Kinh hoàng những vụ đào trộm tử thi làm “đám cưới ma”
Hủ tục tìm bạn đời cho người chết trẻ đến nay vẫn còn tồn tại ở Trung Quốc và hủ tục lạc hậu này vô tình giúp những kẻ đào trộm tử thi phát tài nhanh chóng. Thậm chí, có những gia đình còn sẵn sàng giao dịch với những kẻ giết người, đào trộm mộ để tìm được hôn phu hoặc hôn thê cho người con đã chết của mình.
Kết hôn với người chết còn được gọi là minh hôn, nghĩa là làm đám cưới cho người đã chết. Theo tục lệ của người Trung Hoa cổ xưa, những thanh niên trẻ sau khi đã đính hôn và chờ đến ngày cưới nhưng không may đột ngột qua đời thì phải giúp họ hoàn thành hôn lễ, nếu không hồn ma của họ sẽ làm loạn, khiến cho gia đình bất an. Bởi vậy, nhất định phải cử hành minh hôn cho họ, sau đó mới tiến hành mai táng, chôn cả người chết và “vợ” hoặc “chồng” vừa mới cưới cùng nhau.
Minh hôn xuất hiện từ những năm trước triều Hán. Một số sử sách ghi chép lại điển cố về Tào Xung, con của Tào Tháo chết năm 12 tuổi khiến ông day dứt vì chưa cưới được vợ cho con, vì thế nên muốn tìm một tiểu thư gia đình quyền quý đã chết để làm lễ cưới với Tào Xung. Một thời gian sau, nghe nói nhà họ Chân có con gái chết yểu, Tào Tháo liền đến nói chuyện.
Hai gia đình chọn ngày lành tháng tốt tổ chức “đám cưới ma” như thật, sau đó làm đám tang, chôn tiểu thư họ Chân cùng một chỗ với Tào Xung. Tuy nhiên phong tục này đã chính thức bị cấm vào năm 1949.
Theo Womansday, trên thực tế số lượng các chàng trai trẻ tử vong cao hơn so với phụ nữ, dẫn đến việc thiếu hụt các xác chết nữ cho các “đám cưới ma” ở các vùng nông thôn Trung Quốc, cũng từ đây mà nạn đào trộm tử thi để bán cho các gia đình cần “con dâu” ngày càng gia tăng. Hoạt động buôn bán thi thể có thể trở thành món mồi béo bở cho những tên tội phạm. Chúng sẵn sàng đào trộm khi nhiều gia đình trả hàng trăm nghìn nhân dân tệ cho một thi thể.
Theo báo cáo của Xinhua, tính từ năm 2013 đến nay, 27 thi thể nữ đã bị đánh cắp tại Hồng Đồng, tỉnh Sơn Tây. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều, khi một số người không dám báo cáo với chính quyền về trường hợp thi hài của người thân bỗng dưng biến mất.
Trong dịp Tết Thanh minh năm ngoái, Zhang Gainong, một cư dân địa phương, đã chi hơn 580 triệu đồng để mua thi thể một cô gái trẻ đem chôn cất cùng cậu con trai đã qua đời. Ông thường kiểm tra nơi chôn cất để đảm bảo không có sự xáo trộn nào và thi thể cô gái không bị đánh cắp lần nữa.
Trả lời trên The Mirror, Lin Xu, phó giám đốc cảnh sát Hồng Đồng, tỉnh Sơn Tây, cho biết có ít nhất 35 thi thể bị lấy trộm trong vòng 3 năm qua ở vùng này.
Năm 2014, bốn người đàn ông bị bắt vì bán hơn 10 thi thể với giá gần 880 triệu đồng. Năm 2011, một người đàn ông bị phát hiện giết vợ rồi cố gắng
Khi con người chết đi, quyền lợi và năng lực pháp luật dân sự tự nhiên cũng không còn, nên rõ ràng trong phong tục minh hôn, quan hệ dân sự không hề được xác lập và bảo hộ. Hơn nữa, tập tục cổ hủ này cần được dẹp bỏ ngay để ngăn chặn những kẻ lợi dụng mê tín giết người trục lợi.
Tuy vậy, theo Bộ luật Hình sự của Trung Quốc, tội ăn trộm tử thi chỉ bị xử phạt 3 năm tù giam, dường như chưa đủ sức răn đe, khiến hiện tượng này vẫn tiếp tục gia tăng. Từ năm 2012, các tòa án hình sự Trung Quốc đã xử lý hơn 40 vụ việc liên quan đến tục minh hôn, theo dữ liệu trực tuyến về phán quyết của tòa án.
Tháng 12 năm ngoái, tòa án ở Hồng Đồng từng khép tội hai người đàn ông vì “xúc phạm tử thi”. Theo tài liệu, Qiao Yuxi đã bán thi thể một phụ nữ cho một dân làng với giá 28,5 triệu đồng thông qua người môi giới tên Zhang Jianwei. Đổi lại, Zhang nhận mức hoa hồng gần 7 triệu đồng.
Để đối phó tạm thời với tình trạng này, nhiều gia đình người Trung Quốc đã tìm những cách khác nhau để giữ gìn thi thể người thân của mình, ví dụ như mai táng ở gần nhà hay thậm chí lắp đặt camera lên trên những ngôi mộ. Một số người dân còn canh mộ của người thân hàng tuần liền, xây mộ bằng bê tông, thậm chí xây mộ bên trong ngôi làng.
(Theo TTVH)