Hôm qua 11/4, con vừa khóc vừa cười tự tử trong trường: ” Xin bố, mẹ đừng bức tử con”

Năm nào cũng có học sinh nhảy lầu tự tử, điều đó cho thấy thực trạng đáng báo động về áp lực học tập vẫn luôn là một “quả bom nổ chậm” đặt bên cạnh học sinh, nổ lúc nào không hay.

Hôm qua (10/4/2018), em H.T.C (16 tuổi) đã lên mái tôn lầu 4 (của dãy phòng học của trường THPT Nguyễn khuyến) để nhảy lầu tự tử dù cho trước đó bạn bè và thầy cô đã ra sức khuyên can cậu bạn này. Theo kết quả điều tra vụ việc từ phía cơ quan công an, trước khi tự tử, C. đã để lại thư tuyệt mệnh với nội dung đề cập đến lý do chọn con đường tử. Cụ thể là bởi áp lực trong học tập, điểm số và sức ép từ gia đình muốn C. có điểm số tốt hơn để được học lớp đứng đầu khối 10.

Khi hay tin này dù chẳng phải người thân của em nhưng sao lòng em cũng một bồ nặng trĩu đau thương các mẹ ạ. Có nhiều điều để nói về bi kịch học đường này:

Cơ sở 3A của Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến

Thứ nhất:

Khi phóng viên phỏng vấn những nhân chứng có mặt tại hiện trường, các em học sinh đã kể lại những tình tiết đầy sức ám ảnh. Theo đó, khi lên đến tầng 4 và bước ra mái, dù bạn bè chỉ đứng cách khoảng 3m và dùng rất nhiều lời khuyên can nhưng C. vẫn nhất quyết đi xuống. Trước lúc đột ngột lui lại và chạy một mạch lao mình xuống sân trường, C. chỉ làm một hành động đáp trả duy nhất là nhoẻn cười rồi lại khóc.

Thật sự em không dám mường tượng trong đầu mình hình ảnh buông xuôi trong bế tắc tột cùng của em ấy. Nghĩ đến chỉ thấy những giọt nước mắt trực trào. Đa phần người ta chỉ dùng tiếng cười để bộc lộ niềm hạnh phúc chực trào từ bên trong và khóc là để tuôn trào những đau khổ trong tâm hồn. Khi tấn bi kịch của cuộc đời được chuyển tải bằng trạng thái bất phân khóc cười nghĩa là lúc con người ta đã bị dồn đến thế cùng tận. Một cậu bé chỉ đang tuổi trăng tròn 15 – 16 đẹp đẽ nhất đời người đã phải “vừa cười vừa khóc” để lột tả sự tận cùng của bế tắc thì các mẹ đã phần nào hình dung được những áp lực vô hình khủng khiếp đến thế nào rồi! Chính bởi hình ảnh đầy ám ảnh là vậy nên khi biết được nội dung của lá thư tuyệt mệnh em để lại, khó có thể nào không khỏi xót xa!!!

Thứ hai

Khi con nói bố mẹ muốn con đạt được thành tích cao hơn để được vào lớp đầu khối 10 thì điều đó có nghĩa sức học con cũng không phải tệ. Ở một ngôi trường mà tỷ lệ đậu đại học 99% thì học sinh ở đây đủ hiểu trình độ ra sao. Vậy cớ sao cứ phải là thứ hạng cao nhất mà không phải là một lựa chọn vừa sức con??? Cớ sao cứ phải là điểm 9, 10… mới được coi là giỏi còn điểm 5, 4… thì bị bố mẹ xem như đồ vô tích sự?

Bất kỳ cha mẹ nào cũng có thể kỳ vọng vào con cái. Tuy nhiên, khi kỳ vọng thái quá, cha mẹ đã vô tình tạo áp lực tới trẻ. Thực tế cho thấy, trong môi trường giáo dục hiện đại với khối kiến thức được cập nhật liên tục, học sinh ở tuổi vị thành niên rất dễ mắc bệnh trầm cảm, tâm thần, thậm chí bế tắc mà chọn cách tự tử khi không đạt kết quả như mong muốn. Đáng nói kết quả đó còn trĩu nặng cả những áp lực mang tên kỳ vọng gia đình nhất là trong những kỳ thi quan trọng.

