Hai bố con “bé như nắm cơm” không ngại bắt xe buýt lên phố chơi Trung Thu cách nhà 10 km
Hai bố con anh Mạnh Quang không ngại vóc dáng “siêu lùn”, lọ mọ bắt xe buýt đi từ Q. Hà Đông lên phố vui sự kiện trung thu “Em vẽ tương lai” tại Hà Nội.
Chiều 30/9, lần đầu tiên Chương trình Tình nguyện viên của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UN Volunteers) cùng các đối tác tổ chức sự kiện trung thu “Em vẽ tương lai” dành cho các bé khuyết tật và trẻ em tại Hà Nội tại tòa nhà xanh Liên Hợp Quốc (304 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội).
Biết tới chương trình này qua bạn bè giới thiệu, anh Hoàng Mạnh Quang, 34 tuổi (Phường Dương Nội, Q. Hà Đông, Hà Nội) đã cùng con gái 5 tuổi bắt xe buýt từ nhà cách hơn mười cây số lên đây vui trung thu.
Vóc dáng bé nhỏ “chỉ như nắm cơm” chỉ vỏn vẹn 1 mét của mình, anh Quang đã khiến không ít người có mặt tại sự kiện chú ý tới.
“Trước thấy ngại lắm, không dám ra khỏi nhà. Nhưng sau bạn bè bảo phải mạnh dạn lên. Rồi đi học một số khóa IT dành cho người khuyết tật, tôi bắt đầu mở lòng mình ra đón nhận niềm vui. Ở khóa học này, tôi cũng gặp được vợ tôi. Giờ tôi không buồn vì vóc dáng bẩm sinh của mình. Phải hòa nhập thôi! Xông pha lên!”, anh Mạnh Quang hài hước nói. Hiện anh Quang làm IT cho tổ chức Trẻ Em Rồng Xanh.
Hai bố con anh không quản đường xá xa xôi tới sự kiện này cũng vì muốn mở lòng ra đón nhận niềm vui trung thu cùng các bạn khuyết tật khác.
Em Vũ Thị Quyên, 27 tuổi, đồng sáng lập quỹ ANX bị xương thủy tinh bẩm sinh từ nhỏ cũng ngồi xe lăn tới dự sự kiện này.
“Gãy xương luôn là nỗi ám ảnh của em cũng như người thân trong gia đình. Tuổi thơ của em khá buồn vì ánh mắt chỉ trỏ, tò mò của mọi người. Đa phần tuổi thơ của em gắn bó với… cái giường và phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật lớn nhỏ”, Quyên kể.
Chính vì lẽ đó, trung thu trong ký ức của Quyên cũng chỉ là chiếc ống bơ xà phòng đục lỗ, thắp nến rồi chơi quanh quẩn trong nhà chứ không thể ra ngoài đường.
“Em đến đây, tổ chức chương trình này vì muốn xóa bỏ rào cản giữa người dân với người khuyết tật để các em khuyết tật tránh được sự tổn thương tinh thần. Có như vậy mới tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật phát triển. Bức thông điệp sự kiện này muốn gửi tới mọi người là người khuyết tật không phải là người yếu thế. Bởi chỉnh bản thân chúng em cũng có thể chìa bàn tay ra giúp đỡ những bàn tay khác”, Quyên bày tỏ.
Á hậu người điếc Bùi Thị Lan Anh Bùi Thị Lan Anh – Hoa khôi điếc Việt Nam năm 2015, Á hậu cuộc thi Miss & Mister Deaf International 2016 cũng cùng các bạn học sinh Điếc trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương tới chung vui tại sự kiện này: “Em muốn có nhiều hoạt động vui vẻ thế này để người khuyết tật được hòa nhập với mọi người”.
“Sinh con ra ai cũng thương con và mong cho con có cuộc sống tốt đẹp nhất. Những ánh mắt khác thường của người khác, những lời chỉ trích, những câu nói khó nghe dành cho con của mình không nuôi sống con mình, không giúp cho con mình và mình một cái gì cả. Chỉ có mình phải tự vượt lên mọi khó khăn, chăm sóc và giúp đỡ con mình”, đó là chia sẻ của một người mẹ có con bị tự kỷ đã chia sẻ như thế khi tham dự sự kiện này.
150 người bao gồm trẻ khuyết tật vận động, trẻ câm điếc, trẻ tự kỷ cùng cha mẹ, thầy cô giáo đã tới tham dự sự kiện này.
Nhưng ở đó, chúng tôi chỉ thấy những ánh mắt bừng sáng niềm vui, những nụ cười trong trẻo. Mọi người cùng nhau giao lưu, hát hò, cùng nhau vẽ bức tranh “Em vẽ tương lai” và chia sẻ những điều họ muốn nói.
“Em vẽ tương lai” là bức tranh được vẽ theo phong cách tự do, điều đó thay cho lò kết xóa bỏ rào cản khuyết tật, giúp các em tự tin, hòa nhập và có cơ hội phát tiển tốt nhất trong tương lai.
Thông qua chương trình, ban tổ chức muốn truyền tải thông điệp tất cả các trẻ đặc biệt là trẻ em khuyết tật đều cần và có quyền được tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế một cách bình đằng cho sự phát triển của mình.
Theo Emdep