Xót thương cảnh đời bất hạnh của 3 đứa trẻ : Sống với bà ngoại “khùng”, cố đi lượm trái bàng về bán lấy tiền với ước mong được đi học tiếp
Ngồi co ro trên chiếc giường ọp ẹp, 3 đứa trẻ người Khơ-me chia nhau vài trái bàng mới lượm được. Cuộc sống mỗi ngày của chúng là theo bà cố ngoại đã gần 80 tuổi đi nhặt bàng trong khi ước mơ đến trường còn dang dở.
Chúng tôi tìm đến túp lều tạm bợ được dựng bằng vài tấm bạc cũ thuộc xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh nơi 7 người trong gia đình bà Kim Thị Chon (78 tuổi) sinh sống mỗi ngày.
Nở một nụ cười hiền hậu, bà Chon cho biết vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, đứa con gái của bà là Thạch Thị Bình (45 tuổi) sau khi sinh chị Thạch Thị Ọt (26 tuổi) thì chồng mất nên cũng hóa dại, suốt ngày chỉ biết ú ớ cười đùa. Để có tiền rau cháo qua ngày, bà phải dẫn 3 đứa cháu cố ngoại là con chị Ọt, đi lượm trái bàng để bán cho người ta.
“Lúc con Ọt chào đời, mẹ nó vì nhớ thương người chồng đã mất rồi khờ khạo lần, suốt ngày chỉ biết cười đùa, không đi làm gì được nên một mình bà vừa nuôi con, vừa nuôi cháu. Mà lúc đó bà còn khỏe lắm, ai kêu gì làm nấy từ cấy lúa, giúp việc nên cũng đủ trang trải. Cũng vì không có tiền cho con Ọt đi học, nên mới 15 tuổi nó đã lấy chồng rồi sinh con, giờ 3 đứa con của nó cũng sống với bà, mấy bà cháu đi lượm trái bàng để bán cho người ta, vất vả lắm con ơi”, bà Chon nghẹn ngào nói.
Ngồi kế bên bà Chon, chị Bình múa tay rồi chỉ trỏ, phá lên cười sằng sặc, hỏi gì chị cũng không nói, 3 đứa trẻ thấy bà ngoại cười cũng bắt chước cười theo. Em Thạch Sa Huân (11 tuổi) vui vẻ nói: “Bà ngoại suốt ngày cười miết, ăn ngoại cũng cười, tụi con làm gì ngoại cũng cười, vui lắm ạ. Tụi con phải đi theo cố ngoại lượm bàng, cố ngoại nói phải đi lượm mới có tiền mua gạo nấu cơm nên con thích đi lượm bàng lắm. Mà mấy nay lượm không được nhiều, con sợ cả nhà lại phải nhịn đói ạ”.
Sống với bà ngoại khùng, 3 đứa trẻ theo bà cố đi lượm trái bàng về bán lấy tiền ước mong được đi học tiếp – Ảnh 7.
Cả hai bé Xuân và Mai đều không rành Tiếng việt, chỉ bập bẹ được vài tiếng.
Nép mình vào anh trai Thạch Sa Huân, hai bé gái Thạch Thị Thanh Xuân (6 tuổi) và Thạch Thị Thanh Mai (5 tuổi) lấy tay che miệng cười, các bé không nói được Tiếng việt, chỉ ú ớ được vài câu dạ thưa. Ôm 3 đứa cháu vào lòng, bà Chon ngấn nước mắt: “Tụi nhỏ khờ lắm, thằng Huân đi học được lớp 4 rồi mà nói chuyện còn chưa rành, hai con bé này thì chưa biết gì đâu, không biết sau này tụi nó lớn lên sẽ làm gì, bà chỉ sợ rồi như đời ông bà, mẹ của chúng. Cái nghèo khổ cứ bám víu mãi, giờ cho học nữa thì tiền đâu mà lo liệu”.
