Cuộc sống mưu sinh lầm lũi của hai ông cháu giữa đêm vào những ngày cuối năm Sài Gòn: “Cho con xin cơm”
Mưa gió và lạnh, ông cháu vẫn lên đường… Trời đã vào đêm, mưa lất phất. Một mình ông đẩy chiếc xe với nhiều đồ vật lỉnh kỉnh. Ông đi không vững với những bước chân nặng nề và xiêu vẹo. Vậy mà…
Trời đã vào đêm, mưa lất phất. Một mình ông đẩy chiếc xe với nhiều đồ vật lỉnh kỉnh. Ông đi không vững với những bước chân nặng nề và xiêu vẹo. Vậy mà ông vẫn lầm lũi trong đêm…
Cuộc mưu sinh trong đêm
Tối 25/12, trời Sài Gòn trở lạnh do ảnh hưởng bão 16 Tembin. Từ trong con hẻm nhỏ trên đường Tân Mỹ (phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM), một người đàn ông đứng tuổi, gương mặt rắn rỏi, đẩy một chiếc xe đẩy tay ra đường. Trên xe là một bé gái ăn, đầu đội mũ vải đang ngước nhìn cảnh vật chung quanh.
Ông tiếp tục đẩy đến một tiệm hủ tiếu và dừng lại… Không lâu sau đó, một thanh niên mang đến treo vào xe ông hai ly nước mía. Tiếp sau đó, một thanh niên khác mang một túi lớn cũng treo lên xe. Ông tiếp tục lên đường.
Thì ra, túi lớn được mang ra cho ông trong đó có bịch bánh hủ tiếu và một bịch nước lèo. Những người bán hàng cho biết, ông là khách hàng quen thuộc từ nhiều năm nay nhưng lại là khách hàng miễn phí. Mỗi lần ông ngang qua đều được tiệm biếu phần ăn.
Ông là Nguyễn Hữu Phước, 58 tuổi. Ông Phước bị tai biến, nửa người bên phải bị yếu hẳn nên ông gặp khá nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ông thuê nhà trên đường Nguyễn Thị Thập (quận 7). Ngày nào cũng vậy, cứ khi trời tối, ông và cháu ngoại, tên Lucie, lao vào cuộc mưu sinh đến tận 1 giờ sáng.
Ông Phước rẽ vào đường số 9, dừng lại trước một tiệm sửa quần áo. Người phụ nữ trong tiệm thấy ông, vội vàng mang ra một bịch vỏ lon nước ngọt và nhiều thùng giấy. Tất cả được xếp gọn, cho vào bao tải ông mang sau xe. “Ông uống nước không?”, người phụ nữ hỏi và mang tiếp cho ông 2 lon nước ngọt.
Lucie đứng dậy, bước xuống xe đi nhanh về phía có căn nhà cao tầng. Nhà chỉ hé cửa, bé đứng trước cửa nhìn vào trong rồi nói: “Cho con xin cơm”. Trong nhà vẫn im, dường như không có ai. Ông Phước giãi bày với chúng tôi: ‘Ngôi nhà đó thường cho cơm nên mỗi lần ngang qua là nó ghé vào”.
Chiếc xe xuyên đêm, xuyên qua nhiều con đường nhỏ. Ông dừng lại trước những căn nhà có lẽ là quá quen thuộc. Có người mang đồ ra cho, có người nói: “Hôm nay không có gì cho ông hết, ông à”. Ông cám ơn và đi tiếp. 21 giờ, đứa cháu ngoại gục đầu trên gối. Nó buồn ngủ, đôi mắt nó nhắm nghiền và chiếc xe vẫn đi.
Đã nhiều năm nay, bà con ở khu vực phường Tân Phú, Tân Mỹ (quận 7) đã quen thuộc với hai ông cháu này. Nhà nào có đồ ve chai cũng để dành lại cho ông.
Sau 10 tháng hôn mê, tỉnh dậy có thêm đứa cháu ngoại
Chúng tôi đến nhà ông. Căn nhà thuê với giá 3 triệu đồng/tháng đủ cho một gia đình tá túc. Bé Lucie đang nghịch ngợm, chạy nhảy khắp nhà.
Lucie là tên thánh của cô bé. Tên theo khai sinh là Nguyễn Ngọc Quỳnh Nguyên. “Cháu được 5 tuổi, đồng nghĩa với 5 năm vợ chồng chúng tôi mang nhiều tủi hận”, ông giãi bày.
Ông chia sẻ thêm: “Tôi là người Việt Nam nhưng sinh ra và lớn lên trên đất Campuchia. Tôi thông thạo 3 thứ tiếng Anh, Pháp và Campuchia. Tôi đã làm công việc thông ngôn và phiên dịch cho các công ty trên xứ chùa tháp. Riêng với Tiếng Việt, tôi tự học qua các sách báo.
Khoảng giữa thập niên 1990, tôi về Việt Nam lấy vợ sinh con. Làm ăn gặp thuận lơi, chúng tôi nhanh chóng có nhà và khá nhiều tài sản. Đến năm đứa con gái tôi lên 15 tuổi, tôi bất ngờ bị tai biến. Tôi được đưa vào điều trị tại bệnh viện trong suốt 5 tháng trời trong trạng thái sống đời sống thực vật.
Vợ tôi đã phải bán căn nhà đang ở để có tiền tiếp tục chạy chữa nhưng cuối cùng bác sĩ khuyên nên đưa về nhà. Nhưng đâu còn nhà để về? Vợ tôi phải thuê nhà và tôi vẫn trong tình trạng mê man chưa tỉnh”.
“Sau 5 tháng nằm nhà, một hôm tôi tỉnh lại. Chúng tôi trở thành vô sản sau 10 tháng tôi hôn mê. Nhưng điều quan trọng nhất là con gái của tôi bây giờ đã mang thai. Bụng cháu đã lớn nhưng vẫn không biết tác giả là ai. Theo lời cháu thuật lại, cháu bị một người lạ mặt vào nhà cưỡng hiếp trong lúc mẹ đang nuôi cha trong bệnh viện.
Chỉ vài tháng sau, Lucie chào đời. Cháu càng dễ thương càng xinh đẹp thì mối hận của chúng tôi đối với cha cháu càng nặng nề hơn. Có lẽ do mặc cảm, mẹ Lucie bỏ nhà đi tìm việc ở phương xa. Thỉnh thoảng vẫn tìm về thăm cha mẹ và con.
Chúng tôi nuôi Lucie đến nay đã được 5 năm. Cháu được cho vào học lớp mẫu giáo. Cháu biết chơi đàn piano và trò chuyện với ông ngoại bằng tiếng Anh”, ông Phước tiếp tục câu chuyện.
Hiện tại sức khỏe không tốt nên hàng ngày ông Phước đi gom ve chai từ các gia đình hảo tâm. Bé Lucie không chịu ở nhà với bà, cứ theo ông rong ruổi suốt mấy năm nay.
“Vợ tôi buổi sang đi bán vé số đồng thời cũng thu gom thêm phế liệu. Chúng tôi phải làm như thế mới đủ tiền trả tiền thuê nhà và nuôi Lucie lớn khôn”, người đàn ông chia sẻ thêm.
Theo Vietnamnet