Bí ẩn ngôi đền ngàn tuổi và chiếc ấn thiêng bị đánh cắp
Nằm không xa thủ đô, ngôi đền vốn được tiếng linh thiêng, trụ trì cũng là một người có tấm lòng bao dung nên được du khách thủ đô hay tiếng.
Nhưng chúng tôi bị thu hút, không chỉ từ những lời đồn thiêng từ ngôi đền, mà bởi những điều ẩn chứa tại đây đến nay vẫn còn là một sự thách thức đầy bí ẩn, khiến người chứng kiến không khỏi day dứt…
Di tích đền Mẫu Âu Cơ (thuộc xã Hùng Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) mang vẻ tịch mịch nằm trọn trong vùng “ốc đảo” với ba bề là cánh đồng, phía còn lại giáp với sông Hồng. Cách đó không xa là ngôi chùa cổ trầm mặc, tôn nghiêm họp thành một khu di tích hoang sơ, cổ kính.
Ấn tượng cổ của ngôi đền còn được bao bọc bởi những tích truyện tựa như huyền thoại ghi trong thần phả, qua lời kể của trụ trì – đại đức Thích Minh Thông: “Vào mùa xuân năm 982, Vua Lê Đại Hành ngược sông Nhị Hà đánh đuổi quân Tống đến cửa đền Hoàng Xá Trang, bỗng trời đất, sông nước cuồn cuộn, sục sôi.
Thấy sự lạ, vua bèn truyền quân lên bờ vào đền nghỉ tạm. Đêm nằm, vua mộng thấy một người phụ nữ mặc đồ đỏ trang nhã, xinh đẹp đã báo mộng rằng sẽ cho sứ giả xuống giúp vua đánh giặc.
Sáng sớm hôm sau, bỗng nhiên trên không xuất hiện 7 sắc cầu vồng và những điểm sáng rơi xuống mặt đất.
Từ đâu xuất hiện 24 người nông dân áo vải, quần nâu, đòn càn lưỡi hái tiến đến xin vua cho đi dẹp giặc.
Đang cơn bĩ cực, vua liền nhận lời 24 người dân nọ và mùa xuân năm ấy, Vua Lê Đại Hành đã dẹp được quân thù. Khi cho tìm 24 người nọ để phong thần, báo ơn thì mới hay tin 24 vị đó chính là hóa thân của sứ giả mà người con gái trong giấc mơ đã báo trước.
Để tưởng nhớ công ơn của vị nữ thần, ngày 10 tháng 3 năm 983 (năm Quý Mùi), Vua Lê Đại Hành đã hạ chiếu sắc phong cho người con gái ấy là Mẫu tổ Âu Cơ, được thờ tại đền, còn 24 vị sứ giả được phong tước Nhị thập tứ tướng quận công và ngôi đền cũng từ đó có tên là đền thờ Quốc mẫu và Nhị thập tứ tướng quận công”.
Dứt câu chuyện, trụ trì Thích Minh Thông dẫn chúng tôi đến hồi trái của ngôi đền, nơi duy nhất trong vùng còn dấu tích của nhị thập tứ tướng quận công. Hai ngôi vị được xây chắc chắn, song thời gian đã phủ lên nó một lớp rêu phong chứa đựng bao huyền tích.
Theo sư Thông, sau khi 24 vị tráng sĩ thăng thiên, dân làng ai nấy đều cảm phục, biết ơn họ bèn lập đàn, dựng tích thờ tại những nơi ghi dấu ấn của họ tại các làng Thượng (nơi diễn ra cuộc chiến với quân giặc), làng Trung (nơi các tráng sĩ xuất hiện), làng Hạ (nơi hóa). Tuy nhiên, đến nay chỉ còn làng Trung (thôn Hoằng Xá) còn giữ được dấu tích thờ nhị thập tứ tướng quận công…
Chỉ ngăn cách bởi đê tả sông Hồng, chùa Hoằng Xá và đền thờ Mẫu nằm trọn không gian rộng chừng 2ha, nhưng những câu chuyện xoay quanh hai di tích cổ khiến chúng tôi dù tận dụng hết thời gian để hỏi, chứ chưa kịp để được lý giải cặn kẽ – cũng đã hết một ngày.
