Nghẹn ngào với chuyện tình xúc động của cựu binh mù nhiễm chất độc da cam có hai người vợ là chị em ruột
Cuộc đời người cựu chiến binh mù trải qua những nỗi đau thời chiến đã trọn vẹn hơn khi có hai người phụ nữ hết mực thương yêu xuất hiện bên đời.
Gửi lại đôi mắt nơi chiến trường
Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chàng thanh niên 18 tuổi Trần Văn Thuận (nay đã ngoài 70 tuổi, trú tại xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) lên đường ra mặt trận. Ngày đi, ông đã có hôn ước cô gái cùng làng là bà Vũ Thị Rần.
Ba năm sau ngày nhập ngũ, ông Thuận vào đội trinh sát tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Trung. Năm 1971, trong một lần cùng đồng đội đi làm nhiệm vụ ở Đường 9 – Nam Lào (Quảng Trị), không may tổ trinh sát vấp phải mìn của giặc Mỹ. Mảnh mìn găm vào mặt và mắt nên các bác sĩ phải múc bỏ đôi mắt để cứu mạng ông. Tỉnh dậy, ông Thuận đã không nhìn thấy gì. Từ đây chàng trai 23 tuổi bắt đầu cuộc đời trong bóng tối.
“Cảm giác sống trong bóng tối thật đáng sợ, nhưng lúc đấy, tôi càng sợ cái cảnh phải đối diện với gia đình, người thân, và người yêu trong tình trạng mù lòa. Tôi muốn chạy trốn tất cả!”- ông Thuận kể lại.
Nghĩ mình sẽ không mang lại hạnh phúc cho bà Rần, ông nhờ đồng đội viết lá thư khuyên bà hãy đi lấy chồng và đừng chờ đợi ông. Ông cũng giấu kín địa chỉ của mình, không để bà biết.
Nhận được thư của chồng sắp cưới, bà Rần lần theo manh mối đi tìm ông ở các trung tâm an dưỡng. Lặn lội từ Nghệ An, đến Quảng Trị, cuối cùng bà gặp được ông ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Thanh Hóa. Mừng mừng tủi tủi, bà nhất quyết đòi theo ông đi bất cứ đâu dù đôi mắt ông không còn nhìn thấy gì.
Năm 1973, vợ chồng ông Thuận về quê tổ chức đám cưới trong sự chúc phúc của gia đình và bạn bè hai bên. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ một lần nữa được thử thách khi đứa con trai đầu lòng ra đời mang trong mình căn bệnh bạch tạng bẩm sinh, một năm sau thì mất.
Hai năm sau, con trai thứ hai Trần Văn Tộ ra đời cũng bị bệnh giống anh trai. Tộ có mái tóc vàng, mắt hí, lông lá phủ kín người. Tộ lớn rất nhanh, cao hơn 1m8. Chưa đến 30 tuổi đã trông như một ông già.
Dù biết mình đã bị nhiễm chất độc da cam ở chiến trường, ông Thuận và vợ vẫn muốn sinh thêm con. Hai đứa con tiếp theo lần lượt ra đời trong sự thấp thỏm của gia đình. Con trai thứ tư Trần Văn Tiện may mắn chào đời khỏe mạnh, không có biểu hiện bệnh như hai anh. Thế nhưng, cô con gái út tên Điệp lại bị ảnh hưởng bởi chất độc quái ác. Gần 30 tuổi, cô vẫn lơ ngơ như một đứa trẻ.
Cổ tích “tình chị duyên em”
Sóng gió vẫn không ngừng ập đến tổ ấm của vợ chồng ông Thuận, bà Rần. Năm 2003, bà Rần phát hiện mình mắc bệnh u não. Xót xa cho cảnh nhà nheo nhóc, bà nghĩ đến em gái út Vũ Thanh Xuân và quyết định “trao duyên”, nhờ em gánh vác việc nhà.
Lúc này, bà Xuân đang sinh sống ở tận Điện Biên. Cuộc đời bà cũng nhiều thăng trầm, tủi cực. Xa quê năm 18 tuổi, bà đi kinh tế mới ở vùng Tây Bắc, làm việc tại nông trường trồng mía rồi lấy chồng, sinh con. Trớ trêu thay, ít lâu sau, chồng bà qua đời để lại bà cùng con gái nhỏ sống cảnh côi cút.
“Em dọn về đây, thay chị chăm sóc anh và các cháu. Chị có chết cũng được nhắm mắt”, đó là lời trăn trối cuối cùng của bà Rần với em gái trước lúc ra đi. Thương gia đình anh chị mất đi người người ruột thịt, xót phận mình mẹ góa con côi, bà quyết định nối duyên với anh rể.
Ngày về từ Điện Biên, bà trở thành vợ của một cựu binh mù và mẹ của 3 đứa con bệnh tật cùng 4 sào ruộng và mấy luống rau. Thời gian thấm thoắt trôi, 14 năm qua, bà Xuân đã thay chị quán xuyến hết việc nhà.
Để kiếm thêm thu nhập, bà nhận thêm 7 sào ruộng nữa và quanh năm còng lưng ngoài đồng. Chịu thương chịu khó, bà còn đi làm thuê cho người dân trong vùng để có tiền lo cho chồng con. Cuộc sống từ đó dần ổn định. Gia đình êm ấm bên người vợ chu toàn mọi việc và con cháu đề huề đã khiến ông Thuận dường như trẻ khỏe hơn ở độ tuổi 70. Anh Tộ, anh Tiện đã có gia đình, cô út bớt chứng động kinh. Ông Thuận cũng hay phụ giúp bà Xuân làm việc nhà.
“Nhiều người nghĩ rằng tôi dại khi gánh vác một gia đình với nhiều điều bất hạnh, nhưng bản thân tôi chưa bao giờ oán trách chị mình khi đặt trách nhiệm to lớn ấy lên vai tôi. Tuy có nhiều khó khăn, nhưng tôi luôn cảm nhận được tình cảm gia đình ấm áp từ ông Thuận và các con. Các con gọi tôi là ‘dì’, nhưng đều yêu quý tôi như mẹ. Đấy là niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được.
Điều tôi hạnh phúc nhất là được nhìn thấy những đứa cháu lần lượt ra đời đều lành lặn, ngoan ngoãn và thông minh, học giỏi. Với tôi thế là mãn nguyện, hạnh phúc nhất rồi” – bà Xuân xúc động tâm sự với PV.
Theo Dân Trí