Có một ông Phật bằng xương bằng thịt nuôi 71 trẻ bị ‘vứt bỏ’!
Các em đều có hoàn cảnh rất đáng thương: đứa ở bãi rác, đứa lọt lòng đã bị cha mẹ từ chối…Thật may mắn, 71 sinh linh bé bỏng ấy đã được một vị bồ tát độ thế, chăm sóc các em theo từng ngày. Các em đùm bọc, che chở cho nhau để lắp những mảnh ghép còn thiếu của số phận…
Người được nhắc đến như một vị bồ tát tái thế ấy chính là ông Đinh Minh Nhật, trú tại thôn 1, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
Năm 2008, một hôm có việc vào một bản Jarai, thấy dân làng đang chuẩn bị chôn một bé gái mới được 2 ngày tuổi theo người mẹ đã chết, bởi phong tục của làng quy định như vậy, ông Nhật đã chạy đến, giằng lấy cháu bé. Bị mọi người vây lại, ông vừa ôm cháu bé trong lòng, che chở cho cháu, vừa lên tiếng can ngăn, thuyết phục mọi người. Rất may là cuối cùng, ông cũng được dân làng đồng ý cho đưa cháu bé về nuôi, sau khi chấp nhận nộp cho làng một con lợn to và mấy vò rượu, để làng “tạ lỗi với Giàng” .
Đến nay, cháu Đinh Hồng Phúc (tên do ông Nhật đặt) đã 9 tuổi, đang học lớp 3 trường xã. Nhưng không chỉ vậy, từ năm 2008 đến nay, người đàn ông 56 tuổi, không vợ không con đó còn đón thêm 70 cháu bé nữa về nuôi, là 71 cháu.
Trong số 71 cháu bé đó, đứa thì bị bỏ ngoài bãi rác, đứa bị vứt bên đường… Rất nhiều cháu mắc những căn bệnh hiểm nghèo, như bị tim bẩm sinh. Có cháu còn không có cả hậu môn. Khi phát hiện, ông Nhật phải cấp tốc đưa cháu xuống bệnh viện để phẫu thuật…
Với nhiều gia đình, thì việc chăm một vài đứa trẻ đã “bở hơi tai”. Đằng này là 71 đứa trẻ, lớn mới học tiểu học, nhỏ còn đang ẵm ngửa. Chỉ riêng một việc cho các cháu ăn, dỗ các cháu ngủ, đã vô cùng vất vả. Rồi còn chuyện nay cháu này ốm, mai cháu kia đau, bệnh viện thì xa… 71 đứa trẻ, tương đương với 3 lớp mẫu giáo, bình thường phải có 6 cô giáo trông coi. Đằng này, chỉ có một người đàn ông chưa từng làm bố, chưa từng trông nom con nhỏ. Hơn nữa, 6 cô giáo coi 3 lớp mẫu giáo chỉ trông nom các cháu mỗi ngày mấy tiếng. Còn ông Nhật phải trông nom chúng suốt 24/24 giờ mỗi ngày.
Nhưng, vất vả hơn, là chuyện lo cuộc sống cho bọn trẻ. Mỗi tháng, 71 cháu bé ăn hết khoảng 6 tạ gạo, và chỉ riêng mắm muối cũng hết cả chục cân. Không phải bọn trẻ chỉ có ăn, chúng còn phải mặc, khi ốm còn chi phí thuốc men, và khi chúng đi học thì còn sách vở, bàn ghế… Không có nghề nghiệp ổn định, sức khỏe càng ngày càng hao mòn, ông Nhật đã phải lăn ra, ai thuê việc gì làm việc ấy. Có hôm ông nấu bát mỳ tôm, vừa định ăn thì mấy cháu chạy đến, thấy chúng có vẻ thèm thuồng, ông lại chia cho bọn trẻ, còn mình nhịn đói. Tâm sự với báo chí, ông Nhật cho biết, cũng may mà bọn trẻ rất ngoan. Trừ những lúc ốm đau, những cháu năm, sáu tuổi đã biết trông những cháu nhỏ hơn cho “bố Nhật” đi làm kiếm gạo.
Để kết thúc bài báo này, tôi xin mượn lời của một doanh nhân ở thị trấn Chư Sê. Nghe chuyện về ông Nhật, vị doanh nhân này tìm đến nhà ông. Và sau khi đã thực sự “mục sở thị”, vị doanh nhân đã thốt lên: “Chỉ có đức Chúa, đức Phật từ bi, thì mới làm được chuyện đó”.