Khốn khổ vì nhẹ dạ tin theo những cách chữa bệnh “thần kỳ” trên mạng xã hội
Cách đây không lâu, người dùng mạng cũng “dậy sóng” vì một clip được lan truyền nói về cách chữa tai biến mạch máu não.
Người đăng tải clip mô tả khá chi tiết về phương pháp cũng như cách thức thực hiện. Theo đó, người bị tai biến phải kết hợp dùng mo cau để đốt và hun khói. Dù tai biến có bị liệt nửa người nhưng chỉ cần sử dụng “bài thuốc” này là hoàn toàn khỏi.
Không những thế, người này còn lấy dẫn chứng của chính bố mình đã 85 tuổi, bị tai biến và rất yếu, chân tay cứng lại nên cơ và xương cử động rất khó khăn. Sau đó nghe người ta mách về lấy cây lạc tiên trải ra rồi cho người bệnh nằm lên trên và đốt dưới bằng mo cau.
Chỉ sau ba lần mà người bệnh đã có thể đi lại, leo từng tầng 1 lên tầng 3 mà không cần sợ trợ giúp của ai. Câu chuyện sinh động có kèm clip này đã lấy được lòng tin của nhiều người đang cùng cảnh ngộ vì vậy nó cũng được lan tỏa với một tốc độ chóng mặt. Nhiều người phải thốt lên đây là phương pháp “có một không hai”.
Vội vã tin vào những phương pháp chữa bệnh chưa có sự kiểm chứng, nhiều người mang người nhà của mình ra làm “chuột bạch” và hậu quả khiến ai cũng phải đau đớn. Nói chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị N. khóc: “Tôi hay vào mạng và xem những clip chữa bệnh, theo như lời người chia sẻ thì nó rất hiệu quả. Bố đẻ tôi đang bị tai biến, còn nước còn tát nên tôi đã thử dùng mo cau để đốt và hun khói. Hậu quả người bố tôi đỏ ửng, chân tay còn đau buốt hơn. May mà cả nhà tôi phát hiện ra và bắt tôi dừng lại nếu không cả đời này tôi ân hận”.
Theo chuyên gia đông y Vũ Quốc Trung (Hội đông y Hà Nội) thì cây lạc tiên không có tác dụng chữa được tai biến mạch máu não và liệt nửa người, trong y học cũng không có bài thuốc như vậy. Người dân không nên tùy tiện tin vào những phương pháp truyền miệng trên mạng xã hội để tránh “tiền mất tật mang”.
Chị N. cũng chỉ là một trong rất nhiều trường hợp cả tin theo những tin đồn về chữa bệnh đang được lan truyền trên mạng xã hội với tâm lý “người ta chữa được tại sao mình không thử”.
Trước vấn đề này, trao đổi với PV, chuyên gia đông y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho rằng: “Người dân mình luôn mang một tâm lý có bệnh thì vái tứ phương, hoặc thấy gì hay thì làm theo.
Chính vì thế, không ít người đã đặt niềm tin quá vào các clip lan truyền trên mạng xã hội. Mà hơn hết, mạng xã hội hiện nay như vòi bạch tuộc, vươn đi khắp nơi với tốc độ lan truyền chóng mặt. Nếu như người dân không có sự kiểm soát kỹ lưỡng thì dễ rơi vào “bẫy” của mạng xã hội. Vì thế, khi người nhà có bệnh cần phải hết sức bình tình, tìm đến các cơ sở y tế hoặc các chuyên gia để được chẩn đoán”.
Theo dõi các thông tin đăng tải trên mạng xã hội thời gian gần đây, Ths.Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: “Mạng xã hội tuy ảo nhưng nó không hoàn toàn ảo, mỗi một thông tin đăng tải trên mạng đều có tác động đến cộng đồng. Vì vậy, hành vi đưa thông tin không đúng, bịa đặt cũng sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy vào tính chất, mức độ, mục đích và hậu quả gây ra”.
Ths. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, việc tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội mà chưa có kiểm chứng được quy định tại điều 20, điều 21 Hiến pháp năm 2013 và Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín được quy định tại điều 34, bộ Luật Dân sự năm 2015. Bên cạnh đó, hành vi đưa những thông tin trái pháp luật lên mạng internet còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 226 bộ Luật Hình sự năm 2009. Từ những phân tích trên, vị luật sư này khuyến cáo người dân không nên vội vàng tin vào những nội dung trên mạng xã hội.
Theo Người Đưa Tin