Trường hợp của cậu bé H.T.C thì theo như em được biết, bố mẹ con hiện đang sống tại thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk nên có lẽ lý do này đã vô tình đẩy con vào ngõ cụt khi những bế tắc xuất hiện mà không biết sẻ chia cùng ai. Đành rằng vì khoảng cách địa lý nên đã cha mẹ không thể tới thăm con mỗi tuần nhưng để con phải vật vã một mình với những áp lực lớn từ việc học như thế một phần cũng là trách nhiệm của chính bậc sinh thành. Nếu cha mẹ không quá quan tâm đến điểm số của kỳ thi mà can thiệp vào việc lựa chọn của con, để con tự quyết định thi môn gì, học trường nào… thì phải chăng những vụ việc đau lòng này đã không xảy ra? Nếu trẻ thất bại thì có thể khuyên nhủ cho đến khi con hiểu ra và tiếp tục học để đạt mục tiêu, ước mơ của mình. Áp lực tốt nhất dành cho con là bản thân tự đặt áp lực cho chính mình để quyết tâm vươn lên và đạt mục đích chứ không phải áp lực do chính người khác đặt ra, đó vô tình trở thành tội ác.

Dù thế nào đi chăng nữa thì “Nhà trường cũng chỉ là nơi để ươm mầm tài năng”

Việc nam sinh nhảy lầu tử tự ở trên đã khiến dư luận chĩa nhiều mũi nhọn về phía nhà trường. Dù được đánh giá là chất lượng giáo dục tốt song Trường THPT Nguyễn Khuyến còn có các biệt danh khác là trường có “kỷ luật sắt”, “nhà tù”… Trường tuyển sinh khá khắt khe và khi được nhận vào trường, học sinh cũng như phụ huynh buộc phải ký cam kết tuân thủ tuyệt đối mọi quy định của trường. Với những học sinh vi phạm kỷ luật, tùy từng mức độ, học sinh sẽ bị đứng ở cuối lớp để học và chép bài, bị chuyển sang lớp khác trong một khoảng thời gian…

Em cũng có đứa em họ đã từng được cậu mợ gửi vào ngôi trường này học. Theo như lời em ấy kể thì để đạt được những thành tích học tập tốt như nhà trường đưa ra, các con phải học ngày học đêm. Đặc biệt sức ép càng tăng cao khi đến những kỳ thi tuyển. Tối các con học đến 22h mới đi ngủ, sau đó 2-3h sáng đã phải thực dậy học tiếp. Và cứ thế một ngày dài học tập kéo dài như vô tận, vắt kiệt sức của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi ngủ. Cháu em từ một đứa da dẻ trắng trẻo, nõn nà, sau khi được gửi vào trường học tầm 3 tháng là mặt nó bị mụn nổi lên nhìn như cơm cháy. Thậm chí con còn bị thiếu ngủ tới mức mỗi lần về thăm nhà là ngồi đâu nó cũng ngủ gật các mẹ ạ.

Nói về lịch học hàng ngày, N.T.B.N, học sinh lớp 12 của trường cho biết: “Thường mỗi ngày em dậy từ 5h30, vệ sinh cá nhân xong thì đến trường ăn sáng. Đúng 6h30 chuông reng vào lớp. Buổi sáng học đến 11h30 rồi học sinh được nghỉ ăn trưa. 13h30 vào học buổi chiều, đến 16h30 nghỉ ngơi và ăn chiều; 18h tụi em tiếp tục giờ học buổi tối, 22h ra về. Học suốt như vậy từ thứ hai đến thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật cũng phải học từ 9h sáng đến 16h30, chỉ được nghỉ buổi tối mà thôi”.

Em cho biết thêm, cứ 3 tuần, học sinh khối 12 mới được nghỉ trọn vẹn 1 ngày chủ nhật.

Một học sinh khác (xin giấu tên) học nội trú trong trường chia sẻ: “Học lớp 12 ở trường Nguyễn Khuyến, mà tụi em vẫn hay gọi vui là Nguyễn Khuyến Prison, rất khổ. Tụi em bị áp lực học rất lớn, thỉnh thoảng bị táo bón vì căng thẳng. Nhiều bạn em tăng độ cận, bị tróc hết da, môi chảy máu vì học nhiều quá quên uống nước… Đỉnh điểm vào mùa thi, ai không học xong bài thì khỏi nghỉ, ngồi đó mà học. Ai kiểm tra bị điểm kém thì ngồi trong lớp chữa bài trong khi các bạn đi ăn trưa và đi ngủ”.

Đặc biệt, học sinh khối 12 Trường tư thục Nguyễn Khuyến còn hầu như không được nghỉ trong những dịp lễ tết như Tết Dương lịch, nghỉ lễ 30/4 hoặc nếu có chỉ được nghỉ nửa buổi sáng.

Dù biết rằng với những áp lực học dày đặc như thế, tuy nhiên cần phải hiểu đúng rằng quan niệm “Nhà trường là nơi ươm mầm những tài năng” sẽ đúng hơn là “Nhà trường là nơi xây dựng nhân cách”. Nhân cách con trẻ phụ thuộc phần lớn ở cách giáo dục của gia đình, của xã hội, trong đó, nhà trường cũng là một phần của xã hội, có người tốt, người xấu. Cho nên, không có sự phó thác hoàn toàn hoặc đỗ lỗi cho nhà trường khi con gặp những áp lực dẫn đến tự tử như trường hợp trên. Sự giáo dục một đứa trẻ luôn cần có sự phối hợp mật thiết giữa phụ huynh và nhà trường sẽ trở nên tốt đẹp hơn. (Trích dẫn fb: T.L.N.D)

Cha mẹ đã ở đâu khi con đang gặp những vấn đề khủng hoảng tâm lý như vậy?

Vụ việc nam sinh nhảy lầu tự tử ở trường có nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía, cha mẹ học sinh và nhà trường. Thứ nhất, bản thân cha mẹ cần chủ động trao đổi với giáo viên chủ nhiệm về những biểu hiện bất thường của con cái, để cùng nhau đưa ra phương hướng giải quyết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ lệ cha mẹ thực hiện sự chủ động này còn ít.

Thứ hai, nhiều giáo viên thường chỉ dừng ở mức thông báo kết quả học tập, kết quả rèn luyện đạo đức của học sinh, vì thế khi giáo viên mời phụ huynh tới trường trao đổi tức là khi học sinh đã mắc lỗi. Như vậy, sự phối hợp với phụ huynh học sinh là giải quyết hậu quả, chứ ít mang tính chất dự phòng. Một điểm không kém phần quan trọng là trong nhiều trường hợp, giáo viên cho rằng phụ huynh học sinh khi được mời tới trường để bàn phương hướng giải quyết nhưng không tới trường vì không quan tâm, hoặc phối hợp muộn nên không kịp giải quyết vấn đề. Nhiều gia đình vì quá chú trọng tới việc làm ăn kinh tế mà không có thời gian cho con cái, hoặc quá ỷ lại vào nhà trường trong việc giáo dục nhân cách con cái, nên nguy cơ con cái không được kịp thời bảo vệ và định hướng sẽ cao hơn.

Bất kỳ cha mẹ nào cũng có thể kỳ vọng vào con cái. Tuy nhiên, khi kỳ vọng thái quá, cha mẹ đã vô tình tạo áp lực tới trẻ. Hy vọng qua trường hợp nam sinh nhảy lầu tự tử ở trên sẽ là hồi chuông cảnh báo cho tất cả những bậc cha mẹ đang cố gắng biến con mình thành một “cỗ máy biết nói”.

Theo WTT