Rơi nước mắt trước câu chuyện của người vợ trẻ đột ngột mất chồng: “Em sẽ thay anh nuôi con chúng mình khôn lớn”
Chị không biết có nên khóc để thông báo với những ai đến tham dự lễ tang của anh rằng “chồng tôi chết rồi” hay không, chị cũng không biết phải mặc gì, đáp trả lễ nghi ra sao. Với chị, tất cả mọi thứ đã sụp đổ, có lẽ, cái chết của anh đã kéo theo niềm vui sống của chị.
“Em sẽ nuôi con của chúng mình khôn lớn, anh yên tâm nhé. Em sẽ gắng sống thật tốt dù mọi chuyện có lẽ quá khó khi không có anh ở bên. Em chưa kịp nấu cho anh những món anh thích thì đã phải dâng lên anh cơm trắng gạo muối rồi. Em thương anh, thương rất nhiều. Chắc lúc đó anh đã rất muốn gọi vợ ơi phải không? Muốn cầm tay vợ lắm phải không anh? Chắc anh sợ lắm, buồn lắm phải không anh? Em xin lỗi. Giá như em biết trước mọi thứ, em sẽ không để anh đi, không cho anh đi đâu hết”.
Đó là lời tâm sự của chị Tạ Thị Hồng vào những tháng ngày phải gánh chịu nỗi đau mất chồng trong khi con trai còn đang ở tuổi bồng bế. Chị nói, cái chết của anh ập đến với chị như một cơn ác mộng, mang theo những nỗi u uất mà mỗi khi nghĩ về chị lại đau. Nỗi đau ấy cứ găm vào chị mỗi ngày, mỗi ngày…
Đã từng có một gia đình rất hạnh phúc với đầy đủ bố mẹ và con
Anh và chị quen nhau qua Facebook, được một thời gian hẹn hò thì anh cầu hôn chị. Nhận thấy anh cũng hiền lành, lại tốt bụng và có hiếu với mẹ cha, chị gật đầu đồng ý. Thế là một đám cưới diễn ra nhanh sau đó với niềm hạnh phúc của hai bên họ hàng. Tuổi trẻ mà, yêu rồi cưới nhanh lắm. Nhanh hơn nữa là về chung nhà không bao lâu thì chị mang thai một bé trai. Niềm vui cứ nối tiếp niềm vui, hạnh phúc cứ nối tiếp hạnh phúc như vậy.
Đến sát Tết 2015, chị sinh đứa con trai đầu lòng, sức khỏe không tốt nên đành ở nhà chăm con. Anh thì là công nhân làm ở mỏ, sáng đi chiều về như thế mỗi ngày. Cuộc sống gia đình của anh chị vào những tháng ngày này phải nói là hạnh phúc vô cùng. Về phần mình, chị đôi khi cũng cảm thấy tẻ nhạt vì không phải làm gì cả, ở nhà ra vào phụ giúp mẹ chồng, xong rồi ăn, rồi chăm sóc con nhỏ, nói chuyện với nó, rồi đến chiều đợi chồng về thôi. Nhưng cái tẻ nhạt này đâu phải người phụ nữ nào cũng có, tẻ nhạt trong cái đầm ấm gia đình, chị đâu dám mong mỏi gì hơn.
“Nhiều người lúc đó thấy mình tẻ nhạt, buồn chán lắm vì mình suốt ngày ở nhà, bầu bạn với con nhỏ, bỉm tã các thứ. Nhưng mình thấy vui mà, nếu nói thẳng ra thì mình thích cái nhàn nhạt ấy. Nhạt như mấy buổi chiều màu trà, vì lúc đó là lúc anh tan làm về nhà chơi với mẹ con mình” – chị Hồng cười nói.