Sống với bà ngoại khùng, 3 đứa trẻ theo bà cố đi lượm trái bàng về bán lấy tiền ước mong được đi học tiếp – Ảnh 9.
Bé Mai bên cạnh cái bếp trống của gia đình.
Số tiền 30.000 đồng kiếm được ít ỏi mỗi ngày từ việc đi lượm trái bàng của 4 bà cháu cộng với tiền làm thuê cuốc mướn của vợ chồng chị Ọt không đủ để 7 người trong gia đình bà Chon xoay xở. Bữa cơm chiều của gia đình vỏn vẹn là nồi cơm trắng với chén nước mắm chấm rau bụi hái được quanh nhà.
Nhà sập, những đứa trẻ có nguy cơ phải nghỉ học
Theo bà Chon, trong lúc 2 vợ chồng chị Ọt đi làm rẫy ở xa, mưa lớn kèm theo giông lốc của bão Tembin đã khiến ngôi nhà lá của bà bị đổ sập, may mắn là 5 bà cháu kịp chạy thoát thân. Từ đó đến nay, gia đình bà phải che tạm túp lều nhỏ để sinh sống.
“Giờ mình không có tiền làm nhà thì phải sống tạm chứ biết sao giờ, nắng thì còn đỡ chứ mưa xuống là mấy bà cháu ướt như chuột, bà chỉ mong có tiền để làm lại cái nhà rồi cho tụi nhỏ ăn học đàng hoàng là tốt lắm rồi”, bà Chon tâm sự.
Trở về sau khi nhà sập vì bão, chị Ọt cho biết hơn 1 tháng nay, chị phải ở nhà để chăm sóc các con. “Lúc trước tui đi làm rẫy cho người ta, mỗi tháng cũng được tận 3 triệu, ăn uống xong rồi gởi về nhà cho cho mấy đứa nhỏ được đi học. Giờ nhà cũng sập, tui lại phải nghỉ làm, không biết sau này như thế nào nữa”, chị Ọt nói.
“Thằng Huân nó học cũng khá, nhưng tui tính cho nó học để biết mặt chữ như tui rồi nghỉ chứ tiền đâu mà cho học tiếp. Thương con thì thương nhưng tui đâu còn cách nào khác”, chị Ọt tâm sự.
Lật quyển sách Tiếng Việt lớp 4, em Huân vừa đọc vừa mếu máo nói: “Con không muốn nghỉ học đâu, con sẽ cố gắng lượm bàng thật nhiều cho cố, con muốn được đi học để sau này đi làm công ty nuôi gia đình”.
Trao đổi với chúng tôi ông Thạch Vuông, Chủ tịch UBND xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh cho biết gia đình bà Kim Thị Chon là một trong những hộ thuộc diện “nghèo bền vững” của xã Châu Điền.
“Gia đình bà Chon sống tận 4 thế hệ, mặc dù xã cũng đã có những hỗ trợ cho gia đình bà nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, vẫn chưa thể giúp gia đình bà thoát nghèo. Mấy đứa nhỏ thì chính quyền địa phương cũng có vận động để cho đi học nhưng điều kiện đến trường cũng không được đảm bảo. Mới đây, UBND xã cũng đang vận động để hỗ trợ 25 triệu đồng nhằm giúp đỡ gia đình bà Chon cất lại căn nhà đã sập sau bão”, ông Vuông cho biết.
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Chon, 3 đứa trẻ đứng trước nguy cơ bỏ học phải theo bà cố ngoại đi lượm trái bàng mỗi ngày. Chúng tôi tha thiết kêu gọi quý độc giả gần xa giúp đỡ để gia đình bà Chon có cuộc sống tốt hơn. Mọi đóng góp xin vui lòng liên hệ số điện thoại bà Chon: 01628356718.
Tài khoản ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Viettinbank), số tài khoản: 106868032190. Chủ tài khoản: Kim Thị Chon, phòng giao dịch Tiểu Cần, chi nhánh tỉnh Trà Vinh. Xin chân thành cảm ơn!
Theo Emdep