Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến kể lại chuyện nam sinh tự tử
Sáng 12.4, ông Lê Trọng Tín, Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến (TP.HCM) đã chia sẻ thêm thông tin về chuyện nam sinh của trường tự tử vào ngày 10.4 vừa qua.
Ông Tín cho biết sự việc diễn ra vào khoảng 5 giờ 15 phút sáng 10.4 tại cơ sở 3A (T15 Mai Lão Bạng, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM). Lúc này, học sinh của cơ sở 3A đang chào cờ. Ngoài chào cờ, trường còn tổ chức trao giải cho học sinh đoạt giải cuộc thi robot cấp thành phố vừa qua (4 HCB, 1 HCĐ). Đột nhiên, các thầy giáo nội trú phát hiện em T.T.C (lớp 10E3) đứng trên mái tôn lầu 4. Các thầy giáo đến khuyên nhủ C. vào trong nhưng em không nghe lời. Sau đó, hai bạn thân của C. lên trên để khuyên nhủ thì C. xích vào trong được một khoảng. Khi mọi người tưởng C. đã từ bỏ ý định tự tử thì đột nhiên em đột ngột cười lên rồi khóc, sau đó chạy băng ra phía ngoài gieo mình xuống dưới.
Khi C. đang ở trên mái tôn, các thầy cô trong trường đã lấy các tấm nệm dùng để tập thể dục trải phía dưới sân trường. Tuy nhiên, vì C. chạy băng ra phía trước nên bị đụng vào cành cây cao, làm đổi hướng, khiến mọi sự chuẩn bị thành vô nghĩa. Thầy cô nhanh chóng đưa C. đến bệnh viện nhưng em không qua khỏi.
Theo ông Tín, C. có để lại 2 bức thư gửi lại cho ba mẹ và cho lớp. Theo đó, C. cho biết em quá áp lực vì không đáp ứng được mong mỏi và kỳ vọng của gia đình với mình.
Theo các bạn cùng lớp kể lại, trước đó C. có biểu hiện lạ là hay hỏi các bạn ở trong trường có nơi nào cao nhất! Các thầy cô quản nhiệm chưa nắm bắt được tâm lý của em thì đã xảy ra sự việc đau lòng.
Ngay sau sự việc xảy ra, khoảng 13 giờ 30, gia đình em C. đã xuống trường, phối hợp với cơ quan công an để hoàn tất những công việc cần thiết. Đến khoảng 17 giờ 30 ngày 12.4, gia đình và nhà trường đã đưa em về quê nhà để làm lễ và chôn cất.
Theo ông Tín, C. có điểm trung bình là 8,9 với điểm các môn cũng rất cao: Tin học (10.0), toán (7,7), lý (9,5), hóa (8,4), ngữ văn (7,5), tiếng Anh (7,9)…
Ông Tín cũng thừa nhận rằng nhà trường có trách nhiệm trong chuyện này. Mỗi lớp của trường có một giáo viên quản nhiệm theo các em từ sáng tới chiều. Về đến khu nội trú sẽ có giáo viên quản nhiệm khác chăm sóc, nắm bắt cuộc sống, tâm lý của học sinh. Tuy nhiên, trường chưa làm đến nơi đến chốn việc nắm bắt tâm lý của các em, chăm sóc chưa toàn diện nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc. Đa phần học sinh thích nghi với việc học khá nhiều và kỷ luật của nhà trường. Nhưng trong đó sẽ có những em không thích nghi được, cần có sự động viên, hỗ trợ. Đây là một bài học lớn và trường sẽ phải có thay đổi, có nhiều cách để chú ý nhiều hơn đến tính nết, tâm lý từng học sinh. Đặc biệt, với những em yếu, không ổn về tâm lý thì phải kịp thời động viên.
Được biết, anh của C. từng học tại Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, có sức học rất giỏi và đang là sinh viên của Trường ĐH Y dược TP.HCM.
Theo Thanh Niên