Rồi sau đó không lâu, anh phải làm ca kíp nhiều, tức là đi làm đến 1, 2 giờ đêm mới về. Những tháng ngày đó, chị vừa chăm con vừa ngóng trông anh về đến tận tối khuya rồi mới an tâm đi ngủ. Nhưng không bao lâu sau, tai nạn ập đến cướp đi người chồng mà chị thương yêu nhất, cha của đứa con mà chị cũng yêu thương nhất. Như một giấc chiêm bao, anh qua đời để lại mẹ con chị, có điều, giấc chiêm bao ấy kéo dài mãi mãi mà không chịu buông tha chị.
Nỗi đau mất chồng và những tháng ngày sống u uất như một hồn ma
Chị kể, khi con trai được 10 tháng tuổi, sau khi đi liên hoan với đồng nghiệp đến tận khuya thì anh say xỉn, vậy mà vẫn cố chạy về nhà. Được nửa đường thì anh đâm vào ô tô và qua đời. Cái chết của anh mà chị được biết chỉ ngắn gọn như vậy. Một câu chữ buông ra nhẹ nhàng nói chưa hết hơi đã khiến một đời người vĩnh viễn tàn lụi. Chị không biết những thứ chị nhớ về cái chết của anh có thật sự là như vậy không nữa, hay là chị không muốn tin, không dám tin anh đã chết rồi, chỉ còn mình chị và con sống trên đời với nỗi buồn vô tận.
Tại sao anh bỏ lại mẹ con chị mà đi? Anh chết vào lúc mấy giờ? Nguyên do chính xác từ đâu?… Không câu hỏi nào chị có thể trả lời được. Đến ngày tang lễ của anh, chị còn không biết chính xác chuyện gì đang xảy đến với cuộc đời mình. Chị như người mất hồn, không có suy nghĩ, không có cảm xúc.
Chị không biết có nên khóc để thông báo với những ai đến tham dự lễ tang của anh rằng “chồng tôi chết rồi” hay không, chị cũng không biết phải mặc gì, đáp trả lễ nghi ra sao. Với chị, tất cả mọi thứ đã sụp đổ, có lẽ, cái chết của anh đã kéo theo niềm vui sống của chị.
Nếu không chết theo chồng được thì ít nhất cũng phải héo hắt như một bông hoa kề bên đóm lửa, không thành ma thì ít ra người ta cũng chọn khoác lên mình một mớ cảm xúc u ám, xám ngắt như tàn tro, có lẽ lúc đó chị đã nghĩ như vậy.
Và rồi khi mọi chuyện đã xong, anh nằm dưới nắm đất lạnh rồi, chị cũng buông được những giọt nước mắt. Chị khóc như một đứa trẻ, khóc như trong đời chưa từng có một lý do gì lớn lao để chị có thể khóc như vậy.
Về đến nhà, thấy cái ghế anh từng ngồi chị cũng khóc, thấy cái chăn hồi đó mới cưới vợ chồng đắp chung, chị cũng khóc. Một chậu cây anh trồng, một cái dao cạo râu, một cái khăn, một chút mùi hương lưu luyến của anh cũng khiến chị trào nước mắt.
Chị xem lại tất cả những bức ảnh có anh, trong đó có một quán cà phê nơi hai người từng hẹn hò, một cây cầu nơi anh dắt chị đi vào mùa đông hay mùa hạ, một tách trà uống dở, một chiếc áo sơ mi sờn… Nếu chị nhìn lâu, những không gian đó sẽ kéo chị đi xa hơn vào những khoảng đời anh đã sống.
Chị không muốn những ký ức này giày vò chị, nhưng nếu không mang chúng ra, có lẽ chúng sẽ trở mình vào những khi biết rằng chồng chị đã chết, chị đành trút hết lên mặt bàn, ngắm nhìn cho đến khi chúng thôi trở mình rồi chị cất hết vào tủ, khóa chặt lại. Chị buông hết tất cả rèm che trong căn phòng, sống trong bóng tối, không gặp ai nữa. Có lúc, chị tưởng những nhớ thương se sắt kia đã kéo chị đi theo anh. Chị định tự tử nhưng rồi lại thôi.
