30 triệu đồng. Số tiền vượt quá sức một người chạy xe ôm như tôi. Các con cũng không giúp được nhiều vì nhà đứa nào cũng hoàn cảnh”, ông Trường ngậm ngùi tâm sự. Theo ông Trường từ ngày vợ ông lâm bệnh trong nhà có bao nhiêu tài sản giá trị đều phải bán hết để góp tiền chữa bệnh cho vợ. Cũng từ ngày đó, lễ Tết đối với ông không còn nhiều ý nghĩa.
Ông Trường kể, ngày nào nhiều khách thì ông kiếm được khoảng 500.000 đồng. Để tiết kiệm ông nhịn ăn bữa sáng, đến bữa trưa và tối ông chọn những quán cơm bụi rẻ tiền nhất để ăn. Đêm về thì ngủ nhờ nhà người quen. “Từ ngày vợ ốm, tôi bỏ thuốc lá, rượu bia để tiết kiệm tiền cho bà ấy chữa bệnh. Có nhiều tháng kiếm không đủ tiền cho vợ lọc máu phải đi vay mượn thêm hàng xóm vì nhà không còn gì để bán”, ông Trường chia sẻ.
Chạy xe ôm miễn phí cho bệnh nhân ung thư
Hoàn cảnh khó khăn là vậy nhưng ông Trường vẫn tình nguyện chạy xe ôm miễn phí cho người nhà và bệnh nhân ưng thư đang điều trị tại Khoa Nhi – Bệnh viện K Tân Triều. Gần 3 năm qua, ông cũng không nhớ mình đã chở bao nhiêu chuyến xe miễn phí. Bất kể ngày hay đêm cứ có người gọi là ông lại sẵn sàng giúp đỡ. Có lúc ông chở họ đi mua thuốc, mua giúp đồ hay đơn giản là chở họ đi ngắm cảnh của Hà Nội.
Ông Trường nhớ lại, năm 2013, ông được một nhóm thiện nguyện nhờ chở đồ vào Khoa Nhi giúp đỡ các em nhỏ mắc bệnh ung thư. Tại đây, ông nghe người nhà bệnh nhân tâm sự về những khó khăn, về cảnh nghèo túng lại phải còng lưng lo tiền chữa bệnh hiểm nghèo cho con. Ngẫm từ hoàn cảnh của mình, ông Trường thấy thương vô cùng các em nhỏ đang phải gồng mình giành giật sự sống. Dù chẳng dư giả gì nhưng ông nghĩ mình phải làm gì đó giúp họ. Sau lần đó, số tiền ông kiếm được từ việc chạy xe ôm dù phải tích cóp để chữa bệnh cho vợ như ông vẫn trích ra một ít để mua hộp sữa hay cái bánh giúp đỡ các em nhỏ bị bệnh hiểm nghèo. Ông cũng để lại số điện thoại để ai có nhu cầu đi đâu thì ông chở. Theo ông Trường, thời gian đầu thấy ông tình nguyện chở xe ôm miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, nhiều người còn nghĩ ông lừa đảo vì trên đời làm gì có ai làm không công(?). Nhưng dần dần họ bắt đầu nhận ra việc ông làm xuất phát từ cái tâm nên họ rất cảm phục và quý mến ông.
Hơn hai năm chạy xe ôm miễn phí cho bệnh nhân ung thư, ông Trường có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. “Có một cô bé quê Yên Bái bị ung thư xương, thời gian cháu điều trị tại Hà Nội tôi chở đi nhiều nơi. Ngày sắp về quê, cô bé ao ước một lần được đi chơi vòng quanh Hà Nội, tôi đã dành cho cô bé một buổi sáng. Ngồi sau xe cô bé cứ tíu tít kể chuyện, rồi mong ước được đi học như các bạn nghe cháu nói mà tôi rơi nước mắt. Một thời gian ngắn sau đó, mẹ cô bé điện thông báo cháu mất rồi”. Trong câu chuyện với ông Trường, chúng tôi có đặt câu hỏi, mấy năm gần đây xe ôm công nghệ phát triển rầm rộ, thu nhập của ông có giảm đi không? Ông Trường cho biết, thực tế thì có giảm nhưng cũng không đáng kể vì ông có lượng khách quen nhiều. Cũng nhiều lần ông định đăng kí chạy xe ôm công nghệ nhưng cứ nghĩ như thế sẽ không có thời gian giúp đỡ các bệnh nhân ung thư nên ông lại thôi. Theo ông Trường điều làm ông vui mừng nhất khi làm công việc này là được vợ ủng hộ. Dù cùng chung cảnh bệnh tật và nghèo khó nhưng vợ ông chưa bao giờ trách móc chồng một lời. Thậm chí nhiều lần vợ ông còn lấy tiền của mình đưa cho ông mua quà cho bệnh nhân.