Đức Thế Tôn chỉ dạy cách để có một giấc ngủ an lạc

Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại rừng Sìta. Lúc bấy giờ, cư sĩ Anàthapindika (Cấp Cô Độc) đến Ràjagaha để làm một vài công việc, muốn yết kiến Thế Tôn.

Rồi cư sĩ suy nghĩ: Nay chưa phải thời, ngày mai mới phải thời để yết kiến Thế Tôn. Với ý nghĩ như vậy, Anàthapindika nằm ngủ. Trong đêm ấy, ông thức dậy ba lần, tưởng rằng trời đã sáng.

Rồi cư sĩ Anàthapindika đi đến rừng Sìta. Lúc bấy giờ, Thế Tôn thức dậy khi đêm vừa mãn và đang đi kinh hành ngoài trời.

Thế Tôn thấy Anàthapindika từ xa đi đến liền nói với cư sĩ:

Hãy đến đây, Sudatta!

Cư sĩ Anàthapindika cúi đầu đảnh lễ và bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, Ngài ngủ có an lạc chăng?

Thế Tôn trả lời:

Bà la môn tịch tịnh

Luôn sống trong an lạc

Không đèo bòng dục vọng

Thanh lương, không sinh y

Mọi tham ái đoạn diệt

Tịch tịnh, sống an lạc

Tâm tư đạt hòa bình.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 10, phần Sudatta [lược], VNCPHVN ấn hành, 1993)

Ảnh internet

Ứng dụng đời sống:

Hằng ngày, chúng ta sống trong bao nỗi lo toan phiền muộn, mưu sinh giữa đời thường. Nếu nói như Đức Thế Tôn, liệu những người quanh năm suốt tháng luôn trong tình trạng “trăm râu đổ đầu tôm” làm sao có thể ngủ an lạc?

Đức Thế Tôn xưa kia đứng đầu môn đạo lớn mạnh với hàng nghìn tu sĩ, số cư sĩ, tín đồ theo đạo lại nhiều gấp hàng nghìn lần số tu sĩ đó và không ngừng lớn mạnh. Vậy Đức Thế Tôn có phải người “trăm công nghìn việc”?

Thế nhưng, Ngài luôn luôn thư thái, an lạc mọi lúc mọi nơi. Vậy thì, chúng ta cũng có thể đạt được một giấc ngủ đầy an lạc khi làm theo lời Ngài chỉ dạy.

Trong khi bạn làm việc, bạn nên nhất tâm làm từng việc cho xong chứ không nên vừa làm việc này lại nghĩ đến việc khác làm cho tâm trí bị chi phối. Giống như việc bạn cầm cả bó đũa mà bẻ thì sẽ vô cùng khó khăn so với việc bẻ từng chiếc một. Đó chính là một trong những điều cần thiết để cuộc sống của bạn trở nên an lạc.

Cũng vậy, khi khép lại công việc một ngày, nếu bạn còn bị những suy nghĩ về công việc của ngày nay chưa xong, lại mong ước ngày mai mình sẽ đạt được những điều gì thì bộ não của bạn vẫn luôn hoạt động mặc cho đôi mắt đang cố nhắm. Như vậy là bạn chưa cho cơ thể mình được ngủ nghỉ thực sự rồi.

Vậy cho nên, trước khi ngủ, bạn hãy nhất tâm niệm Phật, gác lại mọi công việc, ưu phiền, lo toan, tĩnh tâm đi vào giấc ngủ thanh tịnh. Đó chính là tịch tịnh.

Kính chúc bạn luôn ngủ ngon và sâu giấc để cuộc sống an lạc, thanh bình; công việc luôn hiệu quả!