Có những đêm chị nằm mơ thấy anh, anh bảo chị thôi đừng buồn nữa, quên anh đi, vì con mà sống, hãy thay anh nuôi dạy đứa trẻ nên người. Chị thức dậy với nỗi chơi vơi đến lạ, tâm tưởng của chị lưng chừng trong nỗi hao hụt không gì có thể lấp nổi. Anh nói vậy nhưng anh có biết rằng, quên hết kỳ ức về người mình yêu thương nhất để sống một cuộc đời bình thản phía trước là chuyện không thể xảy ra hay không? Một nửa linh hồn của chị, giờ đây đã chết theo anh rồi.
Vực dậy từ hố sâu tuyệt vọng, mất chồng thì vẫn còn con
Rồi có người nói với chị rằng, chị khóc bao nhiêu cũng được, buồn bao nhiêu cũng được nhưng không được phép để cái tang này biến mình thành một hồn ma. Hai từ “hồn ma” làm chị bừng tỉnh, chị còn con, đứa bé đã mất cha rồi, bây giờ mất mẹ nữa thì nó phải làm sao? Không được. Chị không có nhiều thời gian để buồn, chị phải sống để lo cho con, để đáp trả hết những gì hiếu thảo cho ba mẹ thay cho anh. Chị không muốn chết, ngàn lần không muốn.
Chị chọn vực dậy tinh thần bằng cách đi làm ở một trung tâm dạy tiếng Anh cho trẻ em. Chị nói, lũ trẻ ở đó lúc nào cũng vui vẻ hồn nhiên, chúng nó ban cho chị những nguồn năng lượng tích cực mà chị tưởng chị đã đánh mất từ lâu sau cái chết của anh. Ban ngày chị đi làm, chiều về chị sẽ chơi với con, thay anh nuôi dạy con cái. Tất nhiên, khi không có một người đàn ông bên cạnh chị phải cố gắng gấp đôi, gấp ba những bà mẹ khác.
“Mình biết, thấy mình hạnh phúc thì ở thế giới bên kia anh cũng vui, anh chắc chắn sẽ mong mẹ con mình luôn hạnh phúc. Và mình nhận ra rằng, yêu một người thì cần gì ở bên người đó suốt đời phải không? Suy cho cùng ai rồi cũng sẽ ra đi, mình sẽ gặp được anh vào những năm tháng cuối cùng của cuộc đời vào một ngày mai thật xa, khi con trai mình đã khôn lớn và có gia đình. Còn bây giờ, mình phải bắt tay vào lo cho nó lớn trước đã. Mình không có nhiều thời gian để ủ dột nữa” – chị Hồng vui vẻ nói.
Bây giờ, sau gần 3 năm anh ra đi, chị đang rất hài lòng với cuộc sống hiện tại, khi có con bên cạnh vui cười hằng ngày và gia đình nội ngoại hai bên đều yêu thương chị và con. Với chị, họ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống gia đình và hành trình làm mẹ đơn thân còn rất xa phía trước. Chị nhắn nhủ đôi dòng cuối cùng cho những ai không may có hoàn cảnh giống mình:
“Thời gian là liều thuốc tốt nhất xoa dịu mọi vết thương. 3 năm với mình là một số không dài không ngắn, nhưng đủ để giúp mình nhận ra, cho dù người mình yêu thương nhất có đột ngột ra đi thì cũng hãy vì những thứ còn lại mà cố gắn sống một cuộc đời thật ý nghĩa. Mình không còn chồng nữa nhưng mình sẽ làm hết sức để thay anh thực hiện những thứ mà mình tin, nếu còn sống, anh rất muốn làm: đó là dạy con và trả hiếu cho bố mẹ.
Vì vậy, mình mong nếu ai không may rơi vào hoàn cảnh giống mình hãy kiên cường mà sống tiếp vì cuộc đời này còn rất nhiều điều tốt đẹp. Sinh lão bệnh tử là điều không thể tránh được, ai rồi cũng vậy thôi. Cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác sẽ mở ra”.
Ảnh: NVCC
Min / Theo Helino