Cha mẹ mất, ba đứa trẻ vật lộn trong căn nhà dột nát giữa Sài Gòn
Nhà nằm trên khu đất rộng, vách được dựng tạm bằng những vật liệu cũ kỹ, mục nát. Mái tôn rất thấp, chỉ cách đầu người chừng hơn 20cm, nền đất ẩm ướt. Vậy mà nơi đây đã từng cưu mang một gia đình với nhiều bất hạnh.
Căn nhà dột nát và những mảnh đời bất hạnh
Căn nhà ấy hiện nay là nơi cư trú của 3 đứa trẻ. Nhà không số, nằm sát cơ sở 2 của trường THCS Trần Quang Khải, đường Nguyễn Thế Truyện (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM).
Bên trong căn nhà, ngoài 2 chiếc giường ngủ ọp ẹp, không có vật dụng nào đáng giá. Phía bên phải là bàn thờ, trên đó có đi ảnh của đôi vợ chồng còn trẻ. Khác với cảnh hỗn độn trong nhà, bàn thờ sạch sẽ, có hoa tươi và trái cây.
Căn nhà nay là nơi trú ngụ của 3 đứa trẻ. Bé Thanh Thảo (16 tuổi) nhìn về bàn thờ cho biết: “Đó là mẹ và ba con. Hiện, 3 chị em con mồ côi cả cha lẫn mẹ”.
Thảo kể, năm 2000, mẹ em là chị Nguyễn Thị Sen từ Quảng Nam vào TP.HCM tìm kế sinh nhai. Chị gặp và kết hôn với anh Nguyên Phú Quí, lần lượt sinh 3 đứa con. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhất là không có nơi cư trú. Địa phương đã giúp họ che tạm túp lều trên mảnh đất trống để có nơi trú ngụ.
Do quá lao lực với nghề đạp xích lô nên đến năm 2005, anh Quí bị lao phổi và qua đời. Một mình chị Sen phải tất tả ngược xuôi tìm mọi cách để nuôi 3 đứa con, trong đó đứa nhỏ nhất vừa được 8 tháng tuổi. Hàng ngày, chị giúp việc ở các gia đình hoặc phụ việc ở quán ăn.
Nhiều năm sau đó, các con chị lớn lên, đứa vào trường đứa đi mẫu giáo. Căn nhà càng lúc càng xuống cấp. Mỗi lần trời mưa, trong nhà lênh láng nước. Nước từ mái dột xuống, nước từ ngoài tràn vào. Cứ thế, chị và các cháu vẫn phải sống, vẫn phải vượt qua những gian nan khổ ải.
Cũng may cho chị, lúc này con gái lớn – Thanh Thúy – con của chị với người chồng trước, được nhận vào làm công nhân cho một công ty in ấn. Thúy đã cùng mẹ lo cho các em.
Thương con, chị cố gắng vượt qua tất cả. Nhưng càng làm chị càng thấy yếu sức, đến một hôm chị không thể làm nổi vì lồng ngực quá đau. Chị đi khám và cuối cùng phát hiện ra mình mắc ung thư vú thời kỳ cuối.
Như đoán trước được hậu quả xấu từ căn bệnh của mình, chị lần lượt gửi cháu Thanh Thảo và Phú Trung xuất gia tu học tại chùa Bửu Sơn (Triệu Phong, Quảng Trị). Riêng Thanh Tuyền được gửi vào một ngôi chùa ở Đồng Xoài, Bình Phước.
Cuộc gặp mặt cuối cùng
Ngồi trước mặt chúng tôi là Thanh Thảo (16 tuổi) và Thanh Tuyền (13 tuổi). Thảo nói: “Sau khi mẹ mất, chúng con không trở về chùa”. Mái tóc của Tuyền đã dài còn Thảo vẫn che mái tóc bằng chiếc mũ của áo khoác.
Thảo kể tiếp: “Vào chùa, chúng con được học giáo lý nhà Phật và học cả văn hóa. Tại chùa, chúng con được nuôi ăn nên mẹ đỡ vất vả rất nhiều.
Mỗi năm, chúng con được cho về thăm mẹ một lần. Lần đầu về, sức khỏe của mẹ kém lắm. Mẹ không còn đi làm và hàng ngày nhiều phật tử thiện nguyện cùng bà con xung quanh đã đến thăm và làm vệ sinh cho mẹ.
Bệnh của mẹ cứ thế nặng dần. Tháng 6/2017, chúng con về thăm mẹ lần thứ 2. Lần này mẹ mừng lắm. Có đủ các con bệnh cạnh, mẹ như phấn chấn hẳn lên. Được một tuần, bệnh mẹ trở nặng. Chúng con đứng quanh mẹ. Mẹ nhìn chúng con rồi thở mạnh rồi lịm dần… “.
Cô bé kể tiếp: “Mẹ mất, chúng con chính thức là trẻ mồ côi. Đám tang của mẹ được chính quyền địa phương và bà con lối xóm lo chu đáo.
Kể từ ngày mẹ mất, chúng con phải tự lo cho bản thân mình. Con và Tuyền được tiếp tục học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Tân Phú. Em trai con thì làm việc cho một quán nhậu, thường thức khuya nên về nhà ngủ muộn.
Chị con bây giờ làm việc cho một siêu thị. Chị cũng phải lo cho 3 đứa em nên cũng khá vất vả. Niềm mong muốn của chúng con trong lúc này là được làm CMND và có được chỗ ở tốt hơn để có điều kiện lo chuyện hương khói cho ba mẹ”.
“Hoàn cảnh của 3 đứa trẻ mồ côi thật đáng thương. Thế nhưng các cháu không có một mảnh giấy nào xác định nhân thân vì khi còn sống cha mẹ các cháu không nghĩ đến nên rất khó trong việc cấp CMND.
Điều quan trọng nhất là nơi chốn trú ngụ. Mảnh đất để dựng căn nhà mà 3 cháu đang ở là đất công chắc chắn sẽ bị thu hồi. Giải pháp hay nhất trong lúc này là gửi các cháu vào trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi nhưng liệu các cháu có chấp nhận không?”, một cán bộ phường Tân Sơn Nhì – xin giấu tên – cho chúng tôi biết.
Theo Vietnamnet