Nước mắt người mẹ bỏ việc lên Sài Gòn chăm con bị bỏng cồn nặng: “Tôi sắp bị công ty cắt hợp đồng”
“Công ty gọi nói nếu còn nghỉ việc nữa sẽ cắt hợp đồng, mà con bỏng nặng như vầy, lại hay bị sốt thì sao mà tôi bỏ về cho được” – người mẹ sụt sùi.
Đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Hồng Điểm, mẹ em L.T.N, học sinh lớp 9 trường THCS Thuận Hưng (TP Cần Thơ). Ngày 5/1 khi đang thực hành thí nghiệm giữa giờ học, N. bỏng cồn kinh hoàng khiến vùng cơ thể phía trên bị tổn thương nặng nề.
Tai nạn thương tâm trong lúc làm thí nghiệm
Nằm trên giường bệnh, N. kể lại bằng hơi thở khó nhọc rằng sự việc xảy ra vào chiều 5/1, khi em và các bạn trong lớp đang trong giờ thí nghiệm môn sinh học. Yêu cầu của cuộc thí nghiệm hôm đó là đốt lá cây bằng cồn để lấy chất diệp lục ra. Lúc đang thực hành thì cồn hết, vài bạn khác đi lấy cồn rồi chế thẳng vào cốc đang cháy của N.
“Cồn lúc ấy bắt lửa phựt lên cao khiến em và ba bạn khác ngồi đó đều bị bỏng. Mặt và phần thân trên của em nóng rát, cái áo thể dục đang mặc cũng cháy. Em vội chạy đến bồn nước để tát nước lên mặt còn thầy quản lý phòng thí nghiệm thì dùng tay dập lửa và cởi áo cho em” – N. nhớ lại.
Sau khi các thầy cô xối nước lên người sơ cứu, N. được đưa đến bệnh viện (BV) địa phương, BV đa khoa Cần Thơ trước khi chuyển lên BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) vì tình trạng nặng nề.
ThS.BS Diệp Quế Trinh, Phó khoa Bỏng, BV Nhi đồng 1 cho biết, bệnh nhân N. bị bỏng cồn khi làm thí nghiệm ở trường chuyển đến vào ngày 6-1. Lúc nhập viện, N. bị sốc bỏng, bỏng 34% cơ thể, bỏng nặng độ 3 vùng cổ.
Quá trình điều trị, bệnh nhân được hồi sức chống sốc, cắt lọc da bỏng bị chết một lần. Đến nay tình trạng đã cải thiện, một số vị trí bỏng đã lành nhiều, còn lại 10% vết bỏng chưa lành ở cổ, mặt và hai tay. Tuy nhiên, bệnh nhân mặt, cổ bệnh nhân có nguy cơ bị sẹo co rút cao. Do vết sẹo ở cổ sâu nên phải tiếp tục ghép da vùng cổ. N. phải mang mặt nạ và nẹp cố định cổ hạn chế co rút trong thời gian dài.
“Trường hợp của N. chưa thể đánh giá được nguy cơ sẹo co rút đến đâu. Bệnh nhân còn phải tái khám nhiều đợt và theo dõi vật lý trị liệu, nếu sẹo bị co rút mạnh cần phải chờ sẹo ổn định rồi mổ can thiệp. Những trường hợp nạn nhân bỏng khi châm cồn khá nhiều nhưng xảy ra ở trường là chuyện hiếm” – Bác sĩ Trinh chia sẻ.
Lên viện chăm con, mẹ sắp bị đuổi việc
Những ngày con nằm viện, chị Nguyễn Thị Hồng Điểm phải khăn gói từ Cần Thơ lên Sài Gòn chăm sóc N. Chứng kiến con đau đớn, vết thương ngày này qua ngày khác rỉ máu, lòng người mẹ như thắt lại.
“Tôi đẻ con ra không có miếng thẹo, giờ mình mẩy nó sưng cháy, da tay da đầu biến dạng, băng bó khắp người, làm mẹ sao gánh được nỗi đau này” – người mẹ nghẹn ngào.
Chưa hết, vì bê trễ mọi thứ, chị Điểm có nguy cơ bị mất việc dưới quê.
“Tôi làm công nhân thuỷ sản dưới quê. Mấy hôm nay công ty gọi nói nếu còn nghỉ việc nữa sẽ cắt hợp đồng, mà con bỏng nặng như vầy, lại hay bị sốt thì sao mà tôi bỏ về cho được” – người mẹ sụt sùi.
Người mẹ nói theo lời bác sĩ, con chị sẽ phải điều trị lâu dài, tập vật lý trị liệu ít nhất 2-3 năm. Nếu không, hai tay, cổ và ngực N. sẽ bị co rút lại.
Trước hoàn cảnh trớ trêu này, chị Điểm buột lòng phải ở lại chăm con. Nhưng quyết định như vậy cũng đồng nghĩa nỗi với việc đối diện nỗi lo cơm áo chồng chất. Trước mắt người mẹ, mọi thứ rất ngổn ngang.
Ngoài L.T.N, bệnh nhi Đ.T.L (bạn chung nhóm với N.) cũng bị bỏng rất nặng mặt, tay và bụng khi lửa cồn phựt lên. L. đã được xuất viện vào ngày 16/1 nhưng hàng tuần phải lên BV tái khám với chi phí rất cao. Theo các bác sĩ, L. cũng phải điều trị dài hạn, tập vật lý trị liệu ít nhất hai năm, gia đình lại có hoàn cảnh khó khăn nên cha mẹ em rất lo lắng.
Theo Helino