Cô giáo có tấm lòng bồ tát : vượt 70 km đường núi cheo leo về bản kéo học sinh Raglai đến lớp
Câu chuyện về cô giáo trẻ – vị bồ tát giữa đời thường khiến ai biết được cũng nghẹn lòng xúc động. Biết hoàn cảnh khó khăn của các em, cô đã tìm mọi cách để mang con chữ đến cho các em học sinh dân tộc Raglai…
Dùng thiện tâm và sự chân thành để khiến học trò yêu lớp
Trong cuộc hành trình đưa trẻ Raglai đến với trường lớp, câu chuyện mà cô giáo Nguyễn Thị Tuyến kể lại với phóng viên là một ví dụ minh họa rất rõ ràng cho vai trò quan trọng của người thầy đối với mỗi học trò vùng cao.
Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, cô Tuyến lên miền Tây tỉnh Khánh Hòa dạy học, tại trường tiểu học Khánh Vĩnh. Ngôi trường nhỏ nằm rất gần nơi định cư của đồng bào Raglai, nên trường có rất nhiều học sinh nhỏ tuổi đến từ buôn làng. Việc đi động viên từng học trò tới lớp khi mỗi mùa gặt vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của cô giáo trẻ yêu nghề.
Khi các học trò nhỏ của mình bỏ học theo mẹ cha đi rẫy, các cô giáo sẽ chẳng quản ngại đường núi khó đi hay trời mưa gió mà đến tận nhà từng em, khuyên học trò đừng bỏ học, giải thích cho phụ huynh rằng việc đến lớp đều, việc học cái chữ sẽ giúp ích đối với các em sau này như thế nào.
Không chỉ có vậy, các cô giáo còn mua rất nhiều sách, vở để dành cho những học trò nhà không đủ điều kiện, mua kẹo để thưởng và tạo thêm những “động lực ngọt ngào” cho các cô bé, cậu bé khi tới lớp.
Nhưng không phải lúc nào những biện pháp này cũng phát huy tác dụng. Cô Tuyến kể lại, năm học 2005 – 2006, cô được nhà trường giao phụ trách một lớp có 20 em học sinh người Raglai. Những khuôn mặt ngây thơ, những đôi mắt hồn nhiên của các em vẫn khiến cô mỉm cười khi nhớ lại. Nhưng cậu học trò tên Hà Danh – cậu bé suýt bỏ học vì nhà quá nghèo mới là người mà cô Tuyến nhớ nhất.
Năm ấy, Hà Danh là một học trò cá biệt trong lớp. Trong giờ học, cậu bé không nghe giảng, lại hay phá đồ dùng học tập. Khi cô giáo hỏi thì em trả lời tiếng một, tiếng một, không có chút lễ phép và hợp tác nào.
– Hà Danh, bố mẹ em có ở nhà không? – “Không”.
– Hàng ngày, em ở nhà với ai? – “Em”.
Nhưng điều đó không làm cô Tuyến có ấn tượng xấu về học trò. Một buổi chiều mưa rả rích, không thấy cậu học trò với đôi mắt đen láy có chút lầm lì tới lớp, cô giáo trẻ cảm thấy nóng ruột. Sau buổi dạy, cô hỏi thăm đường tới nhà thăm cậu học trò nhỏ, những mong hiểu được vì sao cậu bé không tới lớp.
Khi tới trước nhà, cô Tuyến có chút bất ngờ về cái vẻ đơn sơ của ngôi nhà dựng bằng tre lồ ô, lợp lá rừng của gia đình Hà Danh. Nhà em cách trường chỉ một cây số, nhưng những hôm mưa gió như thế này, đường lầy lội và rất khó đi. Cô Tuyến thấy một bóng người chạy ra sau nhà khi vừa tới nơi. Nhưng rồi, cái nghèo khó của gia đình học trò đã chiếm trọn tâm trí cô. “Cuộc sống của cậu bé khổ như thế này sao?”, câu hỏi ấy khiến cô giáo trăn trở nhiều ngày sau đó.
Hôm sau, Hà Danh tới lớp, cô Tuyến hỏi thăm em, nhắc nhở em về việc cố gắng đến lớp dù trời mưa gió bằng thái độ chân thành, lời nói nhỏ nhẹ nhất. Cô sợ cậu bé sẽ tổn thương nếu dùng đến những lời có sự trách móc. Nhưng đáp lại sự nhắc nhở của cô giáo, cậu bé chỉ im lặng, không nói gì, cũng không giải thích.
Tới chiều Hà Danh tiếp tục vắng mặt.
