Mong một lần được nghe hai tiếng con gọi “Mẹ ơi”!
Hạnh phúc của mỗi người mẹ là được thấy con của mình lớn khôn và trưởng thành từng ngày. Thế nhưng, có những người phụ nữ chưa từng được thử cảm giác hạnh phúc ấy, cuộc sống của họ chứa đầy nước mắt khi phải gồng mình chăm sóc những đứa con tật nguyền của mình. Đôi lúc mơ ước giản dị chỉ là hai tiếng gọi ‘mẹ ơi” được cất lên từ đứa con của mình nhưng nó cũng thật xa vời…
Lấy chồng, ai lo cho con?
Trò chuyện với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thơm (SN 1966 tại khu 5, xã Tại Xá, Cẩm Khê, Phú Thọ) cho hay, hơn 28 năm qua, mọi sinh hoạt của Cường (con trai bà Thơm) đều phải nhờ vào mẹ. Thế nhưng, chưa một giây phút nào bà có ý định bỏ mặc con mình.
Bà kể rằng, trước đây bà yêu một người đàn ông cùng làng, nhưng do gia đình người ta phản đối nên bà đành ngậm ngùi ôm trọn mối tình của riêng mình.
Chia tay một thời gian thì bà Thơm phát hiện mình mang bầu, cay đắng thay khi người đàn ông bà yêu lại không chấp nhận cái thai đó. Bà âm thầm lặng lẽ sinh con trong căn nhà lá mà bố mẹ dựng cho ở góc vườn. Từ đó, với bà Thơm, đứa con là tất cả hy vọng, niềm an ủi.
Nhưng cuộc đời thật bất công, bởi đứa trẻ sinh ra, không nói, không cười, chân tay co quắp.
Cứ thế, suốt 28 năm qua, mỗi lần trái gió trở trời, nhìn đứa con lên cơn đau, gào thét một cách vô thức, bà chỉ biết ôm con vào lòng, dỗ dành như đứa trẻ lên ba. Thấy bà vất vả nuôi con trai bại não, nhiều người có ý định mai mối cho bà một người đàn ông để làm chỗ dựa nhưng bà nhất quyết không đồng ý.“Tôi đưa con đi khám khắp nơi, bác sĩ nói cháu bị bại não dạng nặng, hy vọng chữa khỏi là rất mong manh. Thương con, tôi đã chạy vạy khắp nơi vay mượn, tìm thầy, kiếm thuốc tốt nhưng vẫn không khỏi. Nhiều đêm ôm con vào lòng mà chỉ biết khóc. Có người thấy nó nằm một chỗ, đầu chai lại tưởng lên u nhọt không dám đến gần. Nói thật, có lần tôi muốn chết đi vì nghĩ mình thật bất hạnh, nhưng còn con đang nằm một chỗ vì căn bệnh bại não tôi không đành lòng. Thôi cố gắng sống vì con và chăm sóc cho con”, bà Thơm đau đớn kể.
“Tôi mà lấy chồng thì ai lo cho con, bỏ đi thì con tôi chỉ có nằm một chỗ mà chờ chết. Tôi chấp nhận chịu đựng vất vả khổ cực, làm mọi việc vì con. Chỉ sợ rằng, 10, 20 năm nữa khi tôi già yếu, không còn sức khỏe thì ai lo cho con”, bà Thơm nghẹn giọng.
Những giọt nước mắt…trách thương số phận
May mắn hơn bà Thơm, chị Đỗ Thị Tươi (29 tuổi, quê gốc Lâm Đồng), hiện đang sinh sống tại xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang còn có chồng bên cạnh để cùng chăm con.
Chị Tươi kể: “Khi mang thai, vợ chồng tôi rất vui và hạnh phúc, nhưng không ngờ mới lọt lòng mẹ bé đã bị dị tật ở chân, bé không khóc được, hơi thở rất yếu nên vợ chồng tôi đã đưa con đi bệnh viện tuyến trên cấp cứu”.
Khi đưa con đi khám tại một bệnh viện ở TP.HCM, sau khi xem xét, bác sĩ chẩn đoán bé bị bại não. Khi đó, chị Tươi và chồng đã không giữ được bình tĩnh, khóc nấc nghẹn ngào.
“Mọi thứ dường như sụp đổ, tôi chỉ mong kết quả mà bác sĩ nói là sai và cố gắng chạy chữa cho con mình nhưng không được nữa. Về nhà, tôi không dám khóc cũng chẳng than vãn với ai, tôi tự nhủ sẽ giữ vững tinh thần để chăm sóc cho con thật tốt, nếu những người mẹ khác cố gắng 1 thì tôi phải cố gắng gấp 10 lần.
Rồi tôi lên mạng tìm kiếm thông tin về chăm sóc trẻ bại não để chăm con. Hồi nhỏ bé đặt đâu nằm đó, nhưng giờ đã nhận ra mẹ, biết cười, biết khóc và biết trêu đùa. Với tôi như vậy là đủ rồi. Chỉ cần nhìn thấy con cười là mọi cực nhọc đều tan biến”, chị Tươi chia sẻ.
Cùng chung nỗi đau có con bại não như chị Tươi, bà Thơm, nhưng với chị Vũ Thị Huyên (45 tuổi, tại Bình Giang, Hải Dương) nỗi đau ấy lại nhân đôi khi 17 năm trước, chồng chị Huyên qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Một mình chị nuôi con. Nhưng đến 16 tuổi con trai chị bỗng dưng không phát triển được như đứa trẻ khác, bảo gì làm đấy. Dần dần việc ăn uống, vệ sinh cá nhân cũng không thể tự làm.Chị chia sẻ thêm, nhìn những đứa trẻ cùng tuổi lớn lên khỏe mạnh chị thấy chạnh lòng. Nếu có một điều ước, chị ước có thể hy sinh mạng sống này để đổi lấy thân hình bình thường cho con. Nói rồi, chị Tươi quay đi, lau vội những giọt nước mắt đang rơi.
“Nghĩ rằng đến lúc tuổi già sẽ không có ai chăm sóc cho con trai mình nên tôi quyết định đi “xin” thêm một đứa con. Nhưng rồi, đứa con trai thứ hai và cũng là hy vọng cuối cùng của tôi cũng mắc căn bệnh bại não từ lúc lọt lòng. Tôi chỉ biết ôm hai đứa con vào lòng trách thương số phận”.
Từ đó chị chấp nhận mọi điều đau khổ, số phận đã vậy chị không thể thay đổi được, chị cố gắng sống vì con mình. Hàng ngày một tay chị lo cho hai con từng miếng ăn giấc ngủ, thậm chí cả việc vệ sinh cá nhân. Có lần, thấy con khóc mà chị không biết con đòi gì chị cũng khóc theo. Trong sâu thẳm người mẹ ấy chỉ mong một lần được nghe con gọi “mẹ ơi”.