Suy nghĩ, chiêm nghiệm về lời Phật dạy: Nói thì dễ, làm mới khó
Thường thì nói ra bất cứ điều gì cũng dễ hơn làm. Nhất là trên bước đường chế ngự, chuyển hóa và làm chủ tâm thì lại càng khó hơn.
Cho nên việc ‘nói thánh’ thường rất dễ xảy ra với hết thảy mọi người. Các bậc cổ đức đã khái quát việc này bằng câu ‘Việc làm và lời nói tương ưng mới xứng đáng là bậc thầy’ (Hạnh giải tương ưng viết tổ).
Tuy nhiên, người ưa thích nói về những phẩm chất cao thượng như ly dục, xả buông cũng đã là quý hóa. Vì đó là những hạt giống sẽ nảy mầm trong tương lai.
Nhưng nói như một cái máy, nói mà không hề làm thì rỗng tuếch, rơi vào lộng ngôn, ngoa ngữ. Thế nên, nói đạo thì cần phấn đấu để sống đạo, luận thiền thì hãy cố gắng để sống thiền.
“Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Phật bảo các Tỳ-kheo:
Thời quá khứ, trên một hòn đảo, có một Ưu-bà-tắc đến nhà một Ưu-bà-tắc khác, cùng ngồi, cực lực chê bai dục như sau: ‘Dục này hư vọng, không thật, là pháp hư dối, như huyễn hóa, lừa gạt con nít’.
Nói xong rồi trở về nhà mình, phóng túng theo ngũ dục. Tại nhà Ưu-bà-tắc này có Thiên thần đang trú ngụ. Vị Thiên thần này nghĩ thầm: ‘Ưu-bà-tắc này không hơn gì, chẳng khác gì các Ưu-bà-tắc khác; ngồi giữa đông người cực lực chê bai dục: ‘Dục này giả dối, không thật, là pháp giả dối, lừa gạt con nít’. Rồi trở về nhà mình lại phóng túng theo năm dục. Bây giờ hãy giúp ông ta giác ngộ. Liền nói kệ rằng:
Giữa đám đông tụ họp
Chê trách dục vô thường
Tự chìm trong ái dục
Như trâu lún bùn sâu.
Ta xem trong hội kia
Các vị Ưu-bà-tắc
Đa văn hiểu rõ pháp
Gìn giữ giới thanh tịnh.
Ngươi thấy kia vui pháp
Mà nói dục vô thường
Sao tự buông theo dục
Chẳng đoạn dứt tham ái
Vì sao vui thế gian
Nuôi vợ con quyến thuộc?
Vị Thiên thần ấy khai thị cho Ưu-bà-tắc kia như thế. Ưu-bà-tắc đó được giác ngộ, liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, lòng tin chân chánh, không nhà xuất gia học đạo, tinh cần tu tập, dứt sạch hết các pháp hữu lậu, đắc quả A-la-hán.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 591)
Suy nghiệm chín chắn và chân thật với lòng thì người nói ra những điều thánh thiện, khuyến hóa người khác sống thiện mà chưa làm được tất cả những gì mình nói, âu cũng là chuyện thường của chúng sinh.
Lời khấn nguyện mỗi ngày cho cuộc sống luôn an lành, tươi đẹp!
Bởi hạnh giải tương ưng thì mọi người đều thành thầy tổ hiền thánh hết rồi. Điều quan trọng là nói lên các phẩm hạnh cao thượng trong tinh thần chia sẻ giáo pháp, tự mình phải biết hổ thẹn với những hạn chế của chính mình để phấn đấu vươn lên.
Còn nói trên trời mà làm dưới đất, cốt khoe tài hiểu biết nhằm đề cao tự ngã và mưu cầu lợi dưỡng cung kính thì thật không nên.
Vì khôn lanh và khéo nói thì có thể qua mặt được người nhẹ dạ cả tin chứ người sâu sắc và tinh tế họ đều biết rõ, nói chi đến hộ pháp chư thiên và quỷ thần luôn thấy biết tâm ý chúng ta.
Thế nên thường dặn lòng sống thật, biết tàm quý, thường phát lồ về những hạn chế lầm lỗi của chính mình.
Cuộc sống với vô số sắc màu, cung bậc biến hóa muôn hình vạn trạng nhưng sự thật vẫn là sự thật. Nghiệp nhân vẫn vô tư và lạnh lùng kết thành nghiệp quả dẫu ta có nói vô vàn điều thánh thiện, hoa mỹ, tốt đẹp mà không làm.
Là đệ tử của Thế Tôn, chúng ta thường tâm niệm, suy ngẫm về một trong những định nghĩa của Như Lai là bậc nói như thế nào thì làm như thế nấy để tu dưỡng, chuyển hóa ba nghiệp thân khẩu ý, trở thành người có ‘hạnh giải tương ưng’.