Rơi nước mắt với cảnh đời cơ cực của người cha mù thổi sáo khắp Sài Gòn nuôi 3 con khôn lớn
Suốt mấy chục năm qua, cứ 16 giờ chiều là ông Nguyễn Văn Châu (68 tuổi) lại cầm cây sáo trúc lần mò, rảo bước trên những con đường tấp nập ở Sài Gòn mưu sinh.
Từng điệu sáo réo rắt vang lên như kể về chính cuộc đời buồn của người cha già lam lũ, một đời khó nhọc nuôi những đứa con trưởng thành…
Cảnh đời cơ cực
Từng có đôi mắt sáng như bao đứa trẻ khác nhưng đến năm 3 tuổi, bạo bệnh đã khiến đôi mắt ông Châu bị mù vĩnh viễn. Ông lớn lên trong sự yêu thương, lo lắng của gia đình.
Không được cắp sách đến trường nhưng ông vẫn học ở trường đời để tự trang bị vốn sống. Hơn 10 tuổi, vượt qua nghịch cảnh, ông đã bắt đầu đi làm. Khoảng thời gian này, khi rảnh rỗi, ông bắt đầu tập tành thổi sáo.
Sau giải phóng, ông theo gia đình đi kinh tế mới ở Bình Phước. Tuy không nhìn thấy gì nhưng ông vẫn đi làm rẫy như mọi người. Ai làm gì, ông làm nấy, thậm chí ông còn trồng lúa, trồng bắp, trồng khoai.
Năm 1979, gia đình ông trở lại Sài Gòn sinh sống. Những ngày đầu về đây, cầm cây sáo trên tay, ông đến những nơi đông người biểu diễn, mưu sinh.
Không dừng lại ở đó, khi có chút vốn liếng, ông bắt đầu đi buôn. Ông đi khắp nơi, đến cả các tỉnh miền Trung (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận…) thu mua gạo đem về Sài Gòn bán. Mỗi chuyến đi ông mang được 30kg, việc buôn bán của ông khá thuận lợi, sinh lời.
Năm 1981, ông Châu gặp một người phụ nữ từ Nha Trang vào tá túc ở chùa Bà Đen (chùa Ấn Độ ở Trung tâm Sài Gòn). Theo lời kể, người phụ nữ này bị gia đình ruồng bỏ, một mình đưa hai con vào nương náu cửa chùa. Động lòng thương cảm, cùng chung những cảnh đời bất hạnh, hai ông bà quyết định nên nghĩa vợ chồng.
Nghị lực của người cha mù
Suốt mười mấy năm, gia đình 5 miệng ăn gồm: vợ chồng ông Châu, con gái ruột và hai con riêng sống cùng nhau. Khó khăn chồng chất khó khăn, vợ chồng ông phải còng lưng ra làm để kiếm tiền nuôi các con.
Để kiếm được từng đồng bạc lẻ, ông Châu đã phải đi thổi sáo làm hành khất khắp các con đường. Có lần bị thu gom về Trung tâm Bảo trợ Xã hội, vợ ông phải bế con gái mới sinh đến xin, ông mới được về nhà.
Trong suốt nhiều năm, ông Châu là trụ cột kinh tế của gia đình. Người bình thường còn cảm thấy cực, huống chi là người mù như ông. Nhưng thương vợ con, ông Châu cố vượt qua tất cả.
Đến năm 1993, vì không thể chịu cảnh sống cơ cực, vợ ông bỏ nhà đi biền biệt, để lại 4 cha con còm cõi nuôi nhau. Hụt hẫng nhưng ông Châu gượng đứng dậy, cần mẫn kiếm sống nuôi các con khôn lớn.
Một người bạn cũ thương tình, bán chịu cho ông Châu 3 thẻ nhang và khuyên ông nên sống bằng nghề này. Từ đó đến nay, hơn 20 năm, cùng với cây sáo trúc, ông đi bán nhang khắp các con đường trong thành phố.
Ba người con một tay ông nuôi lớn giờ đã trưởng thành. Người con trai cả đã có gia đình riêng, con trai thứ hai đang làm bảo vệ cho quán phở. Còn con gái út, chị Nguyễn Thị Thái Thanh chưa có gia đình, vẫn sống cùng cha trong căn nhà chật hẹp chỉ vẻn vẹn 10m2.
Ở tuổi gần đất xa trời, ông Châu luôn mong những đứa con của mình có thể tự nuôi sống bản thân để ông bớt lo lắng.
Chia sẻ với PV Vietnamnet, chị Thái Thanh nói giọng tâm tình:“Ba cháu khổ cả một đời rồi. Cháu phải kề cận sớm hôm miếng cơm chén nước để gọi là báo hiếu cho cha. Phải không chú?”.
Quả ngọt cho người cha mù sau những năm tháng đắng cay chính là sự trưởng thành, nên người của những đứa con chung và riêng. Căn nhà nhỏ hẹp nhưng trái tim người cha lại rộng lớn, bao la đến vô cùng.
Theo phunusuckhoe