Từ chuyện cây gạo trước cửa đền Mẫu bị chặt làm điên đảo gia đình của vị nguyên là cán bộ địa phương, mà theo lời phán của nhiều thầy số, ông này đã phạm phải lời nguyền chưa được giải, nay cây gạo bị phá bỏ, lời nguyền đó đã ứng vào gia chủ và vận tới 3 đời sau… cho đến sự “ám ma” vào cây xạ hương, cây thị… qua lời kể của trụ trì chùa và người dân khiến ai cũng phải khiếp sợ mà tránh xa.
Theo cô Phạm Thị Khánh – một người công quả trong chùa – cho biết, trước cửa chùa vốn có cây xạ hương quế rất quý, nhưng những năm 64 – 65 của thế kỷ trước đã bị một số cán bộ chặt và chia nhau về dùng. Chỉ ít lâu sau, những người sử dụng số gỗ đó lần lượt qua đời một cách bí ẩn.
“Năm 1982, huyện chỉ đạo đắp đê sông Hồng ngăn lũ và định chặt hạ cây thị trước cổng chùa vì nó nằm giữa vùng quy hoạch, tuy nhiên, người dân trong làng, nhất là hậu duệ của vị cán bộ xã năm xưa đã kiên quyết ngăn cản nên sau đó, một đoạn đê được nắn lệch khỏi cây. Đến nay, gia đình vị cán bộ đã trút được lời nguyền” – đại đức Thích Minh Thông kể lại.
Tuy nhiên, tâm điểm câu chuyện qua lời kể của vị trụ trì, đó là một hiện thực song lại nhuốm đầy tích lạ khi ông nói về chiếc ấn cổ phát tích được trong đền Mẫu. Theo lời đại đức, cuối năm 2009, nhà chùa đón một đoàn khách lạ, trong đó có một cụ ông râu tóc bạc phơ, vẻ quắc thước.
Sau khi thăm vòng quanh khu di tích, ông tỏ vẻ tiếc nuối, khi ngôi đền thiêng vậy mà lại để khung cảnh hoang vắng, điêu tàn… Nói rồi ông chỉ thẳng tay về phía đầu hồi đền Mẫu, nơi có chiếc giếng bị phủ kín đất, gạch.
“Ông cụ vừa dứt lời, chưa ai kịp định thần thì cụ đã đi mất tự lúc nào. Nhà chùa lấy làm lạ, nhưng cũng không chú tâm nhiều” – đại đức cho hay.
Bẵng một thời gian, đến đầu năm 2010, trụ trì cho người khai quật cái giếng. Thật lạ, khi gạt lớp đất đá phía trên mặt giếng, cả một vùng rộng phía dưới đáy giếng lại rỗng và cũng không đọng nước. Thấy vậy, các sư cùng người dân bèn bày lễ, thắp hương thờ cúng, rồi cử người xuống đáy giếng tìm kiếm, thì thấy chiếc ấn có gốc tích từ thời Vua Lê Đại Hành.
Ấn làm bằng đồng, kích thước rộng 10x10cm, bên trên có một con nghê trụ chân đứng trên hòn ngọc và nạm chìm bốn từ “bách bảo bình an”. Tết âm lịch năm 2010, nhà chùa cho khai ấn lần đầu tiên.
Tuy nhiên, cho đến nay, cả người trụ trì cũng như một số nhà nghiên cứu văn hóa cũng chưa thể lý giải nguồn gốc của chiếc ấn cho đến khi bị kẻ xấu trộm mất.
Theo Lao động