Cuộc sống tăm tối đến cùng cực của một gia đình mù, bữa cơm chỉ có nồi canh rau muống độn mì tôm
Nhà 5 thành viên thì có đến 3 người không nhìn thấy ánh sáng. Cuộc sống bấp bênh khiến họ chỉ mong được bữa cơm trắng cho đỡ đói lòng chứ không dám nghĩ đến ngày mai.
Căn nhà cấp 4 cũ kỹ tại thôn La Hà Đông, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) là nơi trú ngụ của vợ chồng ông Mai Hạng (74 tuổi) và bà Trần Thị Tưởng (72 tuổi). Ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, ông bà vẫn chưa có lấy một ngày thảnh thơi khi cảnh khó khăn cùng cực vẫn luôn dai dẳng đeo bám.
Vợ chồng ông bà có 8 người con. Ngày trẻ, ông Hạnh đi thanh niên xung phong, một mình vợ ở nhà nuôi con và lo việc đồng áng. Sau giải phóng, ông Hạnh về nhà phụ giúp vợ làm ba sào ruộng và đi phụ hồ để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Đi làm chưa được một năm thì mắt ông yếu dần, đến năm 33 tuổi thì bị mù. Cảnh bi đát bao trùm lấy gia đình có đến 10 miệng ăn.
Chồng mù lòa, gánh nặng gia đình đè nặng lên vai bà Tưởng. Vừa lo chạy ăn từng bữa, bà phải lo thuốc thang cho chồng. Bất hạnh vẫn không chịu buông tha gia đình bà khi hai trong số tám người con phải sống cảnh mù lòa. Sáu người con còn lại vì quá khó khăn nên cũng không giúp được gì cho cha mẹ.
Bà Tưởng kể lại, từ lúc mới sinh, đôi mắt anh Mai Văn Quý (49 tuổi) đã nhìn không rõ. Nhà không có tiền nên cũng không có điều kiện đưa con đi khám ở các cơ sở y tế. Năm 12 tuổi, trong lúc cưỡi trâu, không may anh bị ngã và bị sừng trâu đâm vào mắt. Tai nạn khiến đôi mắt của anh ngày càng yếu hơn. Ba năm sau, anh không còn nhìn thấy ánh sáng. Mắt trái bị hoại tử, các bác sĩ phải khoét bỏ con mắt này của anh.
Chung nỗi thống khổ như anh trai, chị Mai Thị Cúc (43 tuổi) không nhìn rõ từ ngày còn bé. Đến năm 14 tuổi, chị lâm vào cảnh mù lòa.
Hiện tại, căn nhà có 5 thành viên (những người khác đã sống riêng) thì có đến 3 người mù. Ngoài bà Tưởng, thành viên sáng mắt còn lại trong gia đình là chị Mai Thị Lan (38 tuổi). Là người khỏe mạnh nhất trong nhà, chị Lan hàng ngày vẫn chăm chỉ làm công việc đan mây để kiếm tiền nuôi con nhỏ, lo cho bố mẹ già và hai anh chị khiếm thị.
Một mình chị Lan làm lụng không đủ tiền trang trải cuộc sống, bà Tưởng dù tuổi cao sức yếu vẫn nhận đan nón thuê để kiếm thêm thu nhập lo cho chồng con. Mỗi chiếc nón bà nhận được 10 ngàn đồng tiền công. Số tiền ít ỏi bà dùng để mua mắm, muối để các thành viên ăn với cơm sống qua ngày.
Ông Trần Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Quảng Văn cho biết gia đình bà Tưởng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Địa phương luôn ưu tiên giúp đỡ gia đình bà trong các dịp lễ tết hay các đợt phát quà của mạnh thường quân, theo Lao Động.
Theo Phụ nữ sức khỏe