Hà Nội : Bệnh nhân ‘xóm chạy thận’ thức trắng đêm vì nắng nóng
Vì thời tiết quá nóng, phòng trọ thì chật chội nên những người bệnh tại xóm chạy thận cho biết cả đêm họ không tài nào ngủ được.
PV báo Người Tin tìm đến xóm chạy thận (ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đúng vào những ngày miền Bắc đón đợt nắng nóng với nền nhiệt lên đến 39-40 độ C, mới hơn 10h sáng mà Hà Nội nắng nóng như đổ lửa. Xóm chạy thận có khoảng hơn 50 căn phòng trọ với diện tích chưa đến 10m2/ phòng, được lợp bằng tấm fibro xi măng khiến sự oi bức như tăng thêm. Có mặt tại đây, mới thấu hiểu được hết những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày mà họ đang gặp phải. Hầu hết bệnh nhân ở đây đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Cứ 3 ngày chạy lọc máu một lần, một tháng chạy 13 lần, thiếu lần nào thì sức khỏe suy kiệt.
Bà Nguyễn Thị Sự (66 tuổi, quê ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) tay liên tục phe phẩy chiếc quạt nan cho biết: “Năm 1975 tôi bị viêm cầu thận có chữa khỏi hẳn rồi, cho đến năm 2005 lúc bấy giờ da dẻ tự nhiên rất xấu. Đi khám chẩn đoán nhiều bệnh, nhưng cuối cùng kết luận lại là suy thận. Từ đó tôi thường xuyên phải vào viện mỗi tháng 1 vài lần. Và đến năm 2009 tôi đem hẳn đồ về xóm chạy thận để ở, sinh hoạt cùng hơn 100 bệnh nhân chạy thận khác”.
Kể từ khi biết mình phải sống chung với căn bệnh này cả đời cô Nguyễn Thị Sự cũng suy nghĩ nhiều, sa sút về tinh thần, sức khỏe. Cân nặng của cô cũng sụt giảm nhanh chóng từ 44 kg đến nay cô chỉ còn có 37kg.
“Hiện nay trung bình một tuần tôi phải đi chạy thận 3 buổi ở khoa thận nhân tạo bệnh viện Bạch Mai. Tôi có mỗi một mụn con nên để con đi làm lo tiền thuốc thang, ăn uống cho tôi chẳng có ai chăm sóc cả”, cô Sự chia sẻ thêm.
Ban đầu cô Sự thuê trọ ở ngoài, nhưng sau đi chạy thận nhiều, quen những người cùng cảnh ngộ, họ giới thiệu cho cô và cô đã tìm về đây để thuê phòng, ở ghép cùng một bệnh nhân nữ nữa.
Với bệnh nhân mắc phải căn bệnh suy thận thì đây không khác gì “mang án tử”. Tồn tại đã hơn 20 năm, “xóm chạy thận” chứng kiến nhiều lớp người đến và đi, già có, trẻ có. Ai đến đây “nhập khẩu” là không hẹn ngày về vì chẳng biết mình sẽ bị “thần chết” gọi tên lúc nào.
Trong căn phòng trọ cấp 4 chỉ đủ kê được hai chiếc giường đơn, cô Sự cho biết thêm: “ Mấy hôm nay trời nắng nóng quá tôi chẳng thiết tha ăn uống gì, cả đêm qua cũng chẳng tài nào chợp mắt được, vì phòng bé lại bí nên tôi và người bạn cùng phòng ra ngoài cổng ngồi đến quá nửa đêm”.
Tiền thuê phòng trọ ở đây có giá 1 triệu 200 nghìn đồng một tháng, còn tiền điện thì lên đến gần 5 nghìn đồng/ số, nên những người bệnh ở đây phải tiết kiệm điện đến mức tối đa. Nắng nóng họ tranh thủ ra gốc cây ngồi quạt tay.
Tiếp lời cô Sử, bà Dương Thị Hoài (Vụ Bản, Nam Định) cho biết, bà cũng đã chạy thận được 9 năm nay. Căn phòng trọ nhỏ là nơi sinh hoạt của cả hai vợ chồng bà.
“9 năm nay tôi chạy thận được chồng lên chăm sóc, thế nhưng trớ trêu thay khi lên đây ông cũng lại phát hiện mắc bệnh ung thư đại tràng. Hai con người già cả nương tựa nhau mà sống qua ngày”, bà Hoài cho biết.
Ở Hà Nội, chi phí sinh hoạt cái gì cũng đắt đỏ nên vợ chồng bà Hoài ăn uống rất tiết kiệm.
Bà Hoài chia sẻ thêm: “Tôi và ông cũng có tuổi rồi, nên chẳng ăn bao nhiêu, nhưng hàng ngày vẫn phải nấu cơm cố ăn để có sức mà chống trọi với bệnh tật, đôi khi nghĩ cũng nản lắm nhưng đành phải chấp nhận”.
Nói thêm về cuộc sống sinh hoạt của vợ chồng bà trong những ngày nắng nóng, bà Hoài chỉ biết than: “Phòng tôi kê hai giường, hai ông bà ở phòng bí và nóng lắm, tối không thể nào mà ngủ được. Cả phòng có hai cái quạt thì một cái đã bị hỏng, nên tối tôi nhường cho chồng ngủ, tôi ra ngoài hiên ngồi cho mát”.
Không chỉ có cô Sự, bà Hoài mà nhiều người bệnh sinh sống tại xóm chạy thận cũng cho hay, mấy ngày nay họ không thể chợp mắt vì oi nóng.
“Chúng tôi cũng muốn dọn ra chỗ thoáng hơn nhưng điều kiện kinh tế không cho phép. Ở nơi ẩm thấp thế này chúng tôi thường đùa nhau rằng “người khỏe còn ốm huống chi người bệnh” nhưng biết làm sao…”, chị Nguyễn Thị Hà cũng sinh sống tại xóm chạy thận chia sẻ thêm.
“Hơn 8 năm qua khó khăn thế nào tôi cũng vẫn cố được huống chi là nắng nóng. Thôi thì cố hết năm thứ 9 xem có qua khỏi được không”, câu nói của bà Hoài khiến những người trong xóm ngậm ngùi.