Có chút bức dọc trong người, cô Tuyến tìm tới nhà học trò. Cô muốn gặp và nói chuyện với cha mẹ của Hà Danh. Trời vẫn mưa khi cô giáo tới được nhà học trò. Vừa thoáng thấy dáng cô, cậu học trò nhỏ bỏ chạy vào rừng keo sau nhà, trên người không một mảnh áo quần. Cô Tuyến nhớ lại khoảnh khắc ấy: “Tôi gọi em nhưng em chạy nhanh hơn để tôi không trông thấy.” Cậu bé đang chạy trốn vì điều gì? Câu hỏi mới chỉ kịp nhen lên trong đầu cô giáo, những chiếc quần, chiếc áo ướt sũng vắt vẻo khắp nhà khiến cô hiểu ra tất cả.
“Nước mắt tôi chảy dài, giá như tôi biết hoàn cảnh em sớm hơn để chia sẻ cùng em. Hoàn cảnh của em luôn ám ảnh tôi và làm lòng tôi day dứt mãi”.
Sau ngày mưa buồn hôm ấy, cô Tuyến đã kể lại câu chuyện của Hà Danh cho các cô giáo khác trong trường. Mọi người đều cảm thấy rất vui vì đã biết có thể giúp em như thế nào. Những bộ quần áo tuy không còn mới, nhưng vẫn còn rất tốt đã đến với em. Để rồi, mỗi ngày trời Khánh Hòa có mưa lâu thế nào, cô Tuyến vẫn thấy cậu học trò nhỏ ở lớp, đôi mắt đã không còn cái vẻ lì lợm, xa cách trước đây.
Ngày gần cuối năm học, trước khi chạy vào không gian của núi rừng xanh thẳm, Hà Danh đã nói với cô Tuyến: “Cô! Lớp 2, dạy em nữa cô!” Câu nói giản dị ấy của học trò đủ để khiến cô Tuyến hiểu rằng cậu bé đã không còn sợ tới lớp và chắc chắn sẽ quay trở lại khi kì nghỉ hè kết thúc.
Chữ Nhẫn xóa tan mọi rào cản
Tiếp tục cuộc hành trình giúp trẻ Raglai được đến trường, các cô giáo người Kinh còn gặp trở ngại rất lớn về ngôn ngữ.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên trường mầm non Hướng Dương, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa là người hiểu rõ nhất điều này. Cô Huyền khởi đầu sự nghiệp của mình tại trường mẫu giáo Hoa Lan (Huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) với tâm trạng hứng khởi, tràn đầy nhiệt tâm.
Chỉ cho tới khi nhận lớp, cô Huyền mới nhận ra rằng, 70 km đường núi cheo leo mà cô đã vượt qua để đến với học trò không phải là thử thách lớn nhất cho lòng thương trẻ, yêu nghề của cô.
“Việc giao tiếp giữa cô và trò không như mong muốn do bất đồng ngôn ngữ. Cô nói một đằng, trò làm một nẻo!”, cô Huyền hóm hỉnh chia sẻ về khó khăn của mình với báo Dân Trí. Các trẻ ở độ tuổi mầm non thường mới chỉ tiếp xúc với các thành viên trong gia đình, nên các em chỉ có thể nói tiếng Raglai, trong khi đó cô giáo lại là người Kinh, nói tiếng Việt.
Tuy nhiên, khác biệt ngôn ngữ lại là động lực giúp cô giáo trẻ trở nên sáng tạo hơn khi tìm những cách khác để làm quen và chăm sóc những học trò nhỏ của mình. “Vừa lắng nghe, vừa quan sát thật kỹ hành động của các em để đoán ra những ý định, xem các em muốn gì? Còn khi tôi dạy thì chủ yếu dùng tiếng Kinh và hành động để diễn tả, trường hợp khó khăn quá thì nhờ giáo viên người bản địa “thông ngôn”, nữ giáo viên tâm sự.”
Hơn thế nữa, cô giáo trẻ còn biến cơ hội đến nhà của các học trò để tìm hiểu cuộc sống của học trò thành những “chuyến du học” của chính mình. Thương trò, cô không ngại một lần nữa mang sách vở đi học từng từ mới, từng mẫu câu thông dụng trong cuộc sống của một ngôn ngữ khác.
Ông bà ta xưa đã dạy “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Cái nhẫn nại, ham học hỏi và mong muốn có thể dạy những điều hay cho những đứa trẻ Raglai đã giúp cô giáo Huyền có thể nói được tiếng Raglai với học trò của mình – rào cản tưởng chừng như rất lớn ấy đã được hóa giải hoàn toàn.
Gần đây hình ảnh về các thầy cô giáo đã không còn giữ được sự trang nghiêm như thời kì trước. Tuy nhiên, chừng nào các thầy, các cô còn mang trong mình trái tim Chân thành – Thiện lương – Nhẫn nại để tới với học trò như cô Huyền, cô Tuyến trong hai câu chuyện trên, chúng ta vẫn còn quyền giữ cho mình niềm hy vọng: Các thầy cô sẽ luôn nâng niu, trân quý tâm hồn trong sáng, thuần khiết của học trò, và dùng chính cách sống tốt đẹp của mình để dạy trẻ thơ sống và trở thành một con